Chung tay và minh bạch

Có quá nhiều nỗi lo xuất phát từ nền giáo dục của nước ta. Trong đó, vấn đề tưởng chừng không thuộc phạm vi giáo dục nhưng lại có tầm quan trọng không kém các vấn đề khác, đó là vệ sinh trong trường học.

Nhiều thế hệ học sinh của chúng ta đã trải qua những năm tháng đi học đầy ắp kỷ niệm đẹp. Nào là hình ảnh ngôi trường thân thương với phấn trắng, bảng đen, những bài giảng lay động tâm hồn của thầy cô giáo; nào là cánh phượng hồng, những tiếng cười trong veo giữa sân trường ngập nắng, là những dòng lưu bút dạt dào cảm xúc mến thương trước lúc chia tay nhau để tung cánh vào đời…

Nhưng len lỏi trong những ký ức đẹp của nhiều học sinh là hình ảnh không đẹp của nhà vệ sinh “chẳng mấy vệ sinh” trong ngôi trường mình học, dù là ở miền quê hẻo lánh hay ở phố thị sầm uất.

Một người bạn công tác trong lĩnh vực giáo dục kể rằng, có dịp đi công tác nước ngoài, anh được mời đến tham quan nhiều trường học, từ cấp tiểu học đến đại học ở Nhật Bản, Singapore, New Zealand.

Ấn tượng khó phai của anh không chỉ là sự hoành tráng của ngôi trường, sự bố trí khoa học giữa các phòng học tập, vui chơi giải trí, thể thao mà còn là các nhà vệ sinh! Xanh - sạch - thân thiện là những tiêu chí hàng đầu của những nhà vệ sinh trong các trường học ở những nước này. Trong khi đó, tại ngôi trường tiểu học ở một quận vùng ven mà cô con gái nhỏ của anh đang theo học, hệ thống nhà vệ sinh vốn xập xệ, tạm bợ đang ngày càng xuống cấp, an toàn vệ sinh không được đảm bảo khiến nhiều phụ huynh - trong đó có anh không thể an tâm.

Đảm bảo sức khỏe cho trẻ là nỗi lo của bất cứ cha mẹ nào, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Có lẽ điều đó đã thôi thúc một số phụ sinh học sinh cùng chung tay, góp sức thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng nhà vệ sinh cho con em mình trong trường học.

Trong thời gian qua, tại một số quận trên địa bàn TPHCM, với sự đóng góp của hội cha mẹ phụ huynh học sinh, một số trường tiểu học đã xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn: xanh - sạch. Trong đó, nhiều nhà vệ sinh còn được trang trí hình vẽ sống động với nội dung kêu gọi bảo vệ môi trường; có nhạc thiếu nhi và chỗ ngồi chờ thoáng mát cho các cháu nhỏ.

Tuy có một số ít ý kiến không hoàn toàn ủng hộ việc phụ huynh học sinh đóng góp xây dựng nhà vệ sinh vì cho rằng đó là trách nhiệm của nhà trường, của ngành giáo dục nhưng nhìn chung việc làm này được dư luận đồng tình. Nhiều năm qua, mặc dù ngành giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đầu tư, nhưng nếu thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng, có lẽ ngành giáo dục còn khá lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao và bức thiết.

Mỗi năm học mới, nhiều phụ huynh học sinh lại phải đau đầu bởi nhiều khoản đóng góp. Đó là một thực tế cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, vì hiện nay khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo ngày càng lớn. Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh, là một việc làm được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, cần có cách làm và bước đi phù hợp để tránh sự phân biệt, phân hóa trong phụ huynh, thậm chí ngay trong học sinh.

Một số đại diện doanh nghiệp cho rằng, nếu có cơ chế, chính sách rõ ràng, hợp lý hơn, doanh nghiệp có thể tham gia công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục hiệu quả hơn. Và như ý kiến của giám đốc một doanh nghiệp: Không nên nghĩ rằng xã hội hóa giáo dục là những gì cao siêu, to tát mà hãy bắt đầu và làm tốt từ việc xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh cho các cháu học sinh!

Để việc chung tay, xã hội hóa trong giáo dục đạt kết quả, chắc chắn không thể thiếu sự minh bạch. Chính sự minh bạch sẽ góp phần quan trọng tạo ra động lực cho phụ huynh học sinh, doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Họ cũng yên tâm hơn khi đóng góp công sức, tiền của. Nói cách khác, minh bạch tạo ra sự cộng hưởng trong cộng đồng. Đó là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của quá trình xã hội hóa.

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục