Sở GTCC trả lời một số thắc mắc

Quanh dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài

Thời gian qua, Báo SGGP nhận được nhiều đơn thư bạn đọc ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức khiếu nại một số vấn đề liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP vừa có công văn số 110/SGTCC-KH trả lời một số thắc mắc của người dân.

  • Về quy hoạch

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực TPHCM có tổng cộng 45 đường vành đai, trong đó có đường Vành đai số 1 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh chạy qua cầu Phú Mỹ, ra ngã tư Bình Thái đến khu vực gần cầu Gò Dưa (cách cầu khoảng 300m), đi theo đường Kha Vạn Cân, qua cầu Bình Lợi đi theo hướng song song với đường sắt đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn, theo đường Hoàng Minh Giám qua công viên Hoàng Văn Thụ, đi theo Hương lộ 2 và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh.

Đường Vành đai số 1 có 12 làn xe với lộ giới từ 60m đến 67m. Quy hoạch đường Vành đai số 1 trên đường Kha Vạn Cân đã được xác định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996. Ngày 27-3-2007, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM đã tiến hành lễ ký tắt với Tập đoàn chuyên về đầu tư xây dựng hạ tầng, kinh doanh bất động sản GSE & C (Hàn Quốc) cho phép đơn vị này được đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có chiều dài 13,7km, với tổng vốn đầu tư hơn 314 triệu USD”.

  • Về quy mô dự án và lộ giới

Dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, có các đoạn sau:

Đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao thông Nguyễn Thái Sơn gồm 2 nhánh, lộ giới mỗi nhánh rộng 20m, đảm bảo đủ để lượng xe từ sân bay Tân Sơn Nhất thoát ra đường Vành đai số 1. Hai nhánh đường này không nằm trong quy hoạch đường Vành đai số 1 mà chỉ thực hiện chức năng đường nối để phục vụ cho nhu cầu lưu thông hành khách từ sân bay ra đường Vành đai số 1.

Đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến khu vực cầu Gò Dưa thuộc quy hoạch đường Vành đai số 1 TPHCM. Đoạn này có đường sắt và đường ống cấp nước đường kính 1.500mm chạy song song nên ngoài lộ giới đường cần phải bố trí đủ hành lang an toàn (khoảng 10m) cho đường sắt và đường ống cấp nước. Vì vậy, ranh giải tỏa cách đường ray xe lửa tối thiểu là 70m (lộ giới đường vẫn đúng 60m theo quy hoạch).

Đoạn từ khu vực cầu Gò Dưa đến cuối dự án là đoạn đường nhánh nối từ đường Vành đai số 1 đến ngã tư Linh Xuân (đường Xuyên Á). Đoạn này chỉ cần rộng 30m do khu vực này lưu lượng xe không cao. Ở đoạn này, trong một dự án khác, có một đường nhánh nối đường Vành đai 1 tại khu vực cách cầu Gò Dưa khoảng 300m đi ra ngã tư Bình Thái (xa lộ Hà Nội).

  • Về giá đền bù giải tỏa

Giá đền bù được công bố trong phương án tổng thể về đền bù giải phóng mặt bằng. Sở GTCC được biết, giá đền bù được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các quận lập, căn cứ vào giá chuyển nhượng đất thực tế đã thực hiện thành công tại thời điểm 2006 và do Trung tâm thẩm định giá miền Nam thực hiện.

Giá bồi thường trên cũng đã được Hội đồng thẩm định giá thành phố xem xét thông qua và đã được UBNDTP chấp thuận. Tuy nhiên, trường hợp người dân cho là giá công bố thấp hơn giá thị trường thì đề nghị bà con gởi đơn đến Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức để nơi đây trình lên UBNDTP để xem xét, điều chỉnh lại cho hợp lý.

TR.T.

Tin cùng chuyên mục