Chương trình bình ổn giá năm 2011: Tăng số lượng mặt hàng

Tăng lượng hàng thiết yếu từ 14% - 41%
Chương trình bình ổn giá năm 2011: Tăng số lượng mặt hàng

Từ ngày 1-4-2011 sẽ có 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm được đưa vào bình ổn giá; tổng mức vốn thực hiện chương trình bình ổn giá tại TPHCM là 412 tỷ đồng; cơ chế điều hành giá hàng bình ổn sẽ linh động hơn so với năm 2010. Đây là kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp với các sở, ngành chức năng triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012 vào chiều qua, 28-3.

Người dân chọn mua hàng bình ổn giá tại Co-opMart Cống Quỳnh. Ảnh: KIM NGÂN

Người dân chọn mua hàng bình ổn giá tại Co-opMart Cống Quỳnh. Ảnh: KIM NGÂN

Tăng lượng hàng thiết yếu từ 14% - 41%

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Ngọc Đào cho biết, năm 2011 TPHCM đã chọn 9 nhóm hàng (tăng 1 nhóm so với năm 2010) để bình ổn giá gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản, trong đó thủy hải sản là nhóm hàng mới được đưa vào danh sách bình ổn năm 2011. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào tháng thường trong năm 2011 chiếm bình quân khoảng 20%-25% so với nhu cầu thị trường, trong tháng tết sẽ tăng từ 30%-40%.

Đối với chương trình bình ổn giá hàng thiết yếu trong các tháng thường, tùy theo kết quả bán hàng và nhu cầu tiêu dùng của người dân TP đối với các mặt hàng bình ổn năm 2010, cộng với khả năng cung ứng nguồn hàng của các DN tham gia, có 6/8 mặt hàng (trừ thủy hải sản là mặt hàng mới đưa vào bình ổn năm 2011) sẽ tăng số lượng từ 14%-41% so với năm 2010. Ở mặt hàng thực phẩm chế biến, năm nay TP sẽ không bình ổn đối với một số loại thực phẩm cao cấp như xúc xích bò…

Thủy hải sản là mặt hàng mới đưa vào chương trình bình ổn giá năm 2011. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thủy hải sản là mặt hàng mới đưa vào chương trình bình ổn giá năm 2011. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Điều hành giá linh động hơn

Phát biểu chỉ đạo và kết luận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã cơ bản nhất trí với kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Sở Công thương đề xuất về số lượng, chủng loại hàng hóa. Theo đó, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình năm nay là 412 tỷ đồng (tăng 32,6 tỷ đồng so với năm 2010).

Trong tuần này, UBND TPHCM sẽ phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM và Tết Nhâm Thìn 2012. Ngày 1-4, TPHCM sẽ công bố giá bán các mặt hàng bình ổn cũng như danh sách các đơn vị tham gia chương trình. Bên cạnh 14 DN đã tham gia trong năm 2010, đến nay có thêm 8 DN mới đăng ký tham gia chương trình bình ổn.

Nhằm giúp các DN có điều kiện, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng ổn định xuyên suốt năm, năm nay TPHCM sẽ cho các DN vay vốn với lãi suất 0% trong 12 tháng. Theo đó, việc điều hành giá sẽ được áp dụng linh hoạt hơn. Giá bán hàng hóa là do DN tham gia chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn 10% so với giá thị trường.

Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, cho phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so thời điểm DN đăng ký giá bình ổn, các đơn vị sẽ được điều chỉnh tăng giá bán. Ngược lại, nếu thị trường biến động giảm giá từ 5% (nghĩa là giá bán hàng bình ổn chỉ còn thấp hơn 5%), các đơn vị phải điều chỉnh giảm giá bán tương ứng.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục