Con đường văn sĩ gồm 3 phần. Những trang nhật ký của nhà văn được chia theo các mốc thời gian (1938-1939, 1940-1943, 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945), cho thấy con đường văn sĩ của Nguyễn Huy Tưởng với mộng văn chương ngay từ phần đầu, cho tới khi in tác phẩm đầu tay Đêm hội Long Trì và nhiều tác phẩm lớn trong sự nghiệp như Vũ Như Tô.
Từ lâu, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã được độc giả biết đến. Những trang viết trung thực và tâm huyết của ông, đến nay đã được công bố nhiều lần dưới nhiều hình thức. Trong đó, đã có 2 lần nhật ký của ông được xuất bản thành sách, bao quát gần như toàn bộ quãng đời cầm bút của ông, từ năm 18 tuổi đến không lâu trước khi mất, ở tuổi 48. Tuy nhiên, quy mô bộ sách lớn, có phần khó đến với bạn đọc thông thường, do đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng đã biên soạn trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng những nội dung gần gũi, thấm đẫm những yếu tố nhân văn và giàu chất đời để đưa đến bạn đọc.
“Khi cha mất, tất cả cuốn sách, di cảo, nhật ký và nhiều thư từ bạn bè gửi cho ông được cất trong một chiếc tủ. Có nhiều bức ảnh ông chụp với bạn bè, nhưng rất tiếc không có tấm nào chụp chung với vợ con dù ông rất yêu thương gia đình”, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng viết. Từ khi lên 9-10 tuổi, Nguyễn Huy Thắng đã được mẹ cho tiếp cận với di sản của cha mà không hề ngăn cản, dù trong những cuốn nhật ký viết nhiều chuyện riêng tư của ông bà. Không nhớ được nhiều kỷ niệm với cha nhưng nhật ký đã cho Nguyễn Huy Thắng “mở ra thế giới của cha mình”, và đọc hết tập này tới tập khác. “Qua nhật ký, tôi nhận ra cả thế giới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chân dung của ông từ tuổi 18 đến năm ông mất ở tuổi 48”, Nguyễn Huy Thắng kể.
Không chỉ là chân dung nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, những trang nhật ký có nhiều điều gần gũi với bất cứ ai. Với gia đình, có nhiều điều ông ít giãi bày nhưng được trải hết qua những trang nhật ký, nhờ đó, vợ con thấu hiểu được tình yêu thương ông dành cho gia đình.
Những ngày nằm trên giường bệnh vì căn bệnh nan y, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không còn nghĩ nhiều về tác phẩm, bởi ông xót xa để lại “vợ con nheo nhóc”. Câu chữ của nhà văn để lại khiến vợ con đọc được đều xót xa. Con trai nhà văn luôn mang lòng biết ơn cha đã lo lắng cho gia đình, tình yêu đó trở thành niềm an ủi, điểm tựa trong suốt cuộc đời.
Theo TS Đỗ Thanh Nga, đọc Con đường văn sĩ để thấy sự trăn trở với nghề, với cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Bên cạnh chuyện văn chương, Nguyễn Huy Tưởng bộc bạch về lẽ sống, lẽ làm người. Vì ông coi viết nhật ký là cách để rèn viết văn khi dấn thân vào con đường văn chương nên câu chữ trong nhật ký cũng rất trau chuốt. Cuốn sách còn hé lộ những mối quan hệ, những chân dung của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng thời đó.