Bangladesh: Bạo động vì “vết thương chiến tranh”

Ngày 3-3, Bangladesh đã phải huy động quân đội tới phía Bắc nước này sau khi có thêm 10 người chết trong các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và cảnh sát. Đất nước Nam Á này đã bùng lên ngọn lửa bạo động sau khi tòa án tuyên bố tử hình lãnh đạo đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami (gọi tắt là Jamaat) vì tội giết hàng loạt người ủng hộ tự do cho Bangladesh trong cuộc đấu tranh giành độc lập năm 1971.
Bangladesh: Bạo động vì “vết thương chiến tranh”

Ngày 3-3, Bangladesh đã phải huy động quân đội tới phía Bắc nước này sau khi có thêm 10 người chết trong các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và cảnh sát. Đất nước Nam Á này đã bùng lên ngọn lửa bạo động sau khi tòa án tuyên bố tử hình lãnh đạo đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami (gọi tắt là Jamaat) vì tội giết hàng loạt người ủng hộ tự do cho Bangladesh trong cuộc đấu tranh giành độc lập năm 1971.

  • Hàng ngàn người tấn công cảnh sát

Quân đội Bangladesh đã được điều động tới thị trấn Shahjahanpur, nơi có 5.000 người biểu tình tấn công hai đồn cảnh sát buộc cảnh sát phải xả súng. “Ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ sau khi những người ủng hộ Jamaat tấn công chúng tôi. Số người chết có thể tăng lên”, Phó cảnh sát trưởng thị trấn Shahjahanpur Moqbul Ahmed nói với AFP. Cảnh sát cho biết, ngày 2-3, một tàu hỏa đã bị người biểu tình đốt nhưng không có thương vong. Kể từ khi tòa tuyên án tử hình Phó chủ tịch đảng Hồi giáo Jamaat Delwar Hossain Sayedee hôm 21-1, tổng số người chết trong các vụ đụng độ đã tăng lên 66 người, trong đó có 50 người bị giết trong 4 ngày qua. Tại tỉnh Bogra, ít nhất 10.000 người biểu tình trang bị gậy, bom tự chế và các loại vũ khí khác tấn công 5 trạm cảnh sát, buộc cảnh sát nổ súng vào họ.

Bạo động trên đường phố Dhaka, Bangladesh.

Bạo động trên đường phố Dhaka, Bangladesh.

Ông Sayedee bị kết tội giết người, đàn áp tôn giáo và hãm hiếp trong cuộc đấu tranh giải phóng Bangladesh khỏi Pakistan năm 1971. Bản án đã gây ra các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ Jamaat và cảnh sát trên khắp đất nước Nam Á này. Sayedee, 73 tuổi, là người thứ ba bị Tòa án Tội ác chiến tranh ở Bangladesh tuyên án. Jamaat cho rằng quá trình xét xử không công bằng. Đảng này đã kêu gọi một cuộc đình công trên toàn quốc vào ngày 3-3 để phản đối bản án và các vụ mà họ gọi là cảnh sát giết hại các nhà hoạt động của họ một cách tàn bạo. Tại thủ đô Dhaka, an ninh đã được thắt chặt với khoảng 10.000 cảnh sát tuần tra. Cửa hàng và trường học đóng cửa. Nhiều đường phố ở thủ đô Dhaka và thành phố cảng Chitttagong vắng lặng.

  • Nguồn gốc bùng nổ xung đột

Các đảng đối lập cáo buộc Chính phủ Bangladesh thông qua Tòa án Tội ác chiến tranh Bangladesh xét xử hàng chục thành viên đảng Jamaat và các lãnh đạo đảng đối lập chính- đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đã làm khơi lại vết thương cũ gây chia rẽ đất nước. Chính phủ Bangladesh trong khi đó nói rằng Jamaat đã phản đối cuộc đấu tranh giành độc lập của Bangladesh khỏi Pakistan năm 1971 đồng thời nhận sự hỗ trợ từ Pakistan để tàn sát nhiều người ủng hộ độc lập.

Trong ngày 3-3, Chính phủ Bangladesh đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án tối cao đòi phải tử hình một thành viên cao cấp khác của Jamaat. Tháng trước ông này đã bị kết án chung thân vì tội danh giết người hàng loạt trong cuộc chiến tranh giành độc lập.

Hai đảng chính tại Bangladesh là đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) và Liên đoàn Awami Bangladesh. BNP có đồng minh là các đảng Hồi giáo như Jamaat và Islami Oikya Jot, trong khi Liên đoàn Awami liên kết cùng phe cánh tả và các đảng phi tôn giáo. Sự đối đầu giữa Liên đoàn Awami-BNP rất gay gắt và thường dẫn tới những cuộc phản kháng, bạo lực gây thiệt hại nhân mạng. Cuộc chiến năm 1971 cũng bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai lực lượng này. Sau đó Liên đoàn Awami được Ấn Độ hỗ trợ giành độc lập cho Bangladesh khỏi Pakistan.

Mỹ và LHQ đã kêu gọi các bên bình tĩnh. Vào ngày 2-3, nhiều nhóm hoạt động nhân quyền yêu cầu chính phủ cho tăng cường an ninh sau một loạt cuộc tấn công của những người tình nghi ủng hộ Jamaat vào các ngôi đền Ấn Độ giáo và nhà dân thường, trong đó một người đàn ông theo Ấn Độ giáo đã bị giết. Tuy nhiên Jamaat phủ nhận việc họ đứng đằng sau các cuộc tấn công.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục