Xử lý trước mắt, trách nhiệm lâu dài

Sau hàng loạt di tích bị xâm hại trong thời gian gần đây mà công luận phản ánh, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng di tích bị lụi tàn, xuống cấp không chỉ do thời gian hủy hoại mà còn do “nhân tai” và tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm.

Sau hàng loạt di tích bị xâm hại trong thời gian gần đây mà công luận phản ánh, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra rằng di tích bị lụi tàn, xuống cấp không chỉ do thời gian hủy hoại mà còn do “nhân tai” và tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm.

Điển hình như trong vụ chùa Trăm Gian cho thấy, nếu chùa chính bị xâm hại cũng chẳng cơ quan chính quyền nào hay biết, vì 2 hạng mục bị hạ giải từ trước đó hơn 2 tháng nhưng chẳng ai lên tiếng. Ngay sau đó, tại Hưng Yên, người ta lại nháo nhác vì việc cả một ngôi đình cổ Ngu Nhuế hàng trăm năm tuổi cũng bị hạ giải rồi chuyển hẳn sang địa điểm khác đến hàng tháng trời mà cơ quan chức năng cũng chỉ hay biết khi người dân gửi đơn khiếu kiện tố cáo khắp nơi. Sự vô cảm với di sản văn hóa của cha ông lên đến đỉnh điểm. Đình chùa ở khắp nơi bị xâm hại, thậm chí xóa trắng, cũng chưa ai bị xử lý hình sự, đó là điều khó lý giải.

Sai một ly đi một dặm, công chúng vừa đau vì mất những giá trị nguyên bản của di tích, lại vừa xót ruột cho những dự án tiền tỷ đã tiêu ma. Nếu được sự cố vấn của các cơ quan chuyên môn, số tiền tỷ, chục tỷ đồng mà khách thập phương quyên góp cho di tích sẽ có ích nhiều hơn, vì kỹ thuật trùng tu hiện đại có thể giúp di tích giữ được vẻ ngoài cổ kính mà vẫn cứng cáp bên trong. Còn bây giờ, ngân sách lại mất thêm chừng ấy tiền, để sửa chữa những sai lầm mà nếu như tinh thần trách nhiệm của bộ máy quản lý di sản cao hơn, điều ấy sẽ không xảy ra.

Di tích không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, nó chứa đựng trong đó bao nhiêu hùng khí của cha ông, bao nhiêu tầng nấc văn hóa của dân tộc. Mỗi đường chạm khắc rồng tiên trên vì kèo, trên các mảng trang trí thể hiện sự tinh túy của mỹ thuật, kỹ thuật và thẩm mỹ của các thế hệ người Việt. Mỗi đầu đao vút cong ở mái đình, mái chùa bao thế kỷ qua đã khẳng định nét cứng cỏi của người Việt trước những xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Không giữ được chúng, không trân quý chúng, người đời nay đang tự đánh mất quá khứ và bản sắc văn hóa dân tộc.

“Nhờ” có vụ chùa Trăm Gian, nhờ có sự vào cuộc hết mình của các cơ quan báo chí mà di tích được “hưởng lợi” trong một quãng thời gian ngắn ngủi, đó đây đã có những chính sách để rót tiền cho di tích. Nhưng rồi sau đó thì sao? Điều dư luận cần không phải là một sự đối phó, xoa dịu hay “chữa cháy” khẩn cấp mà cần hơn cả là những cơ quan chức năng từ trên xuống dưới phải có những động thái để chứng tỏ họ đã rút ra bài học và quyết định “tự sửa mình” nghiêm túc thế nào.

Những quyết định kỷ luật, xử phạt hành chính sau mỗi vụ xâm hại di tích dẫu sao cũng vẫn chỉ là mặt thủ tục trên giấy tờ, còn cái sâu xa hơn, tác động trực tiếp đến sự an nguy của di sản văn hóa cha ông lại nằm trong ý thức trách nhiệm của cơ quan chức năng - chỗ ấy đang rất cần một cuộc đại trùng tu.

Mai An

Tin cùng chuyên mục