Syria phản đối Liên đoàn Ảrập ủng hộ phe đối lập

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ảrập (AL) đã kết thúc tối 26-3 (giờ địa phương), sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Điều đáng chú ý tại hội nghị này, Chính phủ Syria chính thức bị loại trừ khỏi AL và đại diện của Syria tại AL là lực lượng đối lập.
Syria phản đối Liên đoàn Ảrập ủng hộ phe đối lập

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ảrập (AL) đã kết thúc tối 26-3 (giờ địa phương), sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Điều đáng chú ý tại hội nghị này, Chính phủ Syria chính thức bị loại trừ khỏi AL và đại diện của Syria tại AL là lực lượng đối lập.

  • AL “hành động nguy hiểm”

Mặc dù nghị quyết của 15 nước thành viên AL nhấn mạnh cần ưu tiên các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria nhưng AL đã cho phép các quốc gia thành viên cung cấp cho người dân và phe đối lập Syria các biện pháp tự vệ, trong đó có vũ khí. Tại hội nghị, Liên minh dân tộc cách mạng và các lực lượng đối lập Syria (gọi tắt Liên minh dân tộc Syria - SNC - hiện đang lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ) được giữ ghế của Syria tại AL và trong các tổ chức thuộc liên đoàn cho đến khi tiến hành các cuộc bầu cử dẫn đến việc thành lập một chính phủ mới. Phản ứng về việc này, Chính phủ Syria và một số đảng phái đối lập trong nước đã lên tiếng phản đối.

Cựu đại sứ của Syria tại AL, ông Yousef al-Ahmed cho rằng, động thái trên cho thấy AL đã “tự biến mình thành một phần của cuộc xung đột, chứ không phải là giải pháp cho xung đột này”. Vì vậy, mọi quyết định của AL sẽ bị Syria coi như không có hiệu lực pháp lý. Ông cũng nhấn mạnh việc AL cho phép các nước thành viên vũ trang cho phe đối lập Syria là “hành động nguy hiểm và vi phạm trắng trợn Hiến chương của AL”. Tờ báo nhà nước Al-Thawra của Syria cũng có bài bình luận, trong đó khẳng định các quyết định trên của AL là “hành động hợp pháp hóa cho quân khủng bố”.

Ông Moaz al-Khatib thuộc lực lượng đối lập Syria chính thức đại diện Syria tại AL.

Ông Moaz al-Khatib thuộc lực lượng đối lập Syria chính thức đại diện Syria tại AL.

Kể từ khi giao tranh tại Syria bắt đầu tới nay, AL từ chỗ trung gian cho các cuộc đàm phán đến nay chuyển hẳn sang ủng hộ lực lượng đối lập. Nguyên nhân chính là đa số các nước thuộc AL có đa số người Hồi giáo cùng thuộc dòng Sunni với lực lượng đối lập tại Syria, trong khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thuộc dòng Shiite.

  • Chia rẽ trong AL và SNC

Sau hội nghị thượng đỉnh AL, báo chí thế giới cho biết đã có sự chia rẽ bên trong AL. Theo Reuters, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar muốn ủng hộ mạnh mẽ lực lượng Anh em Hồi giáo (một nhánh của tổ chức này hiện đang cầm quyền ở Ai Cập) trong thành phần lực lượng đối lập Syria, trong khi các thành viên khác phản đối. Mức độ chống đối Tổng thống Syria Assad cũng khác khi Saudi Arabia và Qatar cực lực đòi ông Assad từ chức thì các nước Iraq, Algeria và Lebanon (những nước do Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo) hầu như không đưa ra đòi hỏi này. Hãng truyền thông quốc tế Đức Deutsche Welle dẫn lời Phó Tổng thống Iraq Khidr al-Khazaei tại cuộc họp thượng đỉnh nói: “Chúng tôi khẳng định lại quan điểm là ủng hộ hoàn toàn các hoạt động hợp pháp của người dân Syria và ủng hộ giải pháp chính trị hòa bình không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

Ngay cả trong lực lượng đối lập cũng có một số rạn nứt. Sau khi ông Ghassan Hitto được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời của SNC, ông Moaz al-Khatib đã tuyên bố từ chức chủ tịch SNC nhưng không được chấp nhận. Ông Khatib vẫn được AL chào đón ngồi vào ghế thành viên của Syria ở AL. Mâu thuẫn giữa lực lượng quân sự thuộc SNC đang tham gia cuộc chiến tại Syria với các nhà chính trị cũng tăng lên khi quân đội Syria tự do bác bỏ tư cách thủ tướng tạm quyền của ông Hitto vì cho rằng việc bầu ông này không thông qua hình thức đồng thuận. Ông Khatib từng kêu gọi đối thoại với Chính phủ Syria trong khi ông Hitto được Qatar và tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ. 

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục