Bài dự thi ký văn học chân dung Người đương thời

Bà "trùm" quan họ làng Diềm

Có một thế hệ báu vật sống của nghệ thuật hát quan họ đang ngụ cư và sắp khuất bóng ở vùng đất Kinh Bắc. Nghĩ về họ, chúng ta thường hay nhắc đến những cái tên thuộc lớp liền chị kỳ cựu như: Nguyễn Thị Bé - 88 tuổi, Nguyễn Thị Nguyên - 87 tuổi, Vũ Thị Chịch-88 tuổi, Ngô Thị Nhi-85 tuổi… Nhưng sẽ là thiệt thòi nếu những người yêu, mê quan họ chưa ghé thăm và diện kiến một bà lão có tên Nguyễn Thị Bàn, 77 tuổi.
Bà "trùm" quan họ làng Diềm

Có một thế hệ báu vật sống của nghệ thuật hát quan họ đang ngụ cư và sắp khuất bóng ở vùng đất Kinh Bắc. Nghĩ về họ, chúng ta thường hay nhắc đến những cái tên thuộc lớp liền chị kỳ cựu như: Nguyễn Thị Bé - 88 tuổi, Nguyễn Thị Nguyên - 87 tuổi, Vũ Thị Chịch-88 tuổi, Ngô Thị Nhi-85 tuổi… Nhưng sẽ là thiệt thòi nếu những người yêu, mê quan họ chưa ghé thăm và diện kiến một bà lão có tên Nguyễn Thị Bàn, 77 tuổi.

Bà đã dành trọn cả đời cho câu quan họ, cho tương lai, sự hưng thịnh của làn điệu dân ca quan họ đang được Việt Nam gửi UNESCO xét duyệt là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Chúng tôi đã đôi lần về nghe bà hát và xin được khắc họa đôi nét về bà.

Mỗi khi đặt chân vào địa phận xã Hoàng Long, TP Bắc Ninh, hỏi thăm bất cứ người dân nào về nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Bàn, người làng Diềm, thì hầu như ai cũng biết và chỉ đường tường tận. Lâu nay đã có biết bao người lặn lội đường sá xa xôi tìm đến, có khi chỉ để được nghe bà Bàn hát một vài bài quan họ cổ.

Thậm chí vài năm trước đây có một cô gái đến từ nước Mỹ xa xôi đã “ăn dầm nằm dề” ngay tại nhà bà Bàn nhiều tháng để ngày đêm ghi chép, quay phim và nghiên cứu những bài hát quan họ cổ, thu thập tư liệu cho luận án tiến sĩ nghệ thuật của mình.

Đã đôi lần về ngôi làng này để diện kiến và lắng nghe những lời ca quan họ do chính bà Bàn thể hiện, nhưng chuyến đi mới đây, với chúng tôi có nhiều ý nghĩa sâu lắng nhất. Bà đứng trước căn nhà ngói 3 gian xây từ thời chiến tranh chống Mỹ, nằm cạnh ngôi nhà 4 tầng bê tông mới cứng, cửa đóng then cài.

Nhìn thấy chúng tôi, vẫn dáng vẻ phúc hậu, bà đon đả mời khách vào nhà cùng nụ cười tươi của thói quen người làng quan họ gốc. Bà Bàn thoăn thoắt tay đặt ấm nước lên bếp, tay nhóm lửa từ cái bếp củi đã có hàng chục năm nay. Xong đâu đấy, bà quay vào bàn thờ ở gian chính giữa thành kính thắp nén nhang lên bát hương phụng thờ tổ tiên, lẩm nhẩm khấn vài câu xin Đức Vua Bà Thủy tổ quan họ và tổ tiên phù hộ cho con cháu làng Diềm giữ được gia tài quan họ quý báu của ông cha…

Quay sang chúng tôi, bà Bàn mỉm cười, tâm sự: “Không hiểu sao trước khi hát quan họ cứ thắp nhang khấn Đức Vua Bà là giọng ca trở lên ngọt lừ, nghe thấm lắm. Nghiệm lời dạy của các bậc tiền nhân, cánh liền anh liền chị chúng tôi đứng trước tâm linh thành thói quen rồi…?.

Bà Bàn sinh năm 1932. Năm lên 7 tuổi, bố bà qua đời, em trai mới có 5 tuổi, lên 9 tuổi, mẹ mất. Mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn quá nhỏ, chị em bà Bàn như những đứa trẻ vơ bơ. Cậu em đến ở với ông nội, còn bà Bàn về nhà cụ ngoại nương nhờ.

Bà kể: “Ở nhà bà ngoại, đêm nào cũng vậy, cứ cơm nước xong xuôi là các bà, các cô trong xóm lại kéo nhau sang tụ tập tại sân nhà bà tôi. Họ quây quần bên manh chiếu rách, say mê học hát quan họ. Tôi mon men ngồi học lỏm, í a í ơi vài câu. Ban ngày thơ thẩn một mình, tôi lại lên võng đu đưa ngâm nga những lời hát đã thuộc. Thấm thoát một, hai năm tôi đã hát được hàng chục bài, được bà ngoại khen sáng dạ và mọi người tấm tắc bảo có giọng hát hay. Đến năm 14 tuổi, tôi về sống với ông nội và em trai. Khi đó tôi chính thức học hát với nhóm cùng trang lứa trong làng Diềm. Cũng do đã biết nhiều câu hát và có giọng hát nhuyễn, họ tôn tôi là chị cả, đi đâu cũng rủ rê như để muốn tranh tài với các bạn hát làng bên”.

Nhấp ngụm nước lá cho ngọt giọng, bà Bàn lại tiếp câu chuyện: “Cái máu quan họ nó lạ kỳ lắm. Nếu mới sinh con được mấy tháng người ta ai cũng phải kiêng cữ, nhưng tôi thì không. Có hôm nhớ quan họ quá, tôi cho con bú no rồi đặt con ngủ trên manh chiếu giữa nhà, trốn ra đình nghe hát…”.

Làng Diềm này xưa nghèo lắm, trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, làng lại càng nghèo xác nghèo xơ. Có thời gian, quan họ làng Diềm tạm lắng để nhường chỗ cho những bài hát thúc giục, khích lệ, cổ vũ người dân hăng say lao động phục vụ tiền tuyến... Đến mãi năm 1990, làng Diềm mới lập lại được một đội hát quan họ gồm 25 người. Chính quyền xã, thôn cử bà Bàn làm đội trưởng.

Vậy là cứ tối tối, mọi người trong đội lại tụ tập ở nhà bà Bàn, có khi bên Đền, lứa cao niên truyền dạy cho những người trẻ câu hát quan họ cổ. Nghệ nhân Ngô Thị Nhi, 85 tuổi tâm sự với chúng tôi: “Khổ cái nhà cô Bàn, nhiều đêm mải say quan họ quên cả nấu cơm ăn tối. Nửa đêm thấy người như lả đi, mới bất chợt nhớ ra mình chưa lót dạ được hạt cơm nào. Người đâu mà say công tiếc việc của bạn quan họ đến thế là cùng!”.

Bà Bàn (áo tím) đi đầu, dẫn các liền anh, liền chị ra Đền Vua Bà.

Bà Bàn (áo tím) đi đầu, dẫn các liền anh, liền chị ra Đền Vua Bà.

Từ khi làm đội trưởng, năm nào bà Bàn cũng dành cả một tháng để đi truyền dạy quan họ cho sinh viên Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh và nhận kèm cặp thêm cho đôi ba liền anh, liền chị của đoàn quan họ.

Nói về công việc truyền dạy quan họ cho lớp người trẻ, bà Bàn như dõi vào cõi xa xăm: “Nhiều kỷ niệm lắm, cả vui lẫn buồn. Đã không ít lần tôi vừa dồn sức luyện câu, luyện giọng cho các cô, các cậu, vừa phải dịu lời nịnh lớp trẻ cho họ cố học những câu hát cổ. Nếu không có ai học loại bài hát khó này, mai này  mất đi thì tiếc lắm. Giờ đây nhiều bạn trẻ không thiết tha với quan họ, vừa học vừa nghe di động, học được đôi ba lời lại túm tụm nhau “buôn” chuyện, không để tâm nên học trước quên sau; chưa học được là bao đã ngấp nghé muốn đi hát kiếm tiền,  đi hát với chúng với bạn để được mang cái danh nghệ sĩ, ca sĩ hão huyền…”.

Bà cũng thú nhận mình đã già rồi, nhiều cái đành lực bất tòng tâm. Năm 2004, cụ Bánh, người dạy quan họ cho bà Bàn từ tấm bé trong cơn nguy kịch, đã cho con cháu gọi bà Bàn sang để truyền dạy nốt hai câu vốn hàng chục năm nay cụ giữ nó như giữ báu vật trong tâm trí... Đó là một câu đàn ngọt, một câu đàn lẩy, mà theo con cụ kể lại lời cụ lúc sắp rơi vào trạng thái mê man thì cả 2 câu này đều thuộc loại tuyệt hay, quý hiếm, nhưng cũng thuộc loại khó hát nhất trong cái kho quan họ cổ Kinh Bắc. Nhưng tất cả đã quá muộn, khi bà Bàn chạy sang, cụ Bánh đã hấp hối, không nói được câu gì. Chỉ nhìn bà Bàn được giây lát, rồi cụ Bánh vĩnh biệt con cháu, vĩnh biệt người học trò cưng ra đi mang theo 2 câu quan họ cổ. Thật tiếc thay!

Sợ bà Bàn lạc vào những trạng thái tình cảm, mủi lòng, buồn tủi, chúng tôi đã chuyển hướng câu chuyện sang một ngả khác. Và bây giờ cái giọng vui sướng, tự hào bắt đầu được bà thể hiện với những câu chuyện đi thi và giật giải quan họ.

Bà nhớ lại: “Năm 1992, tôi được đội quan họ cử đi thi hát đối trên tỉnh, năm đó chỉ đoạt giải B; chưa thỏa lòng, năm sau lại đi cùng cụ Chạch hát cặp, giật ngay được giải A, kèm theo 400.000 đồng tiền thưởng. Về nhà, tôi mang tiền khao cả đội, thật là vui, cứ ngỡ như mình mới bắt được vàng vậy. Được đà, những năm sau tôi đều đăng ký đi thi, nhưng không được duyệt vì đã quá tuổi. Bù lại tôi thường xuyên được mời vào ban giám khảo để chấm thi quan họ các cấp. Cái vui của tôi ở chỗ, năm nào quan họ làng Diềm quê mình cũng đoạt giải cao. Có thế mới xứng danh anh cả, chị hai lớn lên và sinh ra trong cái nôi của làng quê Đức Vua Bà”.

Năm nào quan họ làng Diềm đoạt giải thấp, cái máu sĩ diện lại nổi lên trong cả đội, ai cũng thấy tự ái lắm. Bà bảo, người làng Diềm khi cất giọng chẳng khác người nói sõi tiếng Kinh là mấy, nhưng khi vào hát quan họ thì giọng nó kỳ diệu lắm, cái chất giọng ấy mới ra quan họ. Phải lắng nghe và tự cảm nhận mới thấy cái quý của mạch nước nuôi nấng con cháu sinh ra trên đất làng Diềm.

Bà Bàn thường vui đùa với cánh hát quan họ trẻ: Cái “nghiệp chướng” của mình có lẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tuần nào tháng nào không được đi hát quan họ với lớp bạn già hoặc dạy hát cho lớp trẻ trong làng là y rằng lăn ra ốm.

Mấy người con, cả dâu lẫn rể biết vậy nên khi có người từ nơi khác về tìm gặp bà Bàn để nghe hát quan họ là họ mừng lắm. Chúng tôi lại bắt gặp dáng bà thoăn thoắt khi ra đền, lúc vào chùa, nơi đang í a giọng hát quan họ và thấp thoáng những tà áo mớ bẩy, mớ ba quen thuộc. Mà kể cũng lạ, quan họ sao nó vẫn mãi ẩn chứa sức hấp dẫn, chẳng khác nào sức hút của người bạn tình mời chào, vẫy gọi từ cái thửơ còn son.

Bà Bàn kéo chúng tôi ra đền Vua Bà để nghe bà hát. Bà tâm sự: “Cái vốn quan họ của tôi còn trường lắm. Cứ theo trí nhớ thì được chừng 200 bài cổ. Có nhiều bài tôi học và thuộc từ lâu, nhưng chẳng mấy khi đem ra hát cho người khác nghe. Ví như những bài: Cơm vàng, Chiền chiện, Phong thư, Gạo ngang, Gạo dọc, Đàn đúm, Bóc thư, Suông hời suông hỡi… Hôm nay vui quá, tôi nhớ đâu sẽ hát đấy”.

Các cụ bảo: sáu năm, bảy tháng, tám ngày có nghĩa là vào lứa tuổi sáu mươi thì chỉ tính trước sức khỏe mình được từng năm, lứa bảy mươi thì tính từng tháng, còn đến lứa tám mươi thì chỉ còn tính được qua từng ngày. Bà nay đã ngót tám mươi rồi, mọi sự chẳng dám nói trước được điều gì. Thế nên cứ có người thành tâm ngồi nghe quan họ là bà lại hát, hát đến khi nào khản giọng thì nghỉ, ngày mai hát tiếp. Làng này người hát cùng trang lứa với bà như cụ Nhi, cụ Đăng, cụ Sự và khoảng chục cụ nữa chắc cũng nghĩ thế.

Sau nghi lễ thắp hương khấn vái Đức Vua Bà, giọng bà bắt đầu cất lên miên man theo những câu hát quan họ cổ. Đã gần 2 ngày qua đi, hơn 100 bài hát quan họ cổ được ngân lên trong ngôi đền khiêm nhường mà danh tiếng này. Và quả thật nếu bất chợt vào cuối chiều nghe thêm bài quan họ trước khi ra về thì chúng ta không thể tin nổi giọng một liền chị gần tám mươi lại vẫn tươi mới, ngân vang như khi nghe câu quan họ của buổi sáng đầu tiên, nó vẫn “vang, rền, nền, nảy”, vẫn cuốn hút người nghe dù chẳng có bất kỳ thứ nhạc đệm nào.

Bà Bàn rưng rưng ánh mắt nhìn lớp con cháu hậu sinh chúng tôi, rồi nén giọng chuyện sang phần Giã bạn. Ngoài kia đôi căn nhà cao tầng của làng Diềm thời đổi mới đã bừng sáng ánh đèn. Chúng tôi miễn cưỡng kéo nhau lên xe tạm biệt bà ra về. Xe chuyển bánh đã được nửa quãng đường xuôi về Hà Nội mà trong tâm trí chúng tôi vẫn cứ chấp chới bóng nón ba tầm, cánh áo mớ bẩy, mớ ba  cùng âm vang lời ca từ phía sau lưng níu kéo: “Người ơi người ở đừng về…”.

Và như lẽ tất nhiên, trong nỗi niềm ấy của những kẻ hậu sinh sau hai ngày ngồi thưởng thức cả trăm bài hát quan họ cổ chen lẫn những lời tâm sự chắt ra từ hơn 70 năm say mê “chơi” quan họ của nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, vẫn mãi ngân nga trong chúng tôi…

Bùi Quang Thanh - Dương Hải

Tin cùng chuyên mục