Khi “sao” bàn về chuyện thần tượng

Tình trạng thanh thiếu niên bị Tây hóa, Hàn hóa hay những hiện tượng hâm mộ quá mức đối với các diễn viên, ca sĩ nước ngoài (fan cuồng), văn hóa thần tượng cho các bạn trẻ… được khá nhiều văn nghệ sĩ, vận động viên, nhạc sĩ nhà văn nhà thơ phân tích, mổ xẻ trong buổi góp ý kiến phương hướng hoạt động của Đoàn do Thành đoàn TPHCM tổ chức chiều 17-8.

Tình trạng thanh thiếu niên bị Tây hóa, Hàn hóa hay những hiện tượng hâm mộ quá mức đối với các diễn viên, ca sĩ nước ngoài (fan cuồng), văn hóa thần tượng cho các bạn trẻ… được khá nhiều văn nghệ sĩ, vận động viên, nhạc sĩ nhà văn nhà thơ phân tích, mổ xẻ trong buổi góp ý kiến phương hướng hoạt động của Đoàn do Thành đoàn TPHCM tổ chức chiều 17-8.

Ca sĩ Hoàng Minh Phước lý giải: “Có thể giới trẻ hiện nay quá ít sân chơi, không tiếp cận những người nổi tiếng ở đời thường… nên họ dễ ngộ nhận và ảo tưởng về giá trị người nghệ sĩ, xem họ như thần thánh. Giới truyền thông cũng góp phần ca ngợi “lên mây” những ngôi sao trong và ngoài nước, “nặn” những ngôi sao ảo, tạo nên những “thần tượng” bị đặt nhầm chỗ…”.

Nghệ sĩ Tiết Cương bức xúc trước sự bùng nổ của các sao ảo hiện nay. Những hành động thiếu suy nghĩ của họ vô hình trung trở thành tấm gương xấu cho giới trẻ. Lối sống thực dụng, ăn bám được khoác lên những ngôn từ hoa mỹ như thật thà, cá tính… Nhất cử nhất động trên Facebook của ca sĩ, diễn viên, người mẫu đều được các trang tin điện tử giành nhau cập nhật, khiến người đọc “tẩu hỏa nhập ma”…

Theo đại kiện tướng cờ vua Lê Quang Liêm, thần tượng ai đó không hẳn là xấu. Tuy nhiên hiện nay có sự thiếu cân bằng trong việc phổ biến các loại hình văn hóa giải trí. Các loại hình ca nhạc, điện ảnh chiếm lĩnh hầu hết hoạt động của giới trẻ hiện nay. Những bạn trẻ có nhu cầu về thể thao hay những loại hình giải trí khác thì hầu như quá ít thông tin, thiếu sự kết nối…

Điều khiến nhiều người lo ngại nhất là khi chúng ta lên án fan cuồng, tìm đủ các giải pháp để xây dựng một lối sống, hình tượng đẹp cho giới trẻ thì thế giới giải trí, tiêu dùng của các em đang bị các sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc bủa vây. Từ phim ảnh, truyền hình, album ca nhạc đến cả kiểu đầu tóc, quần áo... đều “mượn” ý tưởng nước ngoài. Những giải pháp tăng cường các hoạt động giao lưu giữa văn nghệ sĩ và các bạn trẻ; tổ chức thêm nhiều sân chơi cho giới trẻ, thay những trang website tuyên truyền khô khan, xơ cứng bằng những chương trình thực tế, cụ thể hơn… phần nào giúp các bạn trẻ có thêm sức đề kháng trước sự bủa vây của văn hóa ngoại lai. 

THANH AN

Tin cùng chuyên mục