Để phát huy kinh tế cửa khẩu

Việt Nam tự hào là nước có đường biên giới và bờ biển dài, là lợi thế lớn để xây dựng và phát triển mạng lưới các khu kinh tế (KKT) cửa khẩu. Theo thống kê, hiện cả nước đang có 21 tỉnh có KKT cửa khẩu tại biên giới với khoảng 25 cửa khẩu được quy hoạch làm KKT cửa khẩu, hoặc được áp dụng chính sách KKT cửa khẩu. Ngoài ra, để phù hợp với đặc thù riêng, nhiều địa phương cũng xây dựng, mở thêm các cửa khẩu phụ hoặc cửa khẩu tiểu ngạch. Vì vậy, theo số liệu thống kê chưa chính thức, Việt Nam có khoảng hơn 30 cửa khẩu đang hoạt động.

Sau khi có chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhiều nơi hiện đang hoạt động rất hiệu quả, thực sự là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và xuất cảnh, như: Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng), Cầu Treo (Hà Tĩnh)… và cả các cảng biển như cảng Đình Vũ (Hải Phòng), cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn… Có những cửa khẩu hoạt động sầm uất và mang lại hiệu quả kinh tế cao như các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn); Móng Cái, Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).

Tại Lạng Sơn, 3 năm gần đây đều đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ 2,2-2,5 tỷ USD và hiện nay đã có sự chuyển dịch cán cân thương mại, kim ngạch xuất khẩu đã vượt kim ngạch nhập khẩu. Kinh tế cửa khẩu đã làm thay đổi cơ bản bức tranh kinh tế của nhiều địa phương, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Tuy nhiên, một thực tế là số cửa khẩu hiệu quả không nhiều, bởi không ít cửa khẩu đã thiết lập từ nhiều năm nay nhưng hầu như không hoạt động hiệu quả, không thực sự tạo ra lợi thế và kinh tế - xã hội, không có nhiều hàng hóa thông quan do những yếu tố như địa bàn vùng sâu, vùng xa, hệ thống giao thông không có hoặc quá yếu kém… Có những cửa khẩu nhiều năm đìu hiu và “vắng như chùa bà đanh”.

Để tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn và quy hoạch lại hệ thống KKT cửa khẩu, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1531/QĐ-TTg về việc “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” để bổ sung cho chính sách đã ban hành từ năm 2008 và các năm trước đó. Mục tiêu đặt ra là xây dựng các KKT cửa khẩu tại các khu vực biên giới theo hướng hiện đại, đồng bộ, trở thành các vùng kinh tế chủ lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Theo đó, đến năm 2020, cả nước sẽ quy hoạch 26 KKT cửa khẩu, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao.

Chúng ta đều hiểu rằng, chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu, cảng biển đúng đắn không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam “xuất ngoại”, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội cả nước, mà còn góp phần trực tiếp cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có cửa khẩu, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chính sách xây dựng, phát triển các KKT cửa khẩu cũng không nên chỉ dừng lại ở việc đầu tư nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng quanh cửa khẩu, trang bị phương tiện - thiết bị cho các cơ quan chuyên ngành như hải quan, kiểm dịch, quy hoạch bến bãi, kho chứa…, mà phải triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp như xây dựng và cải tạo mạng lưới giao thông dẫn tới cửa khẩu, cảng biển; tăng cường đàm phán và xúc tiến thương mại để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về kỹ thuật, chính sách xuất nhập khẩu cũng như khai thác, tìm kiếm thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặc dù kinh tế cửa khẩu đang mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế nhưng cũng cần khảo sát, nghiên cứu chặt chẽ về mặt quy hoạch, không nên chạy theo số lượng, coi trọng hiệu quả và tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt phải tính toán và cân nhắc tới các mục tiêu an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, phát triển kinh tế cửa khẩu cũng cần gắn liền với việc xây dựng đề án và những giải pháp ngăn chặn, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, lách luật trốn thuế (thông qua các hình thức như hoàn thuế, khai báo sai số lượng, nhãn mác, chủng loại hàng)… một cách hiệu quả để thực sự tạo nguồn thu cho ngân sách, khai thác triệt để lợi ích do kinh tế cửa khẩu mang lại. Bên cạnh đó, cần nắm bắt từ thực tế, áp dụng các chính sách về thuế theo hướng cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, giảm những phiền hà không đáng có về thủ tục, quy trình kiểm tra hàng hóa. Giữa các bộ có liên quan về hàng hóa xuất nhập khẩu như Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… cần tăng cường sự liên thông và phối hợp để giúp doanh nghiệp, nhất là khi hàng hóa ách tắc và có chính sách bất cập. Bộ Tài chính cần tiếp tục cải tiến về thông quan điện tử.

Quy hoạch kinh tế cửa khẩu cũng cần gắn liền với quy hoạch sản xuất hàng hóa, từ nông sản tới hàng thủ công nghiệp, công nghiệp và khai thác khoáng sản, hoạt động du lịch… để gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, tăng cường thông tin từ các KKT cửa khẩu và địa bàn sản xuất về lưu lượng hàng hóa, nhu cầu tiêu thụ, mùa vụ, năng lực thông qua tiếp nhận… Qua đó, chủ động điều tiết về nguồn cung, tránh được tình trạng hàng hóa liên tục dư thừa, ùn tắc hoặc nông sản “được mùa mất giá”. Trong đề án phát triển các KKT cửa khẩu, hiện nhà nước cũng đang đặt ra mục tiêu từng bước tiến tới loại bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch (hàng hóa xuất nhập khẩu theo kiểu “đi chợ”, không có hợp đồng ràng buộc giữa doanh nghiệp của các nước) để chuyển sang chính ngạch, đảm bảo lợi ích bền vững và chặt chẽ về hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục