Suốt cuộc đời Tiến bước dưới quân kỳ

Suốt cuộc đời Tiến bước dưới quân kỳ

Tôi và đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho cùng sống, cùng neo đậu ở Đoàn ca múa Quân đội suốt từ năm 1954 cho đến khi nghỉ hưu. Nay đã cùng vào tuổi 80, nhưng vẫn gọi nhau bằng “mày tao” như thời cùng là lính. Nho có tuổi thơ thật phong phú và đẹp. Tháng 5-1945 mới 12 tuổi đã theo Việt Minh đi học hát và dạy hát Tiến quân ca, Du kích ca cho đồng đội và đồng bào. Và có lẽ bước đầu tiên ấy đã khơi dậy tâm hồn âm nhạc trong anh. Tháng 8-1946, anh tham gia đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bắc Giang, rồi năm 1947, 1948 chuyển sang đội tuyên truyền xung phong tỉnh Phúc Yên. Những năm 1950 - 1951 trở thành học viên Trường Sĩ quan Lục quân khóa VI, anh có tác phẩm đầu tay Bà mẹ nuôi được Văn công Đại đoàn 308 biến nó thành nhạc cảnh nổi tiếng của Chiến khu Việt Bắc, tham dự chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ...

Nhạc sĩ Doãn Nho.

Nhạc sĩ Doãn Nho.

Sau năm 1954, anh về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, và từ đây bắt đầu cuộc đời người nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tháng 5-1955, Doãn Nho đến với đồng bào giới tuyến Vĩnh Linh, trong chuyến đi này, anh sáng tác bản hợp xướng Sóng Cửa Tùng, mà khi dàn hợp xướng lớn của Văn công Tổng cục Chính trị vang lên, nhiều khán thính giả đã đón nhận với những cảm xúc dạt dào. Tiếp theo, anh có Chiếc khăn piêu nghịch ngợm, hóm hỉnh, hài hước. Đây là bài tủ của nhiều ca sĩ và nhiều đoàn văn công trong cả nước. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nhận xét Doãn Nho “vừa hài lại vừa nghiêm!”. Đúng vậy, ngay trên mảnh đất Điện Biên anh có bài Chiếc khăn piêu, thì 2 năm sau (1958), anh lại cho ra đời Tiến bước dưới quân kỳ, một ca khúc thuộc loại rất nghiêm và hoành tráng, được toàn quân hát, được chọn vào 10 bài ca chính thức quy định của quân đội. Bất cứ một cuộc diễu binh, diễu hành nào từ cấp nhà nước đến các địa phương, toàn quân, toàn dân ta đều đi theo nhịp Tiến bước dưới quân kỳ.

Tiến bước dưới quân kỳ chốt lại một giai đoạn sáng tác đầy sức trẻ, với tư thế hiên ngang của một người lính bộ đội Cụ Hồ. Năm 1958, anh đã được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhận Huân chương Lao động hạng ba.

Năm 1965, trở lại với Cửa Tùng, với chiến trường Khu 4 đầy gian nan nguy hiểm trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Doãn Nho đã cho ra đời ca cảnh Lá đơn tình nguyện, ca cảnh này thể hiện sự hài hước dí dỏm đầy chất trào lộng. Có đoạn đã trở thành câu cửa miệng của những thanh niên trên đường ra trận. Họ trêu nhau bằng một câu ấn tượng nhất trong ca cảnh “Thanh niên gì mà thanh niên thế… hừ ứ”. Các nhà tuyên huấn đã phải cảm ơn Doãn Nho và ê-kíp làm ca cảnh của anh đã khai thác đúng tâm trạng thanh niên lần đầu ra trận.

Năm 1966, anh cùng vợ - chị Nguyệt Ánh, cũng là một nghệ sĩ của Đoàn ca múa Quân đội đi chiến trường Tây Nguyên. Người ta thường ví chiến trường này như cái túi đựng B52 và nơi đây cũng đói vàng mắt như những nơi ác liệt nhất của miền Nam. Với bút danh Ánh Quyên, anh đã cho ra đời một loạt ca khúc như Chị em ta đi làm nương, Cách mạng, Bài ca Kopakolon, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác và đặc biệt là bài Quả bom câm đúng chất hài của Doãn Nho. Bài ca này đã đi theo Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị suốt thời đánh Mỹ, được bộ đội và nhân dân luôn reo hô: diễn lại! Nó cũng là bài hát được thính giả nhiều lần yêu cầu phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mùa xuân Mậu Thân 1968, mùa xuân tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam, anh đã có bản giao hưởng Vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân và Mùa xuân lên đường trong tổ khúc hợp xướng 4 chương. Kết thúc giai đoạn này, anh lại được nhận Huân chương Chiến công hạng ba.

Doãn Nho chăm đi thực tế, anh thường “gạ” bạn bè, đồng đội đi thực tế với anh. Anh cho rằng chỉ có trong thực tế mới cơ may có thêm nhiều tư liệu và xúc cảm để sáng tác. Chính vì sự chăm đi thực tế mà anh đã gặp được La Thị Tám - và với những vần thơ của nhà thơ Phương Thúy, anh làm nên một Người con gái Sông La tuyệt đẹp. Và khi bài hát được cất lên bằng giọng cao chót vót của ca sĩ Tường Vy trên sân khấu của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị và trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, người nghe đã lặng người đi vì xúc động. Kể từ lần gặp năm 1970 đến 33 năm sau, năm 2003 Doãn Nho mới có dịp gặp lại La Thị Tám - nguyên mẫu của ca khúc Người con gái Sông La, hai người chụp chung với nhau một tấm ảnh trông rất “đẹp đôi”.

Tôi nhớ năm 1971, đúng năm quân dân ta thắng lớn ở đường 9 Nam Lào, giữa chiến trường Quảng Trị, Doãn Nho bắt gặp bài thơ Trên một chiếc xe tăng của Hữu Thỉnh, thế là ngay lập tức anh sử dụng giọng điệu Nghệ Tĩnh cho ra bài ca Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Bài ca không những nhanh chóng lan tỏa đi khắp các binh chủng trong toàn quân, đến với đồng chí, đồng bào trong cả nước, nó xuất hiện ở khắp Hội diễn Văn nghệ, nó vượt ra ngoài biên giới đến với Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Berlin năm 1973 và nhận huy chương vàng tại đây.

Năm 1977, tốt nghiệp Nhạc viện Ukraine với bản giao hưởng Chiến thắng, được đánh giá cao và nhiều lần phát trên Đài Truyền hình của Ukraine. Tác phẩm này cũng được Bộ Quốc phòng Việt Nam trao giải A năm 1979. Rồi anh có mặt kịp thời ở mặt trận phía Bắc và đã có ca khúc hợp xướng hoành tráng Vào trận. Anh còn ra tận Trường Sa để viết ca khúc Sơn ca trên đảo Sơn Ca được bình chọn là một trong 10 ca khúc hay nhất trong những năm 1994-1999.

Năm 1982, Doãn Nho bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine. Đây cũng là giai đoạn anh viết nhiều bản giao hưởng và những hợp xướng lớn như: Giao hưởng số 1 Tháng 8 lịch sử, giao hưởng số 2 Thánh Gióng, giao hưởng Khúc tưởng niệm, giao hưởng hợp xướng Có một Thăng Long, Nhịp sạp chiến thắng, thanh xướng kịch Khúc khải hoàn, Khúc biến tấu tùy hứng… Viết cho các kịch múa lớn như: Một thời và mãi mãi, Trẩy hội Đền Hùng, Những con người của biển…

Nói đến Doãn Nho, ta có thể hình dung ra một nhạc sĩ, đại tá đã đi đúng hướng: hai chân, ba mũi giáp công. Hai chân là: một chân sáng tác âm nhạc và một chân lý luận. Còn ba mũi giáp công là: mũi ca khúc, mũi giao hưởng và mũi thứ ba là phim và kịch nói. Một nhạc sĩ như thế ở nước ta không nhiều. Có thể nói anh thuộc vào những tên tuổi hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Đây là thành công, là hạnh phúc lớn của một nhạc sĩ suốt cuộc đời Tiến bước dưới quân kỳ.

KHẮC TUẾ

Tin cùng chuyên mục