Ngừa bệnh bằng khẩu phần ăn giàu Selen

“Chất độc” Selen
Ngừa bệnh bằng khẩu phần ăn giàu Selen

Selenium (Selen) là chất ứng dụng nhiều trong công nghiệp, con người nếu tiếp xúc nhiều, thường xuyên với Selen sẽ bị ngộ độc cấp tính hoặc gây nên các rối loạn nội tạng, có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cơ thể con người cần phải được hấp thụ một lượng rất nhỏ Selen thông qua thực phẩm để giảm nguy cơ mắc một số bệnh về tim mạch, ung thư, chậm phát triển và ít sinh sản. Với người dân TPHCM, tỷ lệ Selen trong cơ thể hiện nay đã là phù hợp?

“Chất độc” Selen

Ngừa bệnh bằng khẩu phần ăn giàu Selen ảnh 1

Những bữa ăn trong gia đình đủ hàm lượng Selen giúp cơ thể ngăn chặn những bệnh tiềm ẩn. Ảnh: Thành Tâm

“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính toán, hàm lượng Selen trong máu người trung bình phải đạt trên 0,15µg/ml thì mới đủ lượng chất cần thiết cho cơ thể.

Trong khi đó, theo một kết quả khảo sát trong phạm vi nhỏ tại TPHCM, 10% người có hàm lượng Selen trong máu nhỏ hơn 0,1µg/ml và 33,5% người có hàm lượng Selen trong máu nhỏ hơn 0,15µg/ml” - TS Phạm Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm (CASE), nói.

Mặc dù chiếm một hàm lượng không lớn trong cơ thể, nhưng TS Mai đã chỉ ra rằng, những kết quả nghiên cứu của WHO khẳng định nguyên tố Selen có vai trò sinh học rất lớn đối với sức khỏe con người. Điều tra dịch tễ học ở tại Mỹ và Bắc Âu cho thấy có sự liên hệ giữa thiếu Selen và sự gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, não dẫn đến tử vong đối với con người.

Cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ trái ngược giữa tỷ lệ mắc bệnh ung thư và hàm lượng Selen có trong thức ăn và máu. Ngoài ra, Selen còn có khả năng khử độc đối với các kim loại nguy hiểm như thủy ngân (Hg), đồng (Cu), chì (Pb), phốt pho (P) hoặc cùng tham gia dự phần trong các phản ứng miễn dịch.

Một ví dụ khác là nghiên cứu của Larry Clack (thuộc Trường ĐH Arizona, Mỹ) đã chứng minh rằng, nếu sử dụng 200g Selen trong vòng 10 năm thì gần như bệnh ung thư không phát triển thêm và giảm đáng kể hậu quả của các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, phổi và đại tràng.

Một nghiên cứu khác cho thấy những người tiêu thụ 54 - 90µg Selen hàng ngày sẽ giảm nguy cơ mắc hen (suyễn) xuống một nửa những người chỉ tiêu thụ 23 - 30µg. Gần đây, một nghiên cứu khoa học đã tìm ra protein có chứa Selen tránh cho tinh trùng khỏi bị đứt ra từng đoạn, một phần lý giải nguyên nhân gây vô sinh trên động vật giống đực và có thể cả ở người.

Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ định phải sử dụng thêm những thực phẩm giàu Selen trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung đủ hàm lượng. Từ những phân tích này, đề tài nghiên cứu “Hoàn chỉnh quy trình phân tích Selen, khảo sát hàm lượng Selen trong một số thực phẩm chính và trong máu người ở TP Hồ Chí Minh” do TS Mai thực hiện đã vạch ra những bước đầu tiên, tham khảo cho các nhà dinh dưỡng học để có những đánh giá về nhu cầu bổ sung Selen trong cơ thể con người.

Bổ sung Selen như thế nào?

TS Phạm Thị Huỳnh Mai cho biết, vừa qua khi phân tích mẫu máu của những ca có bệnh án về tim đang điều trị tại Bệnh viện Tim đều cho hàm lượng Selen trong máu nhỏ hơn tiêu chuẩn 0,15µg/ml. “Vì vậy, khi có kết quả phân tích mẫu máu của bệnh nhân, các bác sĩ bổ sung các thực phẩm giàu Selen vào thực đơn cho bệnh nhân song song với quá trình điều trị bệnh lý về tim”.

Bằng những dẫn chứng cụ thể của từng người ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Trung Quốc, WHO cho rằng mức độ hấp thụ Selen cần bổ sung hàng ngày của con người còn phụ thuộc vào lứa tuổi, trọng lượng cơ thể, tập quán sử dụng thực phẩm và nơi cư trú riêng.

Ước tính, hàm lượng Selen trong máu người trung bình phải đạt là 0,15µg/ml. Để đạt được hàm lượng trên, tùy thuộc vào mỗi người và dạng Selen đưa vào cơ thể, cần phải hấp thụ từ 40µg - 80µg trong thực phẩm. Cơ thể sẽ hấp thụ tốt, khoảng 90% đối với dạng Selen hữu cơ có trong thực phẩm và giảm xuống 60% đối với dạng Selen vô cơ. Do đó không thể áp dụng một cách “máy móc” số lượng Selen bổ sung cho cơ thể đối với tất cả mọi người mà cần phải có sự tính toán của từng khu vực, từng người.

Tuy nhiên, TS Mai cũng khẳng định, nếu như mỗi người bổ sung quá 80µg Selen vào cơ thể có thể dẫn đến nhiều mức độ ngộ độc khác nhau. Trong đó, hiện tượng ngộ độc cấp tính có các biểu hiện như ho, buồn nôn, nôn, đau đầu, tổn thương mũi, da và mắt.

Còn khi bị ngộ độc mãn tính sẽ xuất hiện buồn nôn, nôn mửa, các tổn hại đến da, răng và tóc. Đặc biệt, khi tiếp xúc với hàm lượng Selen cao, lâu ngày sẽ gây nên các rối loạn nội tạng nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Những thực phẩm giàu Selen trên địa bàn TPHCM để bổ sung vào cơ thể như gạo lức thơm (Long An), thịt ức gà, thịt bò thăn, thận heo, lòng đỏ trứng gà, tôm sú (An Giang), cá ngừ, cá thu, cá ba sa… “Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về hàm lượng Selen có trong từng vùng khác nhau và hàm lượng Selen có trong những người sống tại vùng đó cho nên Việt Nam chưa có được thông số chỉ định mức bổ sung cần thiết.

Vì vậy, trong khẩu phần ăn của mỗi gia đình hàng ngày cũng nên có vài món ăn giàu Selen để bổ sung cho cơ thể ngăn chặn những nguy cơ mắc bệnh tiềm ẩn”, TS Mai nói.

Lê Quang Trọng

Tin cùng chuyên mục