Phát triển nguồn năng lượng mới ở TPHCM

Dồn sức cho xăng sinh học

PHAN MINH TÂN
Dồn sức cho xăng sinh học
  • Cuối 2009, xăng ethanol sẽ xuất hiện trên thị trường
  • Rất cần nhà nước hỗ trợ về chính sách đầu tư, giá, thuế…

TPHCM được đánh giá là một trong những tỉnh thành tiềm năng lớn để phát triển ngành năng lượng mới. Do đó, ngay từ những năm 90 nhiều đề án nghiên cứu sản xuất, ứng dụng lĩnh vực này được thực hiện. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay những đề án trên vẫn chỉ dừng ở mức thực nghiệm. Trước tình hình đó, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) nhanh chóng đưa các thực nghiệm về năng lượng mới vào sản xuất và ứng dụng với quy mô công nghiệp. Chúng tôi đã trao đổi với ông PHAN MINH TÂN, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình triển khai nghiên cứu và ứng dụng nguồn năng lượng mới trên địa bàn thành phố?

Dồn sức cho xăng sinh học ảnh 1

Vận hành máy phát điện sử dụng khí từ bãi rác Gò Cát, TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Ông PHAN MINH TÂN: Việc nghiên cứu, ứng dụng nhiên liệu sinh học trên địa bàn thành phố rất đa dạng. Cụ thể như sản xuất bio diesel từ dầu ăn phế thải do Trung tâm Lọc hóa dầu Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu.

Cho đến nay đã chế tạo thành công thiết bị sản xuất dầu phế thải thành bio diesel với công suất 2 tấn/mẻ; biomass (sản xuất cồn từ rơm) do Trường Đại học Tokyo Nhật Bản kết hợp với Sở KH-CN nghiên cứu tại huyện Củ Chi cũng đã hoàn tất quá trình thực nghiệm; dự án sản xuất xăng sinh học của Công ty Phạm Chí đang được sở đề nghị lên Bộ Công thương, Bộ Sở KH-CN, Tổng công ty Rượu bia cùng tham gia hỗ trợ công ty về mặt kỹ thuật, pháp lý và công nghệ sản xuất; Công ty Mặt Trời Đỏ xây dựng nhà máy sản xuất panel pin mặt trời tại tỉnh Long An…

- Có nghĩa là việc sản xuất nhiên liệu sinh học rất khả quan, thưa ông?

Cũng không hẳn như vậy. Để đảm bảo việc sản xuất các dạng năng lượng mới cần thiết phải có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Cụ thể đối với việc sản xuất tái chế dầu ăn phế thải thành bio diesel lại gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Nguồn nguyên liệu là dầu phế thải phân tán rải rác khắp thành phố mà không có hệ thống thu gom.

Sản xuất nhiên liệu sinh học từ đậu nành, hạt mè… thì đòi hỏi phải có diện tích trồng trọt lớn, dễ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Sản xuất xăng pha cồn thì giá thành quá đắt do cồn là loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Duy nhất việc sản xuất cồn từ rơm ra là có nguồn nhiên liệu dồi dào, giá thành thấp nhưng quá trình nghiên cứu chưa thể đưa ra ứng dụng thực tế…

- Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng rào cản để phát triển ngành năng lượng mới lại không phải là công nghệ hay giá thành sản xuất?

Đúng là có nhiều doanh nghiệp có thể mua hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nhiên liệu sinh học. Giá năng lượng hiện nay cũng có thể đảm bảo cho họ mức lợi nhuận tương đối. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng giá năng lượng vẫn sẽ duy trì như thế trong thời gian tới. Trong trường hợp giá dầu trên thế giới giảm thì bản thân nhà đầu tư phải gánh chịu rủi ro rất lớn nếu không muốn nói là phải đóng cửa sản xuất. Do đó, cần thiết nhà nước phải hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về giá, đầu tư, thuế… nhằm hạn chế những thiệt hại rủi ro cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc thiếu tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguồn nhiên liệu sinh học cũng là rào cản đáng kể để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất ngành này.

- Vậy TPHCM nói riêng đã có những giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời đưa nhanh hoạt động nghiên cứu năng lượng sinh học vào ứng dụng thực tế?

Sau khi xem xét và lấy ý kiến một số doanh nghiệp cung cấp, phân phối năng lượng, Sở Sở KH-CN thấy rằng bức xúc lớn nhất của các đơn vị là chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho nguồn nhiên liệu sinh học, kế đến là chính sách hỗ trợ đầu tư. Do vậy, sở đã đề xuất UBNDTP ban hành quy chuẩn chất lượng nhiên liệu sinh học áp dụng trên địa bàn thành phố, thay vì phải chờ tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, sử dụng Quỹ Phát triển Sở KH-CN để hỗ trợ vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất cho những doanh nghiệp đầu tư vào ngành năng lượng mới này.

- Theo ông, TPHCM có lợi thế để phát triển những loại hình năng lượng mới nào? Và trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển ra sao?

Lợi thế lớn nhất của thành phố để phát triển ngành năng lượng mới là có nguồn ánh sáng mặt trời; phế phẩm như rơm rạ, chất thải vật nuôi, trấu và tài nguyên thực vật rất đa dạng, dồi dào. Trong thời gian tới Sở KH-CN tập trung đầu tư để hoàn thiện nghiên cứu thực nghiệm biomass (sản xuất cồn từ rơm rạ) đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp. Mặt khác, thành phố xúc tiến ban hành quy chuẩn chất lượng xăng ethanol, tỷ lệ pha trộn với xăng hóa thạch; hỗ trợ vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xăng ethanol. Dự kiến cuối năm 2009 sẽ đưa ra thị trường sản phẩm xăng ethanol.

- Có ý kiến cho rằng ngành năng lượng sinh học nước ta phát triển quá chậm với các nước khác trong khu vực, thậm chí chậm hơn Campuchia – vốn chỉ mới nghiên cứu ngành này 2 năm lại đây?

Đúng là ngành năng lượng sinh học nước ta phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực mặc dù chúng ta đã nghiên cứu ngành này khá lâu. Nguyên nhân chính là do giá thành sản xuất nhiên liệu sinh học nước ta còn cao hơn giá thành nhiên liệu truyền thống. Còn sở dĩ Campuchia phát triển mạnh ngành nhiên liệu sinh học là do giá thành nhiên liệu truyền thống nước này rất cao. Đây chính là động lực để đẩy mạnh phát triển nguồn nhiên liệu sinh học của nước này.

- Xin cảm ơn ông.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục