Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” biểu diễn tại TPHCM

Tối 4-5, tại Nhà hát Thành phố, UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình biểu diễn giao lưu quảng bá nghệ thuật năm 2024 với vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" (tác giả: NS Nguyễn Cường, biên kịch - tổng đạo diễn: Hồng Hoa, tổng biên đạo: NSND Y San Aliô). Vở có sự tham gia biểu diễn của NSƯT Y Joel Knul, diễn viên Y Ko Niê, H’Lueng Niê, Nguyễn Minh Chi, Y Moan Hmok, MLô Y Yức và các diễn viên Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk.

Vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" biểu diễn tại TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH
Vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" biểu diễn tại TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH

Đắk Lắk được biết đến với những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây nguyên xưa, trong đó có sử thi Dam Săn - một trong những tác phẩm tiêu biểu, thể loại văn học sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây nguyên thời cổ đại.

DSC03904.JPG
Già làng kể cho con cháu nghe câu chuyện về chàng Dam Săn anh hùng. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC04165.JPG
Chàng Dam Săn và nàng H’Nhi. Ảnh: THÚY BÌNH

Qua đó, người xem được đến với quá khứ hào hùng trong buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên, vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.

DSC03944.JPG
DSC03966.JPG
Nét đẹp trong lao động và sinh hoạt thường nhật của đồng bào Tây nguyên. Ảnh: THÚY BÌNH

Ca kịch được dàn dựng với 5 chương: Dam Săn và H’Nhi, Xử tội tù trưởng sắt Mtao Mxây, Buôn sang trông cậy, Nơi miền sáng, Mặt trời lên trên cao nguyên bao la.

Vở kịch được dàn dựng công phu, với nhiều tình tiết: Sự khao khát của Nữ thần Mặt trời mong có Dam Săn; nguy cơ buôn làng bị hủy diệt và chìm trong đêm tối; khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn cảm hóa được Nữ thần Mặt trời và Nữ thần đã tặng vầng ánh sáng nhiệm mầu cho Dam Săn đem về buôn làng, để đất trời tươi sáng, hoa trái sinh sôi.

DSC04013.JPG
Cuộc sống bình an và hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc - chàng Dam Săn và nàng H’Nhi cùng người dân trong buôn làng. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC04186.JPG
Đứng trước nguy cơ màn đêm tăm tối sẽ che phủ cuộc sống buôn làng, chàng Dam Săn quyết chí lên đường tìm cách giải quyết giúp đỡ mọi người. Ảnh: THÚY BÌNH

Vợ Dam Săn là H’Nhi vui mừng gặp lại chồng trong ngày đón ánh sáng về với buôn làng, nhưng đó cũng là phút giây Dam Săn ra đi mãi mãi. Nàng đã cắn tay mình mong cứu Dam San và từ bàn tay ấy đã tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây nguyên, nơi miền đất bazan muôn đời hùng vĩ.

Tất cả đã làm nên một khúc ca ân tình, ngợi ca vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên.

DSC04065.JPG
Chàng Dam Săn dũng mãnh chiến đấu kiên cường để bảo vệ tình yêu, thu phục lòng dân. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC04133.JPG
Nữ thần Mặt Trời chờ đợi ngày Dam Săn tìm đến. Ảnh: THÚY BÌNH

Trước đó, vào tối ngày 3-5 và sáng 4-5, Chương trình biểu diễn giao lưu quảng bá nghệ thuật năm 2024 đã diễn ra sôi nổi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bưu điện TPHCM, góp phần quảng bá âm nhạc dân tộc, nghệ thuật dân gian Tây nguyên tại TPHCM.

Tham gia thực hiện chương trình này có Nhà hát Ca múa Nhạc Dân tộc Bông Sen và Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk.

DSC04161.JPG
Già làng kể lại những khó khăn, gian khổ, trở ngại mà chàng Dam Săn dũng mãnh phải vượt qua trước khi đem được vầng ánh sáng nhiệm mầu về cho buôn làng. Ảnh: THÚY BÌNH
DSC04225.JPG
Sau khi hoàn thành sứ mệnh cao cả, chàng Dam Săn đã ra đi mãi mãi trong niềm tiếc thương của dân làng. Ảnh: THÚY BÌNH

Tối 5-5, Chương trình biểu diễn giao lưu quảng bá nghệ thuật năm 2024 tiếp tục sáng đèn tại Nhà hát Thành phố với vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ).

Vở do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đầu tư thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của các NSƯT Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Thy Trang và các NS Trọng Nghĩa, Điền Trung, Hoàng Hải, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Mẹo, Hoài Nam, Hiền Linh…

Tin cùng chuyên mục