Tranh Việt - Kỷ lục mới trên sàn đấu giá

Tối 25-5-2013, tại nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Công (Trung Quốc), tranh Việt Nam đã lập một kỷ lục mới khi bán được với giá 390.000 USD. Đó là bức La Marchande de riz (Người bán gạo) của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1932.
Tranh Việt - Kỷ lục mới trên sàn đấu giá

Tối 25-5-2013, tại nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Công (Trung Quốc), tranh Việt Nam đã lập một kỷ lục mới khi bán được với giá 390.000 USD. Đó là bức La Marchande de riz (Người bán gạo) của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1932.

        Gấp 5.000 lần giá định

Một người Anh sở hữu bức tranh Người bán gạo của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1932, mang đến hãng Christie’s ở London, Anh để gửi bán. Ban đầu, một nhà thẩm định tập sự ở đây đã nhầm đây là một tác phẩm của Trung Quốc và chỉ định giá là 75 USD. Đơn giản, họa sĩ ghi lạc khoản, ký tên và đóng triện của mình trên mặt tranh bằng chữ Hán. Sau khi nó được chuyển đến trụ sở của Christie’s ở Hồng Công, các chuyên gia châu Á ở đây đã thẩm định lại. “Ký và ghi bằng tiếng Trung Quốc (phía trên bên trái); ghi bằng tiếng Trung Quốc (trung tâm bên phải); ký Nguyễn Phan Chánh và ghi năm 1932 (dưới bên phải), mực và bột màu trên lụa, 64,5cm x 50,5cm; có hai con dấu của họa sĩ”.

La Marchande de riz (Người bán gạo) của Nguyễn Phan Chánh đang giữ kỷ lục về giá tranh Việt trên sàn đấu giá.

La Marchande de riz (Người bán gạo) của Nguyễn Phan Chánh đang giữ kỷ lục về giá tranh Việt trên sàn đấu giá.

Ngoài chữ ký và năm ghi bằng các ký tự Latin trên tranh, các chuyên gia cũng thấy tên tranh bằng tiếng Pháp (La Marchande de riz) ở mặt sau bức tranh. Họ cũng nhận ra khuôn mặt nhân vật người mua gạo, dáng vóc của người bán, trang phục của nhân vật và không khí của vùng Bắc bộ Việt Nam trên tranh. “Nguồn gốc là hoàn hảo”, ông Jean-Francois Hubert, chuyên gia tư vấn cao cấp của Christie’s về nghệ thuật Việt Nam, cho biết. “Khung của tranh được làm bởi ông Gadin - chuyên gia đóng khung người Paris (Pháp) và nó đã được trưng bày vào năm 1934 tại Napoli (Ý)”. Cuối cùng Christie định giá tranh từ 800.000 đô la Hồng Công đến 1 triệu đô la Hồng Công.

Tại phiên đấu, giá tranh không ngừng tăng. Cuối cùng, ông Pascal de Sarthe (một nhà sưu tầm nghệ thuật sống và làm việc ở Hồng Công) đẩy giá lên tới 3,03 triệu đô la Hồng Công, tương đương 390.000 USD, gấp 5.000 lần giá khởi điểm. Ủy viên đấu giá gõ búa!

Pascal de Sarthe cho biết, ông và vợ là Sylvie sẽ treo Người bán gạo trong phòng ngủ. “Đó là một bức tranh rất hiếm và trong tình trạng tuyệt vời”, ông Pascal de Sarthe tấm tắc. “Không có giá nào là quá đắt đối với một bức tranh đẹp”, ông nhận định.

Như vậy, Người bán gạo của Nguyễn Phan Chánh (1892 - 1984) đang giữ kỷ lục về mức giá cao nhất dành cho một bức tranh của họa sĩ Việt Nam trong các phiên đấu giá từ trước đến nay.

Giá cao nhất trước đó cho một nghệ sĩ Việt Nam tại cuộc đấu giá đã được thiết lập vào tháng tư năm 2012 khi tác phẩm Le Rideau mauve (Bức màn màu tím) của Lê Phổ được bán với giá 2,9 triệu đô la Hồng Công (tương đương 373.520 USD) tại nhà đấu giá Sotheby ở Hồng Công.

Lê Phổ là họa sĩ người Việt có nhiều tranh được đấu giá nhất. Năm 2007, phòng tranh Leslie Hintman đã định giá bức Thiếu phụ trong vườn, sơn dầu trên lụa, khổ 104,1cm x 83,8cm của Lê Phổ từ 30.000 - 50.000 USD. Các tranh khổ nhỏ của ông, cỡ 46,4cm x 27,3cm cũng đều được bán với giá khoảng từ 6.000 - 8.000 USD. Trên mạng ArtNet trong một thời gian ngắn đã có tới 370 bức tranh của Lê Phổ được rao bán. Tại các phiên đấu giá tranh của nhà đấu giá Sotheby’s tại Hồng Công, tranh của Lê Phổ có một vị trí đáng nể so với tác phẩm của các đồng nghiệp châu Á. Người ta ví tranh Lê Phổ như một bản màu đa sắc đầy lạc thú, là khúc hợp tấu giao hưởng những sắc vàng, mà đặc trưng nhất là vàng chanh, ở cả hai giai đoạn tranh lụa và sơn dầu.

Hiện tại, hai nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Sotheby’s và Christie’s đều đánh giá cao triển vọng của tranh Việt nhưng vẫn đưa ra chào hàng khá thận trọng. Xếp sau Lê Phổ, nhiều họa sĩ thế hệ của Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… cũng đang được nhiều người chú ý trong các phiên giao dịch quốc tế. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hãn hữu. Trong các cuộc đấu giá tranh ở Singapore; Macau, Thượng Hải, Hồng Công (Trung Quốc); Indonesia; Hàn Quốc…, giá tranh của Việt Nam thường về cuối. Theo nhiều nhà giám tuyển nghệ thuật (curator), không phải các họa sĩ và tác phẩm Việt Nam thiếu tài năng mà là do thị trường tranh không kiểm soát được, tác phẩm của những họa sĩ sống ở thế kỷ XX thường bị làm giả. Những họa sĩ đương thời thì bị làm nhái hoặc chính các họa sĩ tự nhân bản tranh mình.

        Dè dặt

Lại một lần nữa, chúng ta chứng kiến các hãng đấu giá quốc tế có chuyện “trời ơi”. Ai có thể ngờ một chuyên viên của hãng đấu giá quốc tế như Christie’s mà chỉ vì thấy tranh có ghi chữ Hán và đóng dấu triện bằng chữ Hán mà cho là tranh của Trung Quốc.

Chuyện này lại làm nhiều người nhớ lại vụ việc xảy ra vào năm 2008. Khi thấy nhà đấu giá Sotheby’s (New York, Mỹ) rao bán 5 bức tranh của Bùi Xuân Phái, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã ngay lập tức bóc mẽ 4 trong số đó là giả. Bức Chèo giả, bột màu trên giấy báo, đã bán được 19.311 USD (đây là số tiền kỷ lục cho một bức tranh vẽ trên giấy báo của một họa sĩ Việt Nam). Người vẽ (giả) đã không sao chép theo một bức nào của Bùi Xuân Phái mà mô phỏng vài kiểu dáng của một số bức tranh chèo của danh họa. “Sai lầm cơ bản của người vẽ khi không hiểu rằng, đặc trưng trong tranh Bùi Xuân Phái là tính khái quát cao, ông không cần mô tả chi tiết. Trong tranh chèo, có nhiều bức ông không vẽ mắt, mũi miệng của diễn viên nên tranh mang vẻ cô hồn, liêu trai. Thế mà trong bức giả lại có cả dây phơi chăng ngang để treo móc quần áo! Với kiểu sao chép nhìn qua những ấn bản từng được in trên sách báo, giới làm tranh giả đã liều lĩnh một cách dại dột: sao chép bức này bằng chất liệu... sơn mài!”, họa sĩ Bùi Thanh Phương cho biết. Với tiêu đề tự đặt là Cheo actors, một bức tranh chèo giả nữa của Bùi Xuân Phái cũng đã được Sotheby’s bán trót lọt cho khách mua vào ngày 8-4-2008 với giá cao ngất ngưởng 124.214 USD.

Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, các nhà sưu tầm nước ta chỉ mới tranh giành con cá bé trong cái ao nhỏ, nhưng ở những sân chơi lớn tầm quốc tế thì lại đành bó tay, nhường quyền kiểm soát thị phần cho người nước ngoài. Họ đã đến Việt Nam mua tranh chép lại (phiên bản) của nhiều họa sĩ, đem về nước, đưa lên sàn đấu giá với giá bán của những bức tranh thật. Thế nên, giới sưu tầm tranh và các nhà kinh doanh tranh nước ngoài chưa đủ tin tưởng các tác phẩm tranh Việt Nam vì e ngại tranh vi phạm bản quyền.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục