Đèn LED và những thông tin cần làm rõ

Vừa qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết “Lần đầu tiên VN đưa công nghệ Nano vào lĩnh vực chiếu sáng dân dụng”. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc và cả giới chuyên môn đã quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm đèn LED công nghệ cao này. Để hiểu rõ về công nghệ này, chúng tôi gửi đến bạn đọc bài viết của PSG-TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano - LNT (ĐH Quốc gia TPHCM).

Trước tiên, cần phân biệt 2 khái niệm kỹ thuật “bóng LED” và “đèn sạc sử dụng các bóng LED”: Bóng LED chỉ là một linh kiện phát sáng (đi-ốt phát sáng), trong khi đó, đèn sạc sử dụng các bóng LED bao gồm khoảng 30 chi tiết, mỗi chi tiết lại bao gồm nhiều linh kiện và bóng LED chỉ là một trong 30 chi tiết cấu thành.

Sản phẩm đèn LED mà chúng tôi sản xuất và giới thiệu vừa qua là “đèn sạc sử dụng các bóng LED”, gọi tắt là đèn LED. Đây là sản phẩm nghiên cứu ứng dụng có khả năng thương mại cao vì có thị trường do nhu cầu tiết kiệm năng lượng. Sản phẩm này đã được đăng ký nhãn hiệu LNT, trong đó bóng LED là một chi tiết chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong cơ cấu giá thành sản phẩm.

Về công nghệ chế tạo bóng LED, thiết bị chuyên dụng để chế tạo bóng LED - thiết bị MOCVD rất đắt tiền (khoảng 1,5 triệu USD). Do đó, LNT chưa thể trang bị nên đã chọn phương án nghiên cứu quy trình công nghệ chế tạo bóng LED và sau đó gửi chuyên gia đi Singapore, thuê thiết bị thực hiện các thí nghiệm để nắm vững, hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo bóng LED. Đây cũng là cách làm khá phổ biến trên thế giới hiện nay trong công nghệ cao, đặc biệt là trong công nghệ chế tạo linh kiện micro-nano.

Ví dụ như với việc nắm vững quy trình công nghệ, sau đó bạn có thể đi thuê thiết bị của các đơn vị khác có cơ sở vật chất tốt hơn, đầy đủ hơn, thậm chí thuê chính họ để chế tạo sản phẩm của mình, mục đích là để đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, mới đây Khu công nghệ cao TPHCM đã mua được thiết bị này và đang tiến hành lắp đặt. Vì vậy, LNT đã thỏa thuận với lãnh đạo của Khu Công nghệ cao về việc hợp tác chế tạo bóng LED trong thời gian tới tại VN.

Về công việc chế tạo đèn sạc hoàn chỉnh, ngoài bóng LED, các phần còn lại của đèn LED là do đội ngũ cán bộ nghiên cứu của LNT trực tiếp thiết kế, chế tạo và thuê các công ty chuyên nghiệp tại Việt Nam thực hiện (có hợp đồng ràng buộc về quyền sở hữu trí tuệ thuộc về LNT). Ví dụ như các mạch điều khiển điện tử của bóng LED, điều khiển quá trình sạc và phát điện của ắc-quy, thiết kế cơ khí và hình dạng kiến trúc của đèn sạc… đều phải được nghiên cứu, tối ưu hóa, cho phép đèn đạt hiệu quả phát sáng cao nhất với năng lượng tiêu hao thấp nhất.

Thậm chí những chi tiết nhỏ nhất như bao bì, vỏ hộp cũng là vấn đề được chúng tôi quan tâm, để đảm bảo tính năng bảo vệ tốt mà không làm mất tính thẩm mỹ, qua đó nâng cao khả năng thương mại của sản phẩm. Tất cả các quy trình công nghệ sản xuất đèn sạc này chúng tôi đã chuyển giao cho Công ty cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ vào ngày 14-11-2008 với giá 500 triệu đồng.

Việc LNT giới thiệu đèn LED không phải là công bố công trình khoa học. Đây chỉ là một hoạt động bình thường nhằm mục đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng.

PGS-TS Đặng Mậu Chiến

Tin cùng chuyên mục