Hạn chế rủi ro cho nông dân

Thời gian gần đây nhiều người giật mình trước tình trạng hàng loạt thương lái Trung Quốc dùng hộ chiếu du lịch sang Việt Nam len lỏi khắp nơi thu gom các mặt hàng nông thủy sản. Nhiều người không hiểu vì sao thương lái Trung Quốc lại dễ dàng “thao túng” thị trường nông sản của ta, họ quyết định toàn bộ về giá cả, sản lượng thu mua, chủng loại buộc thương lái địa phương phải “ngoan ngoãn” làm theo? Từ khoai mì, cà phê, hồ tiêu, trái cây… cho đến khoai lang, ớt, dừa khô, cua, cá hố, tôm thậm chí cả vịt đẻ cũng được thương lái thu gom với số lượng lớn.

Chiêu thức của những thương lái này là thời gian đầu liên tục nâng giá nông sản lên cao và đẩy mạnh thu mua tạo ra tình trạng thiếu hàng - sốt giá. Nông dân bán được sản phẩm giá cao - lời nhiều, nên ai nấy đổ xô mở rộng diện tích sản xuất. Và hàng loạt nông dân trồng khoai mì, khoai lang, ớt… đang chết đứng vì nhắm mắt làm theo phong trào.

Tuy nhiên, để thao túng được thị trường nông sản, những thương lái Trung Quốc nghiên cứu kỹ nhiều kẽ hở, cũng như mặt mạnh - yếu của ta, từ đó ra tay hành sự. Có thể thấy việc tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung, từ nông dân ra thị trường hầu hết thông qua hệ thống thương lái. Chính thương lái là mắt xích quan trọng thu mua nông sản từ người sản xuất, sau đó cung ứng cho doanh nghiệp bán nội địa hoặc xuất khẩu.

Ban đầu thương lái Trung Quốc mạnh tay cung ứng tiền, chi hoa hồng cao, nhận hàng thoải mái… tạo điều kiện để thương lái địa phương lời đậm, nhằm kéo càng nhiều lái địa phương vào cuộc chơi càng tốt. Đến khi “cá đã cắn câu” thì thương lái Trung Quốc bắt đầu rút vốn, buộc thương lái địa phương phải bỏ tiền túi mua nông sản trong dân; đồng thời áp dụng hình thức trả tiền gối đầu. Lái địa phương giao hàng đợt sau, mới được nhận tiền đợt trước; thậm chí lái Trung Quốc lợi dụng giá cả nông sản sụt giảm, tiêu thụ khó khăn… nên chậm trả tiền nhiều đợt. Đến khi số nợ lên đến hàng tỷ đồng, thế là không ít thương lái Trung Quốc biến mất. Lúc này thương lái địa phương mới té ngửa thì tiền mất - tật mang, mà chẳng biết tìm họ nơi đâu vì không biết lai lịch; cũng không thể kiện tụng đòi bồi thường do buôn bán không có hợp đồng pháp lý.

Ngoài việc cả tin của nông dân và thương lái địa phương, thì nhiều người đặt vấn đề về vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền ra sao khi để thương lái Trung Quốc tự tung, tự tác thao túng thị trường nông sản. Vấn đề này đã làm xáo trộn quy hoạch phát triển nông nghiệp của nhiều địa phương, bởi sự ùn ùn sản xuất một loại cây theo thương lái Trung Quốc và khi họ bỏ đi đã để lại hậu quả khó lường. UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) thừa nhận, nông dân trong xã tự ý chuyển gần 100% diện tích đất lúa sang trồng khoai. Trong đó 90% là khoai tím Nhật cung ứng cho thị trường Trung Quốc, nay thương lái Trung Quốc đè giá, hạn chế thu mua xem như khoai lang tím Nhật chết chắc, bởi thị trường nội địa không ăn loại khoai này (!?).

Trong khi đó, các ngành chức năng ở Cà Mau cho rằng, khó xử lý việc thương lái Trung Quốc thao túng thị trường, bởi họ không trực tiếp thu mua hàng hóa, không trả tiền, không ký hợp đồng… Tất cả đều “núp bóng” lái địa phương làm hết cho họ. Do đó dù thương lái Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch, nhưng thực tế là gom nông sản trái phép mà không đăng ký kinh doanh vẫn khó phạt, bởi thiếu chứng cứ pháp lý.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cho rằng, dù “núp bóng” nhưng thương lái Trung Quốc xuống các vùng nông thôn âm thầm tổ chức mạng lưới thu gom nông thủy sản là đã vi phạm quy định của Việt Nam. Việc này đã làm xáo trộn thị trường trong nước, phá vỡ việc cân bằng trong sản xuất, nguy cơ tàn phá môi trường. Song, nếu ta cứ ngồi trách móc thương lái Trung Quốc khôn khéo khi luôn “nắm cán” trong kinh doanh, thì hãy tự trách mình quá nhẹ dạ, hám lợi trước mắt, thiếu hiểu biết thị trường đã để họ lợi dụng. Trong khi chính quyền hầu như buông lỏng quản lý người nước ngoài có mặt tại địa phương mình, thậm chí họ tạm trú mấy năm, đi lại - buôn bán mà bảo rằng không hề biết họ là ai thì rất khó chấp nhận.

Từ bài học xảy ra ở các vựa cua Cà Mau, khoai lang Vĩnh Long… lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL đang chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, chấn chỉnh. Bộ Công thương cho biết, đã phối hợp cùng Bộ NN-PTNT lập đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc”. Mục tiêu là gắn kết hộ sản xuất với thương lái, nhà môi giới, doanh nghiệp xuất khẩu biên mậu với nhau. Hoạt động thu mua nông sản giữa hai bên phải thực hiện việc bao tiêu và hợp đồng, nhằm tránh rủi ro và đảm bảo đầu ra cho nông dân. Đề án cũng hỗ trợ thương lái và doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ thống phân phối ở Trung Quốc, giảm xuất hàng thô, tăng cường xuất hàng nông sản đã qua chế biến nhằm tăng giá trị.

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục