“Ép” hạt ra dầu sinh học

“Ép” hạt ra dầu sinh học

Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng vừa hoàn thành xuất sắc đề tài “Hoàn thiện công nghệ sản xuất biodiesel từ dầu thực vật Việt Nam ở quy mô pilot có công suất 100kg/ngày”. Đây không phải lần đầu tiên TPHCM sản xuất thành công dầu sinh học. Tuy nhiên, nét mới mà nghiên cứu lần này đã đưa ra là dây chuyền công nghệ đầu tiên “ngốn” được hầu hết dầu ép từ các loại hạt có dầu tại VN để cho ra loại nhiên liệu sạch có cùng tính chất và đạt chuẩn châu Âu.

Câu chuyện dài của dầu sinh học “made in VN”

“Ép” hạt ra dầu sinh học ảnh 1
Các nhà khoa học khảo sát dây chuyền sản xuất biodiesel.

Trong những chuyến về Bắc, tôi thấy các hạt trẩu, sở… rụng đầy sân mà người dân chỉ quét bỏ, không xài được gì. Tôi nhận ra đây không phải là loại hạt “vô dụng” mà có thể làm được nhiều việc như võ sừng làm ván ép, nhân ép lấy dầu và còn có thể “biến” chúng thành dầu sinh học... Tôi bắt tay vào nghiên cứu thêm ứng dụng của các hạt chứa dầu mà tại VN tiềm năng hạt chứa dầu nhiều vô kể, lại giải quyết bài toán kinh tế sinh lời cho người dân dù trồng nhỏ lẻ, PGS-TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện KH Vật liệu ứng dụng, tâm sự.

Câu chuyện ấy cách đây đã 10 năm. PGS Lâm nghiên cứu công nghệ chiết dầu và sản phẩm phụ từ các loại hạt, rồi tiếp tục nghiên cứu khả năng lấy dầu làm nhiên liệu sản xuất biodiesel trong phòng thí nghiệm. Và bây giờ là hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất biodiesel vào thực tế. Dựa trên một loạt nghiên cứu thành công về hạt chứa dầu, năm 2007, PGS Lâm cùng ê kíp thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Viện KH-CN Việt Nam “Hoàn thiện công nghệ sản xuất biodiesel từ dầu thực vật Việt Nam ở quy mô pilot có công suất 100kg/ngày”.

Nghiên cứu chỉ số hóa lý của các mẫu dầu theo các tiêu chuẩn quốc tế về biodiesel: độ nhớt, tỷ trọng, nhiệt lượng, nhiệt chớp cháy, hàm lượng etyleste; động học và cơ chế phản ứng transeste hóa; tỷ lệ các chất tham gia phản ứng, hàm lượng và thành phần xúc tác, nhiệt độ phản ứng, thời gian phản ứng; tìm phụ gia chống oxy hóa; phối trộn thành các mẫu tiêu chuẩn… Nhóm phải thực hiện nhiều lần sản xuất trong phòng thí nghiệm, thất bại không ít nhưng cuối cùng cũng cho ra kết quả phấn khởi. “Những lần nghiên cứu cho phản ứng thử, chúng tôi phải ngồi cạnh lò liên tục mười mấy giờ, còn phải chăm chú canh chừng từng tiếng động, tiếng nổ bên trong lò phản ứng este hóa”, Th.S Nguyễn Thị Thu Thảo, Viện KH Vật liệu ứng dụng kể.

Sau khi sản xuất thử thành công trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu bắt đầu mua máy móc, vật liệu lên lắp ráp tại vườn cao su ở Bình Dương để sản xuất thiệt. Vừa tận thu nguồn hạt cao su phế phẩm làm nguyên liệu đầu vào, vừa lấy biodiel thành phẩm chạy máy cày, máy kéo. Giám đốc Sở KH-CN Bình Dương Nguyễn Văn Rua đánh giá cao hiệu quả của công nghệ này: “Lâu nay, nhiều nhà khoa học ngại chế biến biodiesel từ dầu hạt cao su là cực khó nhưng công nghệ này đã làm được điều đó. Pha biodiesel với dầu diesel theo tỷ lệ 1-9 như chuẩn của châu Âu, máy móc chạy ngon ơ”.

Lợi ích “n trong 1”

Công nghệ sản xuất Biodiesel được bắt đầu bằng công đoạn bơm dầu thực vật vào nồi tham gia phản ứng este hóa. Sau đó, dầu được lắng, làm sạch bằng nước muối, nước sạch rồi chưng cất chân không. Kết quả cuối cùng là cho ra thành phẩm có màu vàng sáng có độ nhớt và hàm lượng este đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, thậm chí là châu Âu. GS-TSKH Nguyễn Công Hào, Viện Công nghệ hóa học, đánh giá cao hiệu quả này: “Chúng ta có thể sản xuất ra biodiesel từ rất nhiều loại dầu khác nhau cho ra cùng tính chất, chất lượng và có thể trữ được lâu. Thêm nữa, tốc độ phản ứng nhanh, ít phản ứng phụ gây độc hại cho môi trường”.

GS-TSKH Hồ Sỹ Thoảng, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, cho rằng cách tiếp cận khoa học đã chọn nguyên liệu từ tất cả dầu thực vật từ các loại hạt VN là ưu điểm vượt trội của công nghệ này. Hiện tại trong nước và quốc tế có nhiều công nghệ sản xuất biodiesel nhưng công nghệ nước ngoài thì không phù hợp với tính chất dầu thực vật của VN, còn công nghệ trong nước lại thường xuyên thiếu nguyên liệu đầu vào như dầu ăn cặn, mỡ cá…

Công nghệ này đã khắc phục được 2 điểm yếu lớn đó. Thêm nữa, sản xuất bằng dầu thực vật rất có lợi cho môi trường vì số cây trồng để lấy hạt sẽ “ăn” khí CO2, giúp giảm hiệu ứng nhà kính. GS Thoảng cho rằng, hạn chế lớn nhất để phát triển ngành này là chi phí sản xuất biodiesel còn cao lại phụ thuộc vào giá dầu trên thị trường nên sẽ khó cạnh tranh khi đem ra bán.

Tuy nhiên, theo tính toán của PGS Hồ Sơn Lâm, nếu chỉ tính riêng lẻ biodiesel thì không có lời nhưng nếu tính cả những thành phẩm phụ như ván ép, thức ăn gia súc, phân bón… thì đã giải được bài toán kinh tế lớn cho người dân. Đây còn là bài toán bảo vệ môi trường và xu thế tất yếu mà ngành năng lượng Việt Nam phải hướng đến, thế giới đã đi trước ta vài chục năm rồi.

Giáo sư Viện sĩ Khoa học Nguyễn Văn Hiệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, làm bài toán: Chỉ cần đầu tư thêm 1 nồi phản ứng nữa, chúng ta sẽ sản xuất 250 tấn biodiesel mỗi năm. Nhưng vấn đề tồn tại là chưa ai cho bán ra thị trường, anh có thể biếu tặng nhau để dùng nhưng chưa được phép tiêu thụ trên thị trường. Nhà khoa học đã hoàn thiện xuất sắc dây chuyền sản xuất biodiesel và vấn đề còn lại là của nhà quản lý, cần phát triển tiềm năng này thành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời giải quyết bài toán bảo vệ môi trường và mang về lợi ích kinh tế không nhỏ. Chúng ta phải tìm đầu ra cho dầu sinh học!

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục