“Nhà văn đi bộ” đã dừng lại

Nhà văn Hoài Anh, một cây viết tài hoa đa dạng đã qua đời ở tuổi 73. Với ông, cuộc sống và con người thuộc về văn chương. Một người đặc biệt. Một thứ đặc sản của văn học. Tác phẩm của ông để lại rất nhiều, rất phong phú đa dạng. Bạn đọc biết nhiều tới Hoài Anh qua thơ, truyện lịch sử, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, khảo cứu… Bất kỳ thể loại, lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn riêng. Nhưng độc đáo, ấn tượng nhất vẫn là cuộc sống nhiệt tình, hồn hậu, giản dị.

Trong giới văn học nước ta, Hoài Anh là tên gọi thân thương, mến mộ. Ông là bạn thân thiết của nhiều thế hệ nhà văn. Từ những nhà văn thế hệ trước cho đến những nhà văn thế hệ sau, ai cũng coi ông như người thân. Mọi người quý mến ông không chỉ ở tài năng văn chương, niềm say mê, tình yêu của ông dành cho văn học – nghệ thuật dân tộc mà còn ở nếp sống chân thành giản dị đến mức độc đáo. Mọi người gọi ông là “nhà văn đi bộ”. Ông không sử dụng xe đạp, xe gắn máy không phải vì vấn đề kinh tế hay sức khỏe. Đơn giản chỉ vì ông thích được đi bộ.

Có lần ông nói: “Đi bộ đến với nhau có vẻ tình cảm hơn”. Tôi cho là câu nói đùa vui, không nhớ. Nhưng đến khi ông bảo: “Nói gì thì nói, đi bộ là tự do nhất” thì tôi giật mình nhận ra triết lý sống sâu sắc của ông. Tự do cho mình thế nào cũng phải tôn trọng tự do người khác như vậy. Cả một đời vất vả là thế nhưng ông chưa hề làm phiền tới ai: Độc lập và tự do là phong cách, là lối sống trước sau như một của ông. Chân tình giúp đỡ bạn bè và những người khác là bản chất con người ông.

 Thế hệ trước ông coi ông như bạn thân. Thế hệ sau này cũng coi ông như bạn thân. Ông là một cầu nối cho các thế hệ nhà văn hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn. Khi nói tới Hoài Anh bạn đọc và các đồng nghiệp không thể không nói đến “bộ nhớ siêu việt” và khối lượng kiến thức văn hóa đồ sộ của ông. Ông giống như bộ “Bách khoa toàn thư” về văn hóa. Sức làm việc của ông thật đáng khâm phục. Nửa đêm thức giấc, làm việc. Nhậu về say xỉn vẫn làm việc. Những con chữ luôn luôn tuôn chảy từ bàn tay của ông cho đến khi bị bạo bệnh và qua đời.

Nhà văn Hoài Anh mất đi, giới văn học Việt Nam mất một đặc sản, gia đình bạn bè mất một người thân thiết. Nỗi buồn đau day dứt khôn nguôi. Xin vĩnh biệt ông.

Nhà văn Hoài Anh tên thật là Trần Trung Phương, sinh ngày 8-7-1938, quê tại Hà Nam. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì. Ông từng là cán bộ biên tập Xưởng phim tổng hợp TPHCM, biên tập viên Tuần báo Văn nghệ TPHCM, là Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

Ông nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam:

– Giải thưởng văn học thiếu nhi 1981 – 1983 với tác phẩm tiểu thuyết “Đuốc lá dừa”.

– Chân dung văn học – tiểu luận phê bình 2002 – 2003.

Ông mất lúc 19 giờ 30 ngày 24-3-2011.

Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 26-3-2011 tại Nhà tang lễ TP số 25 Lê Quý Đôn. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 6 giờ 30 ngày 27-3-2011 (chủ nhật).

Trần Văn Tuấn

Tin cùng chuyên mục