Taekwondo - bao giờ trở lại đỉnh cao?

Sau chiếc HCB danh giá của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney năm 2000, taekwondo Việt Nam trắng tay tại 3 kỳ Olympic tiếp theo (Athens 2004, Bắc Kinh 2008 và London 2012). Trên đấu trường châu lục, taekwondo nước ta cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay ở khu vực Đông Nam Á, thành tích của taekwondo Việt Nam cũng sa sút. Tại 2 kỳ SEA Games 2009 và 2011, taekwondo Việt Nam chỉ giành được 3 HCV/kỳ.
Taekwondo - bao giờ trở lại đỉnh cao?

Sau chiếc HCB danh giá của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney năm 2000, taekwondo Việt Nam trắng tay tại 3 kỳ Olympic tiếp theo (Athens 2004, Bắc Kinh 2008 và London 2012). Trên đấu trường châu lục, taekwondo nước ta cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay ở khu vực Đông Nam Á, thành tích của taekwondo Việt Nam cũng sa sút. Tại 2 kỳ SEA Games 2009 và 2011, taekwondo Việt Nam chỉ giành được 3 HCV/kỳ.

Trước thực tế này, Bộ môn Taekwondo (Tổng cục TDTT) và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đang củng cố lực lượng để cải thiện thành tích trên đấu trường quốc tế. Với sự hỗ trợ của một công ty Hàn Quốc, 10 nữ võ sĩ trẻ đấu đối kháng đã được chuyên gia Jun Jang Hee hướng dẫn tại Đà Nẵng từ đầu tháng 5-2013. Đây là các VĐV sinh giai đoạn 1997 - 1998 được đích thân chuyên gia tuyển chọn để chuẩn bị cho vòng loại Olympic trẻ 2014, xa hơn là Olympic 2016 và đặc biệt là Asian Games 18-2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Tuy nhiên, trong lần ra quân thử lửa tại giải vô địch trẻ châu Á ở Indonesia vừa kết thúc cách nay 2 tuần, kết quả vẫn chưa có gì phấn khởi khi chỉ được 2 HCĐ nội dung đối kháng. Hầu hết các VĐV Việt Nam đều thua ngay từ trận đầu, trong lúc Lào và Philippines đã có tiến bộ. Ở đội dự tuyển quốc gia, những gương mặt sắp bước qua thời kỳ đỉnh cao vẫn còn phải tiếp tục cài ải.

Các tuyển thủ taekwondo Hàn Quốc tập luyện với thiết bị được vận dụng khoa học công nghệ - điều kiện rất cần được taekwondo Việt Nam đầu tư để phát triển.

Các tuyển thủ taekwondo Hàn Quốc tập luyện với thiết bị được vận dụng khoa học công nghệ - điều kiện rất cần được taekwondo Việt Nam đầu tư để phát triển.

Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để từng phát biểu: “Để giành được huy chương ở Asian Games và Olympic, các nước đều đầu tư hơn chúng ta rất nhiều lần”. Chẳng nói đâu xa, sau một thời gian thua sút Việt Nam, Thái Lan đã đưa một số tuyển thủ sang Hàn Quốc tập huấn dài hạn.

Từ đó, Thái Lan tiến lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đã 2 lần bước lên bục nhận huy chương tại đấu trường danh giá Olympic khi Buttree Puedpong giành HCB ở Bắc Kinh năm 2008 rồi Chanatip Sonkham nhận HCĐ tại Luân Đôn năm 2012.

Việc võ sĩ Việt Nam thiếu tập luyện với giáp điện tử cũng là một trở ngại lớn khi bước vào đấu trường quốc tế. Hoặc hình ảnh các tuyển thủ Hàn Quốc tập đá trên máy chạy với mục tiêu được gắn cố định phía trước đã thể hiện những bước tiến trong việc vận dụng khoa học công nghệ khi tập luyện taekwondo mà có lẽ đối với Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ.

Ngay cả kinh phí thi đấu cũng hạn hẹp - Tổng cục chỉ chi cho 6 VĐV dự giải trẻ châu Á vừa qua, số còn lại hơn 10 VĐV do địa phương tự lo liệu. Ít được cọ xát, VĐV thiếu kinh nghiệm quốc tế và HLV cũng không thể nâng cao được trình độ. Một HLV bày tỏ: “Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc đều có tình nguyện viên Hàn Quốc nhưng vẫn chưa bật lên nổi, thật đáng lo…”.

Từ nay đến Olympic 2016 còn khoảng 3 năm, và hơn 5 năm để chuẩn bị cho Asian Games 2019. Nếu không có chiến lược dài hơi, sự đột phá và tập trung đầu tư một cách quyết liệt, bao giờ taekwondo Việt Nam mới trở lại đỉnh cao như thời kỳ Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống (HCV Asian Games) hay Trần Hiếu Ngân nơi đấu trường Olympic, khi cuộc cạnh tranh giữa các nước ngày càng gay gắt?

NGỌC THIỆN

Tin cùng chuyên mục