Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức: Sắp xếp hoạt động theo hướng an toàn và văn minh

Thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân TPHCM, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức chủ yếu tiếp nhận thương nhân di dời từ hai chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh và thực hiện đúng Quyết định số 2449/QĐ-UB của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc ban hành chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phải di dời từ 10 chợ nông sản thực phẩm nội thành đến kinh doanh tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức và quận 8.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân TPHCM, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức chủ yếu tiếp nhận thương nhân di dời từ hai chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh và thực hiện đúng Quyết định số 2449/QĐ-UB của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc ban hành chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phải di dời từ 10 chợ nông sản thực phẩm nội thành đến kinh doanh tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở huyện Hóc Môn, quận Thủ Đức và quận 8.

Theo đó, Đợt 1: Ngày 11/10/2003, cty chợ nông sản Thủ Đức tiếp nhận thương nhân thuộc diện chính sách ưu đãi có xác nhận của Ban Quản lý chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh và của UBND quận 1 được hưởng giá chính sách ưu đãi bằng 50% giá kinh doanh (với giá 5.500.000 đồng/m2); đợt 2: Ngày 17-11-2003, Cty chợ Nông sản Thủ Đức tiếp nhận các tiểu thương kinh doanh trên các tuyến đường Cô Bắc, Cô Giang, Phan Văn Trường… không thuộc diện chính sách ưu đãi có xác nhận của Ban Quản lý chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh và của UBND quận 1 với mức giá kinh doanh là 11.000.000 đồng/m2. Công ty đã thực hiện đúng quyết định của UBND thành phố đối với các đối tượng  thương nhân di dời thuộc diện chính sách ưu đãi và các đối tượng ngoài chính sách ưu đãi.

Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó GĐ Cty Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức cho biết:  Trong quá trình hoạt động thời gian qua, một số thương nhân kinh doanh tại các ô vựa trong chợ đã bày bán hàng tràn lan, chiếm dụng hành lang, mặt bằng bến bãi của Cty cho thuê lại thu lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, vừa thất thu thuế của Nhà nước vừa không quản lý được người kinh doanh. Do đó, UBND quận Thủ Đức trong các  buổi họp giao ban với đơn vị trong thời gian gần đây đã chỉ đạo kiên quyết lập lại trật tự kinh doanh tại chợ. Thực hiện tinh thần chỉ đạo trên, Cty tiến hành kẻ vạch để quy định chỗ để hàng ổn định, người sử dụng phải là thương nhân có điểm kinh doanh nằm tại vị trí mặt tiền, cấm sử dụng hành lang bến bãi của Cty để cho thuê lại nhằm đảm bảo trật tự bến bãi. Phần diện tích kẻ vạch này là bến bãi thuộc quyền sử dụng của Cty, không thuộc phần diện tích Cty đã ký kết trong hợp đồng thuê điểm kinh doanh với thương nhân và không gây ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của thương nhân.

Cty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức được tổ chức và hoạt động theo mô hình Cty TNHH một thành viên hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Do vậy, Cty đã tiến hành cho các thương nhân có nhu cầu đăng ký sử dụng mặt bằng bến bãi của Cty vừa được kẻ vạch và đề  nghị các thương nhân khi sử dụng mặt bằng này để kinh doanh thì phải đóng góp kinh phí với Cty để Cty thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo vệ trật tự an toàn và xử lý vệ sinh môi trường… Hiện Cty đã tổ chức các cuộc họp với thương nhân để lấy ý kiến và thống nhất mức thu, Cty sẽ thông báo đến các thương nhân sau khi đã thỏa thuận được mức thu phù hợp. Sau đó, Cty nhận được kiến nghị của một số thương nhân về việc chưa đồng thuận với kế hoạch  trên. Cty đã xem xét và ra thông báo đến thương nhân về việc tạm dừng kế hoạch cho thuê mặt bằng trên bãi đổ hàng của Cty mà Cty đã kẻ vạch sơn. Tuy nhiên, sắp tới việc kẻ vạch trên sân bãi để sắp xếp hoạt động kinh doanh Cty sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền các cấp nhằm đảm bảo trật tự an toàn và văn minh thương mại, trách trường hợp thương nhân tự lấn chiếm và cho thuê bến bãi, hành lang bất hợp pháp thu lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an ninh, nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Về việc thu phí nhập chợ, Cty thu phí xe vào chợ đúng theo Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 25-4-2007 của Ủy ban Nhân dân thành phố từ 5.000 đồng đến 25.000 đồng tùy theo từng loại phương tiện nhập chợ. Các mức thu này công ty sử dụng các chứng từ, hóa đơn theo công văn số 9715/CT_AC ngày 10-9-2003 tại Cục Thuế TP.HCM và đăng ký mẫu sử dụng hóa đơn và các loại vé tự in theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28-9-2010 của Bộ Tài chính. Tất cả các khoản thu của Cty đều xuất hóa đơn tài chính. Định kỳ sáu tháng, một năm đều được kiểm toán của các đơn vị kiểm toán độc lập và có sự kiểm tra thường xuyên của Cục Thuế TPHCM.

Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức là một trong ba chợ đầu mối lớn của TP.HCM. Chợ nằm ngay cửa ngõ phía Đông thành phố đi các tỉnh miền Đông, miền Trung, và Tây Nguyên. Đây là công trình thực hiện theo chủ trương của thành phố nhằm di dời các chợ nhỏ lẻ trong nội thành. Chợ được khởi công xây dựng vào năm 2002 với tổng vốn đầu tư 182,4 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư trên quy mô hơn 20ha. Chợ bao gồm các khu nhà lồng chợ A, nhà lồng chợ B, nhà lồng chợ C và nhiều công trình phụ trợ như: nhà kho, khu quản lý, khu điều hành, khu sơ chế, nhà máy xử lý rác, trạm nước ngầm, trạm xử lý nước thải… Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đã bắt đầu đưa khu nhà lồng chợ A vào hoạt động từ ngày 23-10-2003, khu nhà lồng chợ B vào hoạt động từ tháng 7/2008, khu nhà lồng chợ C vào hoạt động từ tháng 4/2010. Đến nay toàn bộ ô vựa đã được thuê kín, hoạt động của chợ đã đi vào ổn định và hiệu quả, lượng hàng hóa nhập chợ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn. Ngoài ra, khi chợ hoạt động cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên điạ bàn quận kể cả số lao động di dời từ các chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh.

Hà Thanh

Tin cùng chuyên mục