Khi năm học mới bắt đầu vào mùa thu này, học sinh ở thủ đô Rome của Ý không những sẽ có bữa trưa với những loại thực phẩm tươi, hữu cơ, xuất xứ từ địa phương mà còn được học về lợi ích của “thực đơn Địa Trung Hải”. Chương trình mang tên “Gaining Health”, là một phần từ thỏa thuận chống béo phì ở trẻ em, được ký kết vào năm 2006 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo luật mới của Ý, các căn tin trong trường học bị cấm phục vụ các món ăn chiên xào như khoai tây chiên, gà chiên… Hiện nay, cứ 3 trẻ dưới 12 tuổi ở Ý có 1 trẻ bị dư cân. Mặc dù tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với Anh, Mỹ và Mexico nhưng Ý đang tích cực đảo ngược xu thế, đi đầu là thành phố Rome. Từ năm học này, bữa ăn tại các trường học ở Rome sẽ là các “thực đơn Địa Trung Hải” (bao gồm chủ yếu rau xanh, trái cây, bánh mì, cơm gạo, dầu ôliu, rượu vang, nhiều cá và ít thịt…).
Bộ Y tế Ý cũng đề nghị giáo viên nên dạy học sinh hiểu rõ những thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, đặc biệt là giảng dạy về lợi ích của “thực đơn Địa Trung Hải” – một khi nó sắp được UNESCO xếp vào di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Học sinh cần phải hiểu rõ tháp dinh dưỡng không chỉ là một biểu đồ mà còn là một quy tắc bắt buộc phải tuân theo. Chính phủ Ý hy vọng chiến dịch “Gaining Health” sẽ tạo ra thói quen lành mạnh cho cuộc sống khi các em trưởng thành.
Không chỉ đẩy mạnh sử dụng “thực đơn Địa Trung Hải”, tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế Ý còn phát động phong trào “thực đơn 0 dặm”, khuyến khích sử dụng nguồn thực phẩm hữu cơ tươi ngay tại địa phương mà không cần nhập khẩu từ nước ngoài hay tại các vùng xa xôi khác. Tại thành phố Vĩnh cửu (Eternal City), 70% các món ăn phục vụ tại các căn tin trường học là chất hữu cơ. Các nguyên liệu chế biến thức ăn đến từ hơn 400 nông trại của Ý mà 1/5 trong số này là ở vùng nông thôn gần đó, chỉ cách khoảng 4 giờ đi xe.
Bằng việc đưa “thực đơn Địa Trung Hải” vào bữa ăn học đường, Ý chính thức gia nhập cuộc chiến toàn cầu chống béo phì ở trẻ em. Tuy nhiên, không chỉ có Ý, ngay từ năm học này Pháp cũng bắt đầu chiến dịch ngăn chặn nạn béo phì với hơn 7.000 học sinh Pháp tự nguyện tham gia một cuộc thử nghiệm cải thiện nhận thức về sức khỏe và thể chất.
Chương trình mang tên “Morning Classes, Afternoon Sports” bắt đầu có hiệu lực tại 124 trường trung học khắp xứ sở Gô Loa cũng như các chi nhánh ở nước ngoài. Hầu hết các trường học đều được chính phủ đầu tư bổ sung các loại hình sân vận động ngay trong sân trường với chủ trương khuyến khích hoạt động thể chất như là một trong những hoạt động sống cần thiết mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng dư cân.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Pháp Luc Chatel, dự án này không những ngăn chặn tỷ lệ béo phì đang gia tăng trong học đường ở Pháp mà còn được xem như là một “liều thuốc giải độc” tình trạng bạo lực học đường và vắng mặt không có lý do chính đáng, cũng là cách để giúp học sinh phát triển các kỹ năng đồng đội.
Cũng như Ý, chương trình y tế quốc gia Pháp cũng đang đẩy mạnh phong trào ăn nhiều trái cây, rau quả và sử dụng ít muối trong bữa ăn học đường.
Xuân Hạnh