Thị trường sách đang mất cân đối

Vài năm trở lại đây, việc làm sách theo trào lưu đã trở thành một hoạt động tất yếu của ngành xuất bản. 
Ưu điểm dễ nhận thấy của hình thức này là tính an toàn, bám theo nhu cầu của bạn đọc. Thế nhưng, nhược điểm của hình thức làm sách theo trào lưu đang ngày càng hiện rõ. 
Hệ lụy của trào lưu
Để chạy theo trào lưu, người làm sách đôi khi phải chấp nhận cả những tác phẩm có chất lượng kém. Có thể dễ dàng nêu ra hàng loạt ví dụ như vậy, khi sách du ký hấp dẫn, đủ loại du ký tràn ngập tại các quầy sách, từ những cuốn có giá trị văn hóa tốt đến cả những cuốn mang tính tiêu cực, thậm chí là bịa đặt về nội dung. Sách du ký lắng xuống thì sách hồi ký, tự truyện nổi lên và tiếp tục đi vào vết xe đổ.
Bên cạnh những tác phẩm hay, giàu ý nghĩa nhân văn còn có cả các tác phẩm lợi dụng tên tuổi để đầu cơ trục lợi, bất chấp việc mang đến những phản ứng tiêu cực nơi bạn đọc. Rồi rộ lên trào lưu viết sách về vùng đất Sài Gòn - TPHCM từ xưa đến nay, xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp nhưng khi dòng sách này ngày càng trở nên ăn khách thì kéo theo đó là những cuốn sách “ăn theo”, nội dung chỉ thuần túy là sao chép từ trên mạng, từ các tác phẩm khác, thêm thắt để sách có vẻ mang tính lịch sử. Kết quả là do thiếu kiến thức nền, những ấn phẩm kiểu này nhanh chóng bị phát hiện có sai sót nghiêm trọng, xem thường người đọc. Gần đây nhất, trào lưu sách dạy trẻ em bất ngờ nổi lên, người làm sách ồ ạt đổ xô làm sách kiến thức dành cho phụ huynh dạy con em.
Thị trường sách đang mất cân đối ảnh 1  Người trẻ chọn mua sách
Kết quả, xuất hiện không ít tác phẩm làm vội vàng, không phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, gây phản cảm cho người đọc. Và một trong những hệ lụy được xem là gây ảnh hưởng nặng nề nhất của các trào lưu sách, đó là việc gây ra tình trạng dư thừa trên thị trường. Các đơn vị làm sách chạy theo trào lưu, bỏ rơi các dòng sách khác, từ đó kéo theo việc mất cân đối.
Những nét son vội vã
Những ngày qua, bạn đọc xôn xao với việc xuất hiện tác phẩm Thiên hạ chi vương (NXB Phụ Nữ), tổng thể đây là tác phẩm dạng tiểu thuyết lịch sử, cố gắng tìm lời giải đáp cho những ẩn số về cuộc đời của chàng trai Nguyễn Phúc Ánh, người sau này sẽ trở thành vua Gia Long - vị vua dựng nghiệp của triều Nguyễn.
Không những thế, tác phẩm còn mở rộng quy mô khi xây dựng tuyến nhân vật chính cũng đầy phức tạp về lịch sử như Nguyễn Phúc Thuần - vị chúa Nguyễn thứ 9 và Phật vương Xiêm La hùng mạnh.
Điều đáng nói là Trường An, tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử trên lại là một cây bút còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X, hiện đang sống và làm việc tại TPHCM. Thiên hạ chi vương chỉ là một phần trong một loạt tác phẩm lịch sử mà tác giả đã viết và đưa lên trang web cá nhân.  
Trước đó, Sử Việt - 12 khúc tráng ca của một tác giả trẻ 8X khác là Dũng Phan cũng gây tiếng vang lớn trong bạn đọc trẻ. Không đi sâu vào một tuyến nhân vật cụ thể, mở rộng ra cả lịch sử Việt, tác phẩm còn thu hút bạn đọc với cách kể mới lạ, đặc sắc. 
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường sách trong nước bị phê phán là thiếu tính đa dạng khi chạy theo các trào lưu thì những tác giả trẻ đang dần thể hiện sự dấn thân vào các sáng tác khác biệt.
Còn nhớ, khi dòng sách trinh thám trong nước tưởng chừng lụi tàn thì bất ngờ ba cây bút trẻ Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú và Di Li bất chợt xuất hiện với các tác phẩm trinh thám dạng mới, tạo dấu ấn với bạn đọc. Cho đến nay, đây vẫn là những tác giả hiếm hoi của văn chương Việt tiếp tục viết thể loại trinh thám.
Rồi khi mà lịch sử dân tộc là vấn đề nóng với những cảnh báo người trẻ thờ ơ với việc giảng dạy lịch sử trong trường học thì Long Thần Tướng, cuốn truyện tranh về cuộc chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần 2 của dân tộc gây sửng sốt. Được thực hiện bởi toàn những người trẻ, từ vẽ tranh đến nội dung và cả cố vấn lịch sử cũng là một nhà nghiên cứu thế hệ 8X (Trần Xuân Đức). Việc tác phẩm nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc trẻ cho thấy người trẻ chưa bao giờ lãng quên lịch sử, mà chính là việc giới thiệu lịch sử đến người trẻ trước đó còn quá cũ kỹ. Long Thần Tướng được xem là tạo điều kiện tiền đề để những người trẻ sau, từ bạn đọc đến người sáng tác, quan tâm hơn đến đề tài này.
Lấp vào những khoảng trống
Có một mâu thuẫn rất lớn ở thị trường sách trong nước là công việc sáng tác của các tác giả không tương đồng với nhu cầu thực tế của bạn đọc. Dòng sách trinh thám, phiêu lưu mạo hiểm hầu như chẳng ai sáng tác, không nhận được bất cứ sự quan tâm nào của các tác giả trong nước, trong khi đó lại là mảng sách liên tục nằm trong danh sách bán chạy. Loại sách này được các nhà sách ưu ái bày ở vị trí dễ thấy nhất, được các đơn vị làm sách ưu tiên nhập khẩu, dịch thuật…
Cũng giống như vậy, mảng sách thiếu nhi vốn được xem có thị trường lớn nhất, nhưng phải mãi đến khi trào lưu sách dạy con bắt đầu hạ nhiệt thì các tác giả trong nước mới có tác phẩm tham gia.
Sáng tác luôn được xem là một lĩnh vực mang đậm tính cá nhân, không thể ràng buộc người sáng tác theo một hướng cụ thể nào. Thế nhưng, đó là xét ở khía cạnh người sáng tác, còn ở góc độ lớn hơn của xã hội, người sáng tác cũng chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh.
Tại một hội thảo về thực trạng sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức ở TPHCM mới đây, nhiều ý kiến đã nêu lên một thực tế, các thể loại văn học như viễn tưởng, huyền ảo, thiếu nhi, trinh thám… luôn bị xem nhẹ, không giải thưởng, không hỗ trợ sáng tác, thậm chí ngay cả ưu tiên quảng bá cũng không. Trong bối cảnh đó, người sáng tác dễ bị cuốn theo những lối mòn sáng tác và kết quả là tác phẩm dễ bị chìm lẫn trong vô vàn những sáng tác cùng đề tài.
Câu chuyện của những tác giả trẻ kể trên dù vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn như khả năng thể hiện, sự chính xác về nội dung, chi tiết, nhưng điều quan trọng là các tác phẩm đã tạo nên sự đa dạng, một điều đang thiếu ở thị trường sách Việt, dù số lượng sách xuất bản vẫn đang tăng đều theo mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục