Bài dự thi ký văn học chân dung "Người đương thời"

Thạc sĩ phát triển cộng đồng

Thạc sĩ phát triển cộng đồng

Thạc sĩ phát triển cộng đồng ảnh 1

Đó là dòng chữ chị thường ghi dưới những bài viết của mình tuy nhiều người vẫn biết tới chị như một nhà công tác xã hội nổi tiếng của miền Nam từ những ngày đầu tiên của ngành học này. Chị cũng là người phụ nữ đầu tiên lấy bằng Thạc sĩ  phát triển cộng đồng ở Philippines và đưa ngành học này về VN.

Chị đã bước vào tuổi 78, mái tóc trắng phau mà lòng “Vẫn đau đáu trước nền giáo dục của nước nhà, vẫn day dứt về nhân cách sống của giới trẻ, của những giá trị xã hội đương đại”. Chị là nhà xã hội học - thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh .

  • Nghề nghiệp là cả cuộc đời...

Sinh ra trên đất Sài Gòn trong một gia đình khá giả lại rất đông anh em, chị đứng thứ 14 trong 16 người nên trong nhà vẫn gọi chị Oanh là cô Bốn. Những năm học trung học, chị khá cả Anh, Pháp nên có ước mơ trở thành nhà ngoại giao, nói theo chị là để “suốt đời xách vali đi máy bay cho oách”. Do nhà có điều kiện, chị đã lên đường du học ở Mỹ từ 1950. Nhưng khi đến Mỹ, chị đã nghe lời anh Chủ tịch Hội Sinh viên Công giáo VN rằng “Đất nước còn nghèo đang cần trí thức ở sát với dân…” và khuyên chị nên chọn  một trong hai ngành rất cần cho đất nước là xã hội học hay giáo dục học, nên chị đã từ bỏ sở thích của mình, theo ngành xã hội học.

Năm 1955, cô cử nhân xã hội học về nước tham gia nhiều công tác như chăm lo cho các bạn trẻ di cư từ miền Bắc bị thất lạc gia đình, rồi tham gia thành lập một trung tâm cộng đồng  với vai trò một cộng tác viên cộng đồng. Cuối cùng khi được mời tham gia sáng lập trường công tác xã hội công lập  đầu tiên ở Sài Gòn, chị phải lấy bằng thạc sĩ để đủ chuẩn làm giảng viên.

Chị kể: “Lần này không phải tìm tòi do dự nữa, tôi biết rõ rằng mình phải học môn phát triển cộng đồng, một ngành học mới toanh chỉ mới bắt đầu ở Ấn Độ và Philippines”. Thế là chị chọn đi học ở Philippines sau 15 năm làm công tác xã hội.

Sau này nói về định hướng nghề nghiệp của mình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã tâm sự: “Nghề nghiệp là cả cuộc đời của mình nên phải yêu nó, tìm niềm vui nơi nó. Do đó phải chọn nghề phù hợp với sở thích và năng khiếu. Nhờ đó mình mới hoàn thành tốt nhiệm vụ và hơn thế mỗi ngày mỗi phát huy tài năng… Chọn nghề không vì lợi ích cá nhân mà còn vì nhu cầu xã hội. Làm đúng việc mình thích, lại có ích cho xã hội cho ta một cuộc đời đầy ý nghĩa”.

Và người phụ nữ với cái tâm trong sáng, với những lời dạy bổ ích trên bục giảng, những bài viết bài nói giản dị, rõ ràng đã trở nên người cô, người bạn, người đồng hành với bao lứa tuổi hôm nay.
Suốt đời sống vì cộng đồng

Trong một buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sống vì cộng đồng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, chị Nguyễn Thị Oanh đã dí dỏm phát biểu: “Đến giờ tôi vẫn sống một mình mà có buồn đâu… Gần cả cuộc đời chọn mục đích Sống vì cộng đồng, phần thưởng với tôi là hạnh phúc từ niềm vui của những người được mình giúp đỡ”.

Đúng vậy, chị xem “được” giúp đỡ người khác là niềm vui, là hạnh phúc. Ngay từ những ngày đầu tiên vào ngành công tác xã hội học chị đã thể hiện điều đó. Từ việc mở trường dạy công tác xã hội trước 1975 để cho ra lò những thế hệ kế thừa như Trần Thị Nên, Đỗ Văn Bình, Huỳnh Ngọc Tuyết, Bùi Thị Xuyến, Nguyễn Thị Ngọc… Có người là thạc sĩ, có người là cử nhân, nhưng tất cả đều một lòng cùng “cô Oanh”, “má Oanh” làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng.

Sau ngày giải phóng, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh công tác tại Viện KHXH miền Nam rồi ra dạy các trường đại học KHXHNV, Trường Đại học Mở bán công TPHCM. Day dứt về ngành xã hội học nước ta còn quá non trẻ, năm 1980 chị đã cố gắng đi tiên phong mở khoa “Phụ nữ học” cho trường đại học mở, tiền thân của khoa Xã hội học.

Còn nhớ, có lần ba chị nói khi biết con mình chọn ngành xã hội học: “Con chọn cái nghề từ thiện của ông cha bà phước sau này làm sao mà sống?”. Vậy mà sau gần 60 năm, người phụ nữ ấy vẫn rất bằng lòng ở sự lựa chọn của mình. Biết bao việc chị cùng các cộng sự của mình đã làm cho cộng đồng, biết bao bài nói chuyện trong các buổi họp mặt, giao lưu, biết bao trang viết để tư vấn về tâm sinh lý, về những thắc mắc, băn khoăn của lớp trẻ hôm nay.

Không thể kể xiết những việc làm của chị qua một vài trang báo bởi suốt đời, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh vẫn đau đáu nỗi lo trước nền giáo dục của nước nhà, vẫn day dứt về việc làm sao hình thành nhân cách sống cho giới trẻ trong một xã hội quay cuồng, nghiêng ngửa và càng ngày càng có nhiều trẻ “cô đơn ngay chính trong ngôi nhà mình”,  bất mãn với mọi thứ chung quanh.

Chính vì vậy, chị đã nhiều lần phát biểu, không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra những nguyên tắc chung để “tụng” cho trẻ nghe và bắt chúng “tụng” lại như cái máy. Và gắn với công tác xã hội, ở chị Oanh chính là gắn với việc giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho mọi người trong cộng đồng.

Bởi theo chị thì “Để hội nhập với thế giới không chỉ cần những mặt hàng tốt mà còn cần những người mới: trung thực, liêm chính…” và “Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy THẬT”.

Trong cửa hàng giảm giá của hội quán.

Trong cửa hàng giảm giá của hội quán.

Con đường đi của thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh và các bạn đồng nghiệp thật nhiều gian khó, chông gai trong hiện trạng đất nước còn nhiều bất cập, nhưng quãng đường ấy đã kết hoa thơm trái ngọt. Những năm gần đây, khoa Xã hội học ở Đại học KHXHNV rất phát triển, và ngành Phát triển Cộng đồng trong 2 năm nay đã chính thức trở thành một khoa mới, tách khỏi khoa Xã hội học. Điều đó phải chăng có sự đóng góp rất lớn của thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh và những cộng tác viên quanh chị?

Thạc sĩ Trần Thị Nên, lứa học trò đầu tiên của chị Oanh hiện đang công tác ở phòng Phát triển xã hội nhà thờ Đức Bà từng nói: “Nếu không gặp cô Oanh thì có lẽ tôi vẫn buôn gánh bán mẹt như nhiều người cùng hoàn cảnh. Chính cô đã khiến tôi vươn lên như hiện nay và đến giờ tôi luôn hài lòng với cuộc đời mình…”.

  • Và... hội quán “đến với nhau”

Nằm lặng lẽ yên bình trong một hẻm nhỏ ở khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM, Hội quán Đến với nhau đã ra đời từ ý muốn và sự góp sức của những chuyên viên công tác xã hội mà đầu đàn là thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh.

Hội quán khai trương từ ngày 28-4-2007, mục đích là tạo sân chơi cho các nhân viên xã hội qua việc hình thành một quán “café xã hội” đồng thời cũng là nhịp cầu kết nối những người đang công tác xã hội ở các nơi trên mọi lĩnh vực.

Không chỉ có vậy, khu nhà có khoảng sân thoáng mát với mấy cây cau kiểng soi bóng xuống mặt hồ nhỏ còn là nơi hội thảo, họp bạn với các chuyên đề xã hội nóng bỏng như: phân tích giao tiếp và ứng dụng, kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục chủ động và giáo dục kỹ năng sống, HIV/AIDS và  bạn, khôn dại của bạn gái trong tình yêu…

Gần 2 năm, hơn 30 lần sinh hoạt chuyên đề Hội quán như “Một mô hình đáp ứng nhu cầu phát triển công tác xã hội tại TPHCM” và nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhân viên xã hội và phát triển cộng đồng.

Ngồi trước mặt tôi bên ly cà phê đá một buổi sáng thứ bảy ở Hội quán Đến với nhau, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh vẫn cười tươi như mọi khi. Đứng sau lưng là chị Nguyễn Thị Ngọc, Chủ nhiệm hội quán, cũng là một học trò “cô Oanh”. Chị Oanh chậm rãi:

- Hội quán Đến với nhau dựa vào sự đóng góp tự nguyện của nhân văn xã hội (3.000.000 đồng/cổ phần) nên đây cũng là mái ấm nghề nghiệp thành phố của những người công tác xã hội. Vì vậy tinh thần đại gia đình là cốt lõi ở đây. Các anh chị em vừa được vui chơi giải trí, vừa có điều kiện nâng cao tay nghề để mở thêm lớp cho thành phố ở các địa điểm khác.

Chị chỉ cho tôi tủ sách kế bên để tôi lựa vài quyển và khoe cửa hàng giảm giá của hội quán nay đã khá nhiều mặt hàng. Đồ không dùng đóng góp cho người nghèo cũng có, đồ ký gửi cũng có. Chị cho biết:

- Mấy cô học sinh, sinh viên đến đây đều có món đem về. Giá phải chăng mà. Em vào lựa coi có gì vừa ý không. Nhớ đưa bạn bè tới nghe!

Nhìn gương mặt trắng mát đầy đặn, nụ cười hiền hậu và đôi mắt lấp lánh niềm vui của chị, người mới gặp chắc khó tin chị đã từng du học ở Mỹ, từng bảo vệ luận án thạc sĩ ở Philippines, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió và là tác giả của bao nhiêu bài viết, bài nói trên báo chí, trên các diễn đàn. Người phụ nữ làm công tác xã hội cả cuộc đời ấy trong mắt tôi giống một cô giáo Oanh, một “má Oanh” hơn.

Tôi nhìn quanh hội quán một lần nữa. Đây là chiếc bàn nhỏ của quán café Wifi, đây là những chiếc bàn, chiếc ghế xếp thành vòng tròn dành cho các buổi hội thảo, họp bạn, kế bên là tủ sách tâm lý xã hội với nhiều đầu sách về chuyên ngành xã hội học, là quầy thông tin cung cấp tư liệu miễn phí và giới thiệu các chương trình hoạt động của hội quán. Trong kia là cửa hàng giảm giá treo lủ khủ quần áo, túi xách, đồ nữ trang mỹ nghệ và mọi thứ ký gửi khác lúc nào cũng có vài ba khách ra vào, tham quan…

Nhìn lại mái tóc bạc phơ của chị Oanh, cánh chim đầu đàn của nơi này, tôi lại thấy ngưỡng mộ về sức làm việc vô cùng của chị, cũng như trước giờ tôi vẫn cảm động về sự quan tâm tha thiết của chị đến giáo dục với ước muốn đưa “giáo dục chủ động” vào nhà trường để thay đổi sự ù lì, thụ động của học sinh - sinh viên.

Và, nhớ đến sự biến động, xuống cấp của nền giáo dục tôi càng thấm thía sự sâu sắc của chị khi trích dẫn lời nhà giáo dục Pháp Jean Jaurens: “Người ta chỉ, và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Là một người đi từ công tác xã hội đến phát triển cộng đồng, chị luôn khẳng định quan điểm nhất quán của mình “Không thể giỏi cá nhân mà phải giỏi chung với mọi người”.

Rời khỏi Hội quán Đến với nhau khi nắng lên cao khỏi đỉnh đầu, tôi để lại thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh với một ngày thư giãn hiếm hoi của buổi cuối tuần không có sinh hoạt chuyên đề trong khu nhà dễ thương số 105/6 Bình Quới, quận Bình Thạnh. Cầm trên tay tập tư liệu được in từ bài tham luận đọc tại Nhà văn hóa Phụ nữ chị vừa tặng có tựa đề “Để có được một tuổi già minh mẫn”, tôi bỗng nhớ một tuyển tập rất hay vừa xuất bản của chị: “Hạnh phúc- phải lựa chọn”.

Đúng vậy, chị đã lựa chọn. Ngay từ tuổi thanh xuân, chị đã chọn con đường đến với cộng đồng, phục vụ không mệt mỏi, làm việc không nghỉ hưu cho hạnh phúc của cộng đồng. Và cuối cùng, chị đã tìm được hạnh phúc, xứng đáng được hạnh phúc!

CHI LAN

Tin cùng chuyên mục