
Những trang văn, trang đời
Hồi ký Ở R - Chuyện kể sau 50 năm tái hiện quãng thời gian đầy gian khổ và ác liệt của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giữa làn tên mũi đạn, giữa những tiếng bom rền súng nổ, những người lính như Lê Văn Thảo cùng lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ: cầm bút và cầm súng. Vì vậy, tác phẩm mang đến nhiều tư liệu quý giá, đặc biệt là về cuộc sống của văn nghệ sĩ thời chiến, để bạn đọc ngày nay hiểu hơn về thế hệ cha anh đã cầm súng đánh giặc song song với cầm bút sáng tác.
Không phải là người viết chuyên nghiệp như cố nhà văn Lê Văn Thảo, nhưng nhiều tác giả khác lại mang đến những câu chuyện thời chiến mà bản thân họ là người trong cuộc. Có thể nói, những trang văn cũng chính là những trang đời mà họ đã chắt chiu, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng để trải lòng. Đó là Tôi được sống của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến, một đạo diễn vượt Trường Sơn vào Nam bám địa đạo Củ Chi, chiếu phim cho đồng bào xem, bám chiến trường quay được những thước phim xúc động, quý báu. Tác phẩm mang đến rất nhiều câu chuyện về sự kiên cường, nỗi đau chiến tranh, nghị lực vượt qua không chỉ trong giai đoạn chiến tranh ác liệt mà cả trong trận chiến đời thường để người sau được biết, được hiểu.
Một tác phẩm khác được xuất bản gần đây là Gãy cánh điệp viên của tác giả Hồ Duy Hùng. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông hoạt động điệp báo dưới vỏ bọc là phi công trực thăng của quân đội Việt Nam Cộng hòa, có nhiệm vụ cung cấp về ban quân báo Quân khu tin tức và “mẫu vật” hữu ích mà mình thu thập được. Ông đã vượt qua hiểm nguy để cướp máy bay đưa về vùng giải phóng giữa hai làn đạn; sau đó tháo rời chiếc máy bay, lái xe vượt Trường Sơn đưa chiếc UH-1 ra miền Bắc, rồi lại chở vàng vào Nam…
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ: “Quá khứ, hiện tại và tương lai có mối quan hệ dích dắc, bện chặt không thể tách rời. Những người cùng thời, đồng đội, con cháu… rất muốn được nghe, được biết về cách họ bước vào, dấn thân và đi qua chiến tranh, với những chiến tích, hy sinh, những khốc liệt mà họ đã trải nghiệm. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho dòng văn học trường tồn”.
Để không bị lãng quên
Thời gian qua, nhà văn Trầm Hương trở thành “bà đỡ” cho một số cuốn sách mà tác giả là những cựu binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở những vai trò khác nhau như: Tiếng hú (Phong Ba), Tôi được sống (Nguyễn Ngọc Hiến), Nước mắt và niềm vui (Vũ Thành Trung), Gãy cánh điệp viên (Hồ Duy Hùng)… Theo nhà văn Trầm Hương, sở dĩ những câu chuyện này cần được viết ra vì tác giả là những người trong cuộc. “Bản thân họ là những con người Việt Nam lạ lùng và kỳ diệu, còn hơn cả huyền thoại, thật đáng tự hào. Những nhân chứng lịch sử có sự thôi thúc mãnh liệt khi họ được sống để kể lại. Và những hồi ký, tự truyện nói cho cùng là sự kể lại bằng nhiều phong cách, nhiều câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện ấy rất cần cho những người lớn lên sau chiến tranh biết đến”, nhà văn Trầm Hương cho biết.
Khi nhắc đến dòng sách hồi ký chiến trường, không thể không nhắc đến Được sống và kể lại của họa sĩ Trần Luân Tín, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 18 Thông tin Sư 325, Quân đoàn 2. Tác phẩm này bắt nguồn từ sự thôi thúc của tác giả muốn kể lại câu chuyện mình đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh. Dù được xem là “tay ngang” với sự nghiệp viết lách nhưng với lối kể chân thật, không hoa mỹ, nặng nề, chủ yếu kể lại cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những con người trong chiến tranh, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt ngay sau khi được xuất bản. Cuốn hồi ký cũng từng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2010 và tái bản nhiều lần. Và đó dường như cũng là đặc trưng của dòng sách hồi ký được viết bởi những cựu chiến binh đi ra từ những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước nói chung và kháng chiến chống Mỹ nói riêng.
Dòng sách “được sống và kể lại” cũng vì thế được nhiều người ví von giống như một di sản quý báu để lại cho thế hệ sau. Bởi đó là những cuốn sách có khả năng nối kết hiện tại và quá khứ, nối kết thế hệ sau với thế hệ trước. Nhắc lại chiến tranh không phải để khơi dậy lòng hận thù, mà để chúng ta càng thấm thía hơn công ơn của bao thế hệ cha anh, từ đó càng quý trọng hơn “món quà” có tên gọi là hòa bình.