Đào tạo người đẹp VN tranh tài ở đấu trường quốc tế. Bài 2: Áp lực ở các “lò” nhan sắc

Đủ tầm dự thi quốc tế?
Đào tạo người đẹp VN tranh tài ở đấu trường quốc tế. Bài 2: Áp lực ở các “lò” nhan sắc

Nhiều người trong và ngoài nước nhận xét, so với trong khu vực, về mặt bằng nhan sắc, có thể nói Việt Nam khá nổi trội. Khó có một chuẩn cụ thể để đánh giá về vẻ đẹp của từng khu vực nhưng nhìn vào bảng danh sách các hoa hậu đã đăng quang trên thế giới dễ dàng nhận thấy bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục nào cũng có thể tỏa sáng. Nếu vậy, VN không có lý do gì để không đạt được điều đó. Có lẽ cái thiếu lớn nhất ở VN chính là sự chuyên nghiệp…

Đủ tầm dự thi quốc tế?

Ngay từ năm 1988, nước ta đã có cuộc thi hoa hậu (HH) đầu tiên với quy mô toàn quốc, đến nay, hơn 2 thập niên trôi qua, nhiều cuộc thi HH đã được nhân rộng và nâng tầm. Nếu nói về nguồn thì VN đủ sức cung ứng người đẹp cho những cuộc thi có tầm quốc tế.

Nhưng nhan sắc thôi rõ ràng chưa đủ. Một thực tế ai cũng nhận thấy về nhược điểm của người đẹp VN là thiếu tự tin, không biết cách thể hiện mình để tỏa sáng. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV) 2008 tổ chức tại VN đã giúp những đơn vị có chức năng đưa thí sinh đi thi quốc tế có cái nhìn rõ hơn về một cuộc thi mang tầm vóc thế giới. Rõ ràng, đây không phải là một cuộc dạo chơi, những người đẹp nếu muốn được vinh danh phải chịu một áp lực nặng nề, phải có đủ sức khỏe để “chiến đấu”.

Tại cuộc thi HHHV 2008, ai cũng nhận thấy HHHV VN 2008 Nguyễn Thùy Lâm lọt vào tốp 15 là một sự thiên vị dành cho nước chủ nhà. Lỗi không phải ở Thùy Lâm khi cô được chọn tranh tài trong một cuộc thi quá sức với cô. Lỗi ở đơn vị có chức năng đã không chọn đúng người và không trang bị hành trang để Thùy Lâm xứng đáng với vị trí tốp 15 mà cô có được. HHHV VN 2008 rõ ràng yếu đuối, thiếu tự tin so với người đẹp các nước.

Đến với HHHV 2009, Á hậu Võ Hoàng Yến được xem là người được chuẩn bị kỹ càng nhất từ trước đến nay. Hoàng Yến không giành được thứ hạng gì mặc dù cô đã cố gắng hết mình, đã “tỏa sáng” hết mức có thể. Dù lý do này hay khác thì điều dễ nhận ra đó là Hoàng Yến chưa tạo được sự chú ý. Không phải vô tình mà bà Ines Ligron, Giám đốc tổ chức Miss Universe Japan đã nhận xét Hoàng Yến trông như một người đẹp chuyển giới. Cô có nhan sắc nhưng cái đẹp của cô thiếu vẻ tự nhiên. Có vẻ vô lý nhưng thực chất ngay cả việc tạo ra vẻ tự nhiên cũng cần phải học...

Trương Tri Trúc Diễm đoạt giải “Hoa hậu thời trang” trong cuộc thi Miss Earth World 2007 tại Nha Trang. Ảnh: AN DUNG

Trương Tri Trúc Diễm đoạt giải “Hoa hậu thời trang” trong cuộc thi Miss Earth World 2007 tại Nha Trang. Ảnh: AN DUNG

Công nghệ đào tạo hoa hậu ở VN

Gần chục năm qua, việc tuyển chọn người đại diện Việt Nam đi thi nhan sắc tại các cuộc thi quốc tế lớn vẫn còn bị động. Chọn được thí sinh hợp pháp đi thi (chủ yếu là những nhân tố đã đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc trong nước hoặc những người mẫu có tên tuổi), hoàn tất những thủ tục về giấy phép, thời gian còn lại để chuẩn bị dành cho thí sinh không nhiều. Trang bị kiến thức, trang phục, trang điểm, học thêm ngoại ngữ…, chỉ trong vòng vài tuần, mọi thứ luôn trong thế “chạy đua” khiến thí sinh Việt Nam bị áp lực lớn về tinh thần.

Các đơn vị đưa thí sinh đi thi ở VN phần lớn là các công ty đào tạo người mẫu, vì tự phát nên hầu hết trong số này thiếu tính chuyên nghiệp. Bằng chứng là các người đẹp luôn phải tự thân vận động. Một số công ty người mẫu như Elitte, New Talent (Hà Nội), PL (TPHCM), Hoàn Vũ... là những đơn vị có chức năng đưa người đẹp VN đi thi thời gian qua.

Trò chuyện với đại diện các công ty, mỗi người nhận định một khác về lý do chưa đạt được kết quả cao. Bà Diễm Ly, Phó Giám đốc marketing của Công ty Hoàn Vũ, đơn vị đưa Võ Hoàng Yến tham dự cuộc thi HHHV 2009, cho biết: “Có yếu tố may rủi và yếu tố vùng miền lãnh thổ tại các cuộc thi nhan sắc lớn. BTC các cuộc thi đều có ý định nhắm tới lãnh thổ, châu lục cho những lần tổ chức, nên thí sinh thuộc các vùng này sẽ nhận được nhiều ưu ái hơn. Hoàng Yến thất bại tại cuộc thi năm nay cũng là điều dễ hiểu. Chẳng riêng gì Hoàng Yến, hầu hết các thí sinh châu Á đều trắng tay trừ một thí sinh của Singapore (Singapore có một đơn vị tài trợ cho cuộc thi)”.

Bà Nguyễn Thúy Nga, Giám đốc điều hành Công ty Ellite Việt Nam, cho rằng: “Các cuộc thi này đòi hỏi “sức bền” của thí sinh. Thí sinh không chỉ cần sắc đẹp hình thể, chiều cao mà phải có kiến thức, vốn sống. Điều này không phải chỉ ngày một ngày hai là có thể trang bị, đó là cả một quá trình, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Một người đẹp không có vốn kiến thức thì dù các công ty có giàu cỡ nào cũng không thể giúp đoạt giải. Thực tế hiện nay, người đẹp Việt Nam càng về sau càng đuối hơn, mất tự tin hơn thí sinh các nước bạn…”.

Người mẫu Thanh Long, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và đào tạo người mẫu PL nói: “Khi chọn người đẹp tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế, đa số các bạn đều được trang bị kiến thức về phong cách biểu diễn, được các nhà trang điểm hỗ trợ, được chuẩn bị về khả năng giao tiếp… Chúng tôi chọn trên tiêu chí phải là người đẹp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và trình diễn thời trang nói riêng…Tuy nhiên, sắc đẹp Việt Nam muốn lên ngôi đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị ít nhất là 3, 4 năm nữa. Hiện nay, PL đã và đang tuyển chọn các bạn lứa tuổi 14, 15 có sắc vóc, hình thể đẹp để đào tạo, huấn luyện, trang bị các kiến thức trình diễn, giao tiếp, biểu diễn trước ống kính…”.

Năm 2008, Chủ tịch tổ chức Hoa hậu thế giới (HHTG), bà Julia Morley và ông Hoàng Kiều, Chủ tịch Tập đoàn RAAS (Mỹ) đã ký văn bản để Việt Nam đăng cai tổ chức HHTG năm 2010. Nếu đúng kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên HHTG được tổ chức tại Việt Nam, đồng thời với lần kỷ niệm thứ 60 của HHTG. Khoảng 130 thí sinh trên khắp thế giới sẽ đến VN tham gia cuộc thi. Thời gian không còn nhiều, không biết đơn vị chủ nhà liệu có làm nên bứt phá gì ở sự kiện lớn này?

Từ năm 2008, tại TPHCM xuất hiện một trường đào tạo người đẹp đi thi hoa hậu, đó là John Robert Powers. Giá học phí của trường là 6.700 USD, nhưng chất lượng thì chưa ai có thể kiểm chứng. Để trở thành hoa hậu, trường mở thêm lớp học về các kỹ năng trang điểm, sàn diễn, phỏng vấn, nói trước công chúng… do giảng viên từ Philippines và Thái Lan dạy với học phí 3.000 USD.

Nhóm PV VHVN

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Thừa nhan sắc, thiếu kinh nghiệm

Tin cùng chuyên mục