Nỗi lo tăng giá

Mấy tháng gần đây, mỗi buổi sáng sau khi đi chợ hoặc siêu thị về, các bà nội trợ lại than thở: Hôm nay thực phẩm (thịt, cá, rau…) lại tăng giá! Có lẽ điệp khúc này chưa dừng lại trong những ngày tháng tới và không chỉ ở các mặt hàng thực phẩm mà lan ra nhiều mặt hàng thiết yếu khác của cuộc sống hàng ngày. Mới đây, một số hãng sữa nước ngoài cũng tuyên bố tăng giá dù lý do được viện dẫn chẳng xác đáng chút nào. Giá trần vé máy bay cũng tăng đến 50%; giá vé tàu hỏa, xe khách… đều tăng theo một tỷ lệ nhất định. Chưa hết, trường học các cấp cũng rục rịch tăng học phí. Và đến các bệnh viện cũng công bố mức viện phí mới…

Đó quả thực là nỗi lo và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi gia đình, nhất là người lao động, công chức, học sinh, sinh viên – những người vốn sống bằng nguồn thu ít ỏi và không hề được tăng lên tỷ lệ thuận với đà tăng của giá.

Ở một bình diện khác: Giá điện, xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị nhập khẩu cũng đều tăng đã đẩy giá các công trình lên một mức mới. Hàng loạt công trình phải điều chỉnh lại mức đầu tư.

Đến nay đã gần hết quý 3, song rất nhiều công trình xây dựng không thể hoàn thành đúng tiến độ cũng do… giá. Nỗi lo tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến mỗi gia đình mà đã tác động đến toàn xã hội, đến tất cả mọi lĩnh vực và chắc chắn gây khó khăn cho công tác điều hành nền kinh tế của các bộ ngành và Chính phủ. Những chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ rất khó thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra mà nguyên nhân từ sự bất kham của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát ở mức cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả tăng lên trong những tháng vừa qua là điều không thể tránh khỏi do ảnh hưởng trực tiếp của sự biến động giá thế giới, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, tăng như thế nào và tăng ở những lĩnh vực, đối tượng nào lại là vấn đề cần phải được xem xét và xác định cụ thể. Đáng tiếc rằng hiện nay, nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường của nước ta chưa có một cơ quan đủ năng lực và thẩm quyền xác định giá đúng cho các hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, với kinh tế nhiều thành phần, khu vực kinh tế nhà nước lại chưa đủ sức mạnh để hướng dẫn, chi phối giá cả thị trường. Do đó đã có hiện tượng nhiều doanh nghiệp “té nước theo mưa”, nhiều mặt hàng và dịch vụ không có các yếu tố tăng giá hoặc không cần tăng giá nhưng vẫn tăng ào ạt.

Trước tình hình diễn biến khá phức tạp này, rất cần có một sự điều hành khôn khéo và kiên quyết của Chính phủ và các bộ ngành, cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội. Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là những chủ trương hoàn toàn đúng. Trong đó nhấn mạnh đến việc cần điều chỉnh giá một số mặt hàng và nguyên nhiên liệu thiết yếu nhưng phải gắn với quan tâm hỗ trợ những đối tượng chính sách, người có công và các hộ nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa… Riêng đối với các doanh nghiệp, ngoài việc tính đúng, tính đủ các chi phí theo giá mới cần phải giảm bớt lợi nhuận để không đẩy giá cả tăng một cách đột biến, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Với những giải pháp đồng bộ như vậy, nỗi lo tăng giá sẽ giảm đi rất nhiều đối với mỗi gia đình và toàn xã hội.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục