Nghiêm khắc hơn với hành vi hủy hoại môi trường

Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương) tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM) lại bị cơ quan chức năng phát hiện xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thông tin trên một lần nữa được đưa ra trước công luận, gây bức xúc trong xã hội về một hành vi xem thường pháp luật, bất chấp những tác hại khôn lường đối với môi trường và cuộc sống người dân của một doanh nghiệp.

Còn nhớ cách nay hơn 2 năm, vụ Công ty Hào Dương xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được báo chí và người dân lên án mạnh mẽ. Những tưởng với mức phạt hàng trăm triệu đồng và sức ép của công luận trước một việc làm sai trái gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, doanh nghiệp này phải thức tỉnh, có ý thức tuân thủ pháp luật. Thế nhưng, bất chấp tất cả, vì lợi nhuận Công ty Hào Dương vẫn “coi trời bằng vung”, tiếp tục xả thải ra môi trường với mức độ và hành vi ngày càng tinh vi, nguy hại hơn.

Tính từ năm 2007 đến nay thống kê cho thấy Công ty Hào Dương đã có gần chục lần bị các cơ quan chức năng của TP và trung ương ra các quyết định xử lý vi phạm về môi trường với số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. Không những coi thường pháp luật trong lĩnh vực môi trường, Công ty Hào Dương còn xem nhẹ tính mạng của công nhân trực tiếp làm việc trong doanh nghiệp của mình.

Tại các phân xưởng, người lao động làm việc trong môi trường vô cùng độc hại, không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu để ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm về khí độc, khói bụi, nước thải độc hại… Hậu quả là từ nhiều năm qua đã có hàng trăm công nhân bị nhiễm độc gây ra bệnh tật nghiêm trọng do hít phải hóa chất độc hại từ thuộc da. Đỉnh điểm là vào cuối tháng 4 vừa qua, 3 công nhân tại bộ phận xử lý nước thải đã trượt chân ngã xuống bể lắng bị nhiễm độc gây tử vong. Vụ việc đã không được cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ở nước ta hiện nay, hầu như không nơi nào là không bị ô nhiễm môi trường. Ở hầu hết các khu công nghiệp, tình trạng doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Đó là chưa kể những khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã hình thành lâu đời trong các khu dân cư mà phần lớn đều không có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo trước khi thải ra môi trường.

Tại TPHCM cũng như nhiều địa phương, trong lúc chương trình di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được đến nơi đến chốn, thì người dân ngày càng phải sống chung với những khu ô nhiễm mới phát sinh, từ ô nhiễm không khí đến chất thải, nguồn nước. Hầu như tuần nào trên báo đài cũng có những tin, bài cho biết lại xuất hiện thêm những “làng ung thư”. Số người mắc và chết vì ung thư đã trở thành căn bệnh hàng đầu cướp đi mạng sống của người dân, mà trong đó không thể chối bỏ có nguyên nhân quan trọng từ hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Nhiều khu vực vốn là vùng đất đai trù phú, giờ đây trở thành đất chết vì ô nhiễm. Thế nhưng, mặc dù đã có rất nhiều doanh nghiệp bị bắt quả tang cố tình hủy hoại môi trường sống, nhưng hầu như chưa có doanh nghiệp nào phải chịu một án phạt tương xứng với hậu quả gây ra.

Trong xã hội văn minh, người ta xem hành vi cố tình gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường sống cũng là tội ác. Vì tương lai của đất nước, vì sự an toàn của cuộc sống người dân, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm khắc hơn nữa với những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, không thể để những cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Với mức độ vi phạm nghiêm trọng như Công ty Hào Dương, cần có biện pháp xử lý rút giấy phép hoạt động, đóng cửa doanh nghiệp, thậm chí khởi tố điều tra để xử lý theo pháp luật những cá nhân có trách nhiệm đã cố ý hủy hoại môi trường và cuộc sống người dân. Có như vậy, mới có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh những cá nhân và doanh nghiệp coi thường pháp luật, bất chấp dư luận, cố tình vi phạm như ở Công ty Hào Dương.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục