Festival Huế 2012 - Hồn quê bừng sáng

Festival Huế 2012 - Hồn quê bừng sáng

Cố đô Huế giữa kỳ Festival Huế 2012, ở đâu cũng lung linh nét đẹp hồn quê mộc mạc. Tại làng cổ Phước Tích, ngay từ tinh mơ, các mẹ, các o đã chuẩn bị tươm tất các món ẩm thực, rộn ràng tiếp đón người thân và du khách ghé thăm lễ hội Hương xưa làng cổ 2012.

Lễ hội “Thiên hạ thái bình” trong Festival Huế 2012. Ảnh: Phan Lê

Lễ hội “Thiên hạ thái bình” trong Festival Huế 2012. Ảnh: Phan Lê

Phía đầu làng, thanh niên trai tráng và đám trẻ con tay cầm hoa sen, đầu chít khăn đỏ chuẩn bị biểu diễn múa sắc bùa chào mừng lễ khai mạc… Phước Tích như bừng sáng sau tiếng trống dồn từ đình làng, báo hiệu giờ khai hội. Du khách và người dân khắp vùng cuốn hút với những trò chơi dân gian như đu tiên, kéo co… Đặc biệt, sau hơn 20 năm tắt khói, nghề gốm cổ trên 500 tuổi của làng đã cho ra đời và giới thiệu với du khách mẻ gốm đầu tiên với những sản phẩm tinh xảo một thời. Đây là một phần chương trình phục hồi gốm Phước Tích do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ. Mục tiêu, giúp người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống.

Xuôi dòng sông Hương thơ mộng, chúng tôi về với Chợ quê tại Festival Huế 2012. Chợ quê diễn ra bên cầu ngói Thanh Toàn mang nét cổ xưa bình dị mà mộc mạc, kết hợp với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, nhằm tái hiện lại một cách sinh động không khí phiên chợ quê với các hoạt cảnh mua, bán, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ rèn, đồ gỗ mỹ nghệ, sành sứ và đa dạng các chủng loại mặt hàng lưu niệm… Du khách như được một lần… làm nông dân khi tham gia các hoạt động sản xuất, xay lúa, giã gạo, giần, sàng, sảy, xay bột làm bánh, đan lát, chằm nón… Rồi các gian hàng bày bán bánh canh cá lóc, bún bò, cháo bò Huế bên cây đa, bến nước, sân đình.

Giữa cố đô rêu phong là Bia trường Quốc học Huế uy nghi, nơi ghi dấu và lưu giữ tên tuổi những nhân tài đất nước, trở thành sân khấu cho lễ hội áo dài với chủ đề “Hoa sen trong hội họa”. Những cơn gió mùa hè từ sông Hương hòa quyện trong mênh mang của đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu và sáo của nhóm Cỏ Lạ, hơn 300 mẫu áo dài tung bay thướt tha.

Nguyễn Phương, người dân Huế, xuýt xoa: “Ngày nào tui cũng đi qua đường Lê Lợi và thấy bia Quốc học có chi lạ mô. Rứa mà khi chọn khu vực này làm sân khấu cho lễ hội áo dài tại Festival Huế, xem rồi mới thấy nó đẹp và lạ đến mức không thể diễn tả hết được… Có cảm giác, những người tổ chức lễ hội “sờ” đến bất kỳ một ngóc ngách nào của Huế, là chỗ đó lại “sáng” hẳn lên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...”.

Phía Tây Nam núi rừng huyện A Lưới, tiếng reo hò, vỗ tay của đồng bào các dân tộc vọng cả núi rừng sau âm vang dàn chiêng K’Nah, dẫn dắt những đôi chân trần các chàng trai cô gái Êđê, M’nông thuộc Đoàn ca múa nhạc các dân tộc Đắc Lắc biểu diễn chương trình nghệ thuật “Đất thiêng cao nguyên”.

Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng: Nếu như đoàn Đắc Lắc thể hiện đầy màu sắc của vùng cao nguyên bazan lộng gió, thì đoàn nghệ thuật Cuba anh em lại đem đến chương trình với 10 tiết mục mang hơi thở nhịp sống hiện đại. Huyện A Lưới chúng tôi đang hòa nhịp với không gian Festival Huế, muốn tìm tòi con đường thúc đẩy tiềm năng du lịch”.

Trên sân khấu nổi bên bờ sông Hương, phần trung tâm là quả cầu Cửu Long (bảo vật Huế, cũng là biểu tượng năm Rồng), và hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng là nơi diễn ra lễ hội “Thiên hạ thái bình”. Đây là lễ hội “đinh” tại Festival Huế 2012 diễn ra tối 12-4 với sự tham gia đông đảo nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và lực lượng quần chúng. Thiên hạ thái bình bằng hình thức diễn xướng cung đình Huế như nhã nhạc, múa kết hợp với những áng thơ tuyệt hay của cổ nhân là mạch dẫn cho phần của lễ hội. Từ “Nước ngàn năm văn hiến” đến “Muôn dân hưởng thái bình”, và kết bằng “Thịnh vượng một trời Nam”.

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục