Triển khai dự án chiếu sáng dân lập

Tiết kiệm hay lãng phí ?

Tiết kiệm hay lãng phí ?

TPHCM hiện tồn tại khoảng gần 200.000 bộ đèn hệ thống chiếu sáng dân lập (HTCSDL), tiêu tốn gần 51 triệu kWh điện/năm. Trong đó, không ít HTCSDL quá cũ, sử dụng đèn công suất cao tiêu tốn lãng phí điện. Việc thay đổi hiện trạng chiếu sáng các hệ thống này là cần thiết nhưng khó do thiếu vốn. Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố nghiên cứu và triển khai thực hiện thí điểm HTCSDL mẫu có chi phí thấp, đạt tiêu chuẩn độ sáng, tiết kiệm điện. Tuy nhiên, tại buổi họp báo cáo nghiệm thu dự án, vẫn còn quá nhiều vấn đề thực tế đặt ra chưa có lời giải.

Thực tế bức xúc

Tại buổi báo cáo dự án, ông Trần Đăng Nhơn, Chủ nhiệm dự án “Triển khai xây dựng các mô hình chiếu sáng dân lập đạt hiệu quả trên địa bàn TPHCM”cho biết, dự án triển khai xây dựng mô hình chiếu sáng dân lập đạt chuẩn chiếu sáng được triển khai từ năm 2005 đến năm 2007. Theo đó, đơn vị thực hiện dự án (Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM) sẽ triển khai khảo sát và cải tạo, lắp đặt, thay mới hệ thống chiếu sáng của 24 hẻm thuộc phường 5 quận 3 và Bình Trưng Đông quận 2.

Tiết kiệm hay lãng phí ? ảnh 1

Một đèn huỳnh quang treo chung với dây điện, dây cáp quang tại hẻm 221 Võ Văn Tần, quận 3. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Kết quả cho thấy việc lắp đặt HTCSDL là rất cần thiết với người dân vì giải quyết vấn đề an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho khu phố. Tuy nhiên, do không có sự chủ trì từ phía quận huyện hay bất kỳ cơ quan chức năng nào nên hệ thống chiếu sáng này mang tính tự phát, không tuân theo bất kỳ quy cách chiếu sáng nào.

Cùng một con hẻm nhưng có thể sử dụng nhiều loại bóng đèn, chóa đèn khác nhau như đèn huỳnh quang, đèn dây tóc, đèn sodium cao áp… Khoảng cách giữa các bộ đèn cũng không đồng đều tạo ra khoảng sáng tối rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.

Vị trí lắp đặt bộ đèn cũng rất tùy tiện, thường là gắn tạm bợ trên các trụ điện có sẵn, trước nhà, trên ban công, trên hàng rào…

Công tác quản lý, sử dụng HTCSDL cũng không được quan tâm đúng mức nên tại một số tuyến đường hẻm có đèn nhưng đã hư hỏng từ lâu mà không được sửa chữa, cải tạo. Việc đóng ngắt điện bằng tay nên phụ thuộc vào ý thức sử dụng của một số người nhất định nên hiệu quả tiết kiệm điện năng không cao.

Thực hiện quá sơ sài

Thực tế trên chính là cơ sở cần để dự án “ Triển khai xây dựng các mô hình chiếu sáng dân lập đạt hiệu quả trên địa bàn TPHCM” được thực hiện. Tuy nhiên, xoay quanh kết quả thực hiện được vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

Về mặt kỹ thuật, căn cứ vào thực tế thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Minh Vũ, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho rằng nhiều bộ đèn chiếu sáng được lắp tại các hẻm quá cao so với độ rộng của hẻm, làm giảm độ sáng và lãng phí điện năng tiêu thụ không cần thiết. Mặt khác, một số bóng đèn lắp trên tán cây làm giảm độ sáng của đèn. Đồng thời việc lắp đèn cao sẽ tạo ra độ quang thông rộng, gây ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trên thực tế, nhiều nhà dân từ chối không cho đơn vị thi công lắp đặt đèn chiếu sáng trước nhà mình.

PGS-TS Quyền Huy Ánh cũng nhấn mạnh, trong phần thiết bị điện sử dụng cho dự án quá cứng nhắc với việc chọn 2 đơn vị cung cấp bóng đèn và chóa đèn. Như vậy về mặt chất lượng không đạt yêu cầu và không khách quan về vốn đầu tư.

Riêng ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM – một trong những đơn vị tiếp nhận chuyển giao dự án để ứng dụng rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố cho biết, xung quanh dự án trên còn quá nhiều cái thiếu. Cụ thể đối với dự án xây dựng hạ tầng, vấn đề đầu tiên là việc sử dụng vốn ngân sách như thế nào thì dự án chưa nói rõ.

Dự án triển khai xây dựng tại các hệ thống chiếu sáng tại các hẻm đã có lắp đồng hồ điện nhưng không hiểu sao đồng hồ điện không kết nối với hệ thống chiếu sáng mà việc tính tiền điện của Công ty Điện lực TPHCM vẫn phải dựa trên tính khoán (dựa vào công suất tiêu thụ điện của bóng neon nhân với số giờ sử dụng 12 giờ/ngày). Cách tính này hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế và không có tính khuyến khích người dân tiết kiệm điện vì tùy theo tình hình thời tiết mà người dân có thể sử dụng hệ thống chiếu sáng ít hoặc nhiều khác nhau. Công tác hậu quản lý, sử dụng hệ thống chiếu sáng cũng chưa được đơn vị tính đến. Đơn cử là nếu hệ thống đi vào hoạt động thì ai là người có trách nhiệm quản lý, duy tu sửa chữa hay lại hư thì bỏ. Kết quả là ngân sách thành phố bỏ ra đầu tư sử dụng không hiệu quả, lãng phí.

Một vấn đề không kém phần quan trọng mà trong nghiên cứu chưa đưa ra được, đó là theo dự án thì ngân sách thành phố bỏ ra đầu tư trước và sẽ thu hồi lại từ người dân. Thế nhưng, cách thức thu hồi như thế nào chưa được đề cập rõ ràng. Thậm chí, giải pháp nào để thu hồi lại vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng mà thành phố bỏ ra để triển khai thí điểm dự án này cũng gần như bế tắc…

Nói tóm lại với quá nhiều cái thiếu và chưa được rõ ràng như trên thì kết quả dự án trên chỉ có thể chuyển giao trên… giấy. Còn hướng tới việc chuyển giao kết quả nghiên cứu này cho công ty để hướng tới xây dựng HTCSDL mới được quy hoạch gọn gàng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm điện từ 30%-40% so với hệ thống cũ là không tưởng… 

ÁI VÂN – LAN THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục