Lo ngại bia Quốc học biến dạng

Tọa lạc ở phía bờ Nam sông Hương (trước mặt Trường THPT Chuyên Quốc học Huế), bia Quốc học là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của Huế trong bối cảnh tiếp xúc giao lưu Việt – Pháp. Vì lẽ đó nên khi UBND TP Huế triển khai dự án trùng tu, cải tạo công trình này đã khiến nhiều người âu lo kiến trúc sẽ thay đổi, biến dạng.
Lo ngại bia Quốc học biến dạng

(SGGPO).- Tọa lạc ở phía bờ Nam sông Hương (trước mặt Trường THPT Chuyên Quốc học Huế), bia Quốc học là công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của Huế trong bối cảnh tiếp xúc giao lưu Việt – Pháp. Vì lẽ đó nên khi UBND TP Huế triển khai dự án trùng tu, cải tạo công trình này đã khiến nhiều người âu lo kiến trúc sẽ thay đổi, biến dạng.

Quá trình tiếp xúc văn hóa, văn minh Pháp - Việt ở Huế từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đã định hình nên nhiều hệ giá trị mới với tinh thần hòa hợp “Đông Tây hội ngộ”, nhất là sự ra đời các công trình tân - cựu trên đường Jules Ferry (nay là Lê Lợi, TP Huế).

Trong xu hướng Âu hóa đó, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (dân gian gọi bia Quốc học) là công trình lịch sử mới mẻ trong tâm thức người Huế, tiêu biểu cho lý thuyết tượng đài theo văn minh Tây phương. Ở đó, trên phông nền chung thì văn hóa Việt vốn chú trọng nghi lễ, đã xuất hiện những “tượng đài” vật chất chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng.

Ông Nguyễn Đình Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (chủ đầu tư) cho biết, công trình xây dựng vào năm 1920 nhằm tưởng niệm 31 người Pháp từng sống ở Huế - miền Trung năm 1914 và 78 người Việt miền Trung đã vong thân trong Thế chiến I. Nhưng công trình hiện xuống cấp trầm trọng. Trong đó, tường bao bên ngoài đã bị xóa sổ, bậc cầu thang đổ nát, nền móng tường bia bị đứt gãy, những hoa văn khắc trang trí hư hại không còn nguyên vẹn. Hai trụ biểu bình phong cũng bị vỡ, rơi rụng lấn sâu vào thân cột, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

“Với tư cách đơn vị quản lý, chúng tôi báo cáo UBND TP. Huế. Sau đó, UBND TP Huế đã cho kiểm tra thực tế và xác định đúng như báo cáo. Trước khi có chủ trương đầu tư nâng cấp, UBND TP Huế đã mời đại diện các sở, ban ngành liên qua để tham khảo ý kiến”, Ông Cẩn phân trần.

Trùng tu công trình bia Quốc học

Bia Quốc học là công trình xây dựng hài hòa với môi trường, không gian kiến trúc sông Hương và Trường THPT Chuyên Quốc học Huế nên việc trùng tu cần cẩn trọng. Ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, thành viên tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo bia Quốc học cho biết, bia Quốc học đang được đối xử như một di tích bởi nó có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của Huế. Sử dụng khái niệm trùng tu và cải tạo nghe lớn lao. Nhưng thực chất ở đây chỉ là tu bổ và có một chút tôn tạo phần móng, tô trát lớp vữa bong tróc, lợp lại ngói ống men vỡ, phục hồi các con giống có gắn sành sứ, tu bổ các họa tiết trang trí hư hỏng… Tất cả các quy trình đều được thực hiện đúng quy định. Bước đầu khảo sát đánh giá đo vẽ hiện trạng, tiếp đến nghiên cứu tư liệu lịch sử sau đó đưa ra hai hướng tu bổ. Hướng thứ nhất, gia cố nền, móng, tường, chống nứt gãy, sụp đổ công trình. Hướng thứ hai, đi sâu vào họa tiết trang trí, ốp gắn sành sứ, đắp nổi tô màu, ốp hoa văn trang trí gạch men.

“Sẽ không có một sự thay đổi nào về mặt hình thức kiến trúc hoặc biến dạng công trình. Có chăng chỉ là một chút thay đổi về màu sắc tươi mới hơn, không còn rêu phong như trước khi trùng tu”, ông Lê Văn Quảng khẳng định.

Bia Quốc học là nơi thường xuyên tổ chức các lễ hội ''đinh'' tại các kỳ Festival Huế

Nhiều người dân cũng như giới nghiên cứu tại Huế có chung nhìn nhận, trước khi trùng tu bia Quốc học, UBND TP Huế đáng ra cần tổ chức hội đàm khoa học để tiếp thu ý kiến giới nghiên cứu, các nhà văn hóa Huế và một số đơn vị liên quan khảo sát lại thực tế hiện trường để giúp đơn vị thi công làm tốt hơn. Đặc biệt, cần phải có sự thống nhất về tên gọi công trình. Hơn nữa, đây là công trình kiến trúc, văn hóa đặc biệt nhưng TP Huế lại giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện, chứ không có sự tham gia trực tiếp từ phía các cơ quan văn hóa.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục