Nhật - Trung bên bờ vực xung đột

* Người Nhật ở Trung Quốc đề phòng bị tấn công hoặc quấy rốiNgày 14-9, lần đầu tiên trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai nước về chủ quyền một phần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi Điếu Ngư), tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản, bất chấp các cảnh báo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.
Nhật - Trung bên bờ vực xung đột

* Người Nhật ở Trung Quốc đề phòng bị tấn công hoặc quấy rối

Ngày 14-9, lần đầu tiên trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai nước về chủ quyền một phần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi Điếu Ngư), tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản, bất chấp các cảnh báo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản kè sát tàu hải giám Trung Quốc sáng 14-9.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản kè sát tàu hải giám Trung Quốc sáng 14-9.

Ngày 14-9, 6 tàu tuần tra Trung Quốc đã tiến vào vùng biển của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 2 tàu Hải Giám 51 và Hải Giám 56 đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản quanh đảo Taisho lúc 6 giờ 20 và 4 tàu khác xâm nhập vùng biển xung quanh đảo Kuba lúc 7 giờ 5. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JSC) đã đưa ra cảnh báo trước khi 2 tàu Hải Giám 51 và 56 tiến vào vùng biển Nhật Bản, nhưng phía Trung Quốc đáp lại rằng quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc và họ đang tuần tra. Hai tàu này đã rời lãnh hải Nhật Bản lúc 8 giờ sáng.

Đây là vụ việc mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa hai nước và cũng lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào vùng lãnh hải Nhật Bản kể từ khi Tokyo quyết định mua quần đảo trên bất chấp các cảnh báo của Trung Quốc.

Trước sự việc này, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố: Tokyo sẽ áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo an ninh. Hãng thông tấn Kyodo cho biết Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một văn phòng đặc biệt tại trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc văn phòng thủ tướng để giải quyết các vấn đề trên.

Bộ Ngoại giao Nhật đã cảnh báo công dân nước này tại Trung Quốc nên tăng cường cảnh giác, đề phòng bị tấn công hoặc quấy rối, tránh ra khỏi nhà vào ban đêm, tránh xa và hạn chế sử dụng tiếng Nhật tại những nơi công cộng. Đồng thời, phía Nhật cũng lặp lại yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải đảm bảo sự an toàn cho công dân Nhật ở nước này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố xác nhận “hai tàu hải giám Trung Quốc đã tới vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận để bắt đầu tuần tra và thực thi luật pháp. Các hoạt động này được đưa ra nhằm thể hiện quyền tài phán của Trung Quốc đối với quần đảo này cũng như bảo vệ lợi ích biển của Trung Quốc”.

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 15-9 bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand, để thực hiện nỗ lực “tái cân bằng” trọng tâm của Washington sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm của Bộ trưởng Panetta tới Trung Quốc là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và diễn ra vào thời điểm căng thẳng khu vực tăng cao do tranh chấp lãnh thổ.

Lầu Năm Góc chưa tiết lộ gì về nội dung chuyến thăm Trung Quốc.

Theo Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, trong các “cuộc thảo luận rất hữu hảo” tuần trước tại thủ đô Bắc Kinh, các lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng họ muốn theo đuổi một một bộ quy tắc ứng xử với ASEAN trên biển Đông. Mỹ đã không đưa ra lập trường về các tuyên bố chủ quyền, song muốn đảm bảo rằng không có bên nào can dự vào bất cứ hành động gì làm gia tăng căng thẳng cũng như gây nguy hiểm đối với an ninh và tự do hàng hải, theo đó sẽ gây phương hại cho mọi người.

XUÂN HẠNH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Mỹ kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc kiềm chế

Tin cùng chuyên mục