Quá lố!

Chương trình truyền hình là nơi tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người, ở đó họ có được niềm vui, sự thư giãn thoải mái sau ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng thời gian gần đây, xuất hiện nhiều chương trình với những chiêu trò quá lố, phản cảm trên như chương trình “Tôi dám hát” phát trên kênh YANTV và VTV6 vào lúc 21 giờ tối thứ tư hàng tuần. Đây là chương trình mà khán giả và các nghệ sĩ sẽ được thử thách khả năng ca hát, mức độ quyết tâm và sự can đảm thông qua từng thử thách ở mỗi vòng chơi. Vậy nhưng, nhiều trò trong số đó khiến người xem liên tưởng đến những kiểu tra tấn thời trung cổ.

Vẫn biết đây là sân chơi, mọi chiêu trò đều được kiểm duyệt về độ an toàn cho người chơi, thế nhưng nó thực sự chưa phải là chương trình giải trí, chưa đem lại hiệu quả thư giãn cho cả người chơi và khán giả. Với những chiêu phản cảm như cho trăn, rắn cuốn vào cổ; thả gián vào người; thả xuống bể gồm cá, rắn, lươn, thậm chí chích điện để cản lời hát của người chơi đã khiến không chỉ người chơi phát khóc mà nhiều khán giả cũng không khỏi rùng mình, ghê sợ.

Đơn cử như đứa cháu gái lên 10 của tôi vô tình xem chương trình này, cháu bật khóc khi thấy cảnh con trăn hàng chục ký quấn lấy người chơi trước sự la hét hoảng sợ xen lẫn tiếng cười từ ban giám khảo và khán giả. Bản thân tôi cũng bị ám ảnh với cảnh hàng chục con rắn, lươn lúc nhúc trong bể nước quấn lấy người chơi. Sợ rằng mình quá nhút nhát nên mới thấy chương trình này phản cảm nên tôi đã tìm hiểu trên mạng thì thấy không ít khán giả cũng phản ứng trên Internet. Liệu rằng người thân, cha mẹ của người chơi sẽ như thế nào khi chứng kiến cảnh con mình bị “hành hạ” để mọi người cười?

Khán giả phản ứng nhất là chiêu trò chích điện vào người chơi. Đó là trường hợp của đồng đội ca sĩ Phạm Quỳnh Anh phát sóng trong tập 3, khi cô bé này hoàn toàn bình thản trước rắn, trăn thì lập tức được ban tổ chức gắn lên người thiết bị để chích điện. Sau khi chương trình kết thúc, cô bé đó còn thể hiện rõ vẻ sợ hãi nhưng ban giám khảo vẫn nhận xét rằng họ chưa được thăng hoa vì người chơi vẫn còn né tránh thử thách.

Phải chăng chương trình cần đầu tư hơn về tư duy âm nhạc kết hợp với những chiêu trò ở mức độ vừa phải như thử thách leo xà, đấu vật, nhảy dây, tính toán… nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của người chơi nhưng họ vẫn bình tĩnh để cất lên tiếng hát đúng đáp án có lẽ sẽ hấp dẫn hơn. Vẫn biết rằng muốn thu hút sự chú ý của khán giả thì phải tạo sự độc đáo, mới lạ nhưng cũng cần quan tâm đến yếu tố giải trí lành mạnh đúng nghĩa.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục