Người về hưu: Bài 1: Cái giá của 75%...

Đấy là ông bà, cha mẹ, anh chị ta

Những ngày này chuyện lương bổng lại nóng lên, vì đã eo hẹp nay càng thắt ngặt hơn khi giá cả mọi mặt hàng cứ leo thang liên tục, khiến người ăn lương đã khó thở, người về hưu càng khó thở hơn. Và “Một thắc mắc chuyển lên Quốc hội – Cách tính lương hưu, một dấu hỏi” (SGGP ngày 7-11-2007) đã thực sự buộc người ta phải ngoái đầu nhìn lại xem người về hưu sống ra sao khi lương của họ không phải là 75% lương thực tế lúc tại vị mà chỉ còn chừng 20%-25% mà thôi!

Và có một câu hỏi xem ra rất giản dị nhưng rất cần được trả lời một cách thấu đáo, đủ đầy, mà đã lâu lâu rồi, ít nhất là từ cái thời “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện những năm 80 của thế kỷ trước, nó đã được khơi gợi như một nỗi đau khó hiểu! Vậy mà đến nay... nó vẫn có vẻ khó hiểu như vậy! Người về hưu là ai? Họ cần phải được đối xử ra sao?

Đấy là ông bà, cha mẹ, anh chị ta

Máy móc mà nói như máy rằng theo khoản 1, tiết a và khoản 2 tiết a, điều 145 Bộ luật Lao động của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực từ 1-1-1995, thì những người đã làm việc trong bộ máy Nhà nước từ 15 năm trở lên, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi là đủ tuổi về hưu và được hưởng các tiêu chuẩn chế độ cán bộ viên chức hưu trí. Nhưng xét tầm vĩ mô, phải hiểu một cách sâu sắc và đủ đầy, rằng người về hưu chính là tấm gương phản ánh xã hội.

Đối với gia đình, người về hưu chính là ông bà, chú bác, anh chị ta, những người đã lao động gần hết cuộc đời mình vì con vì cháu, nay cần được nghỉ ngơi, và tương lai không xa chính là chúng ta đấy.

Với xã hội, người về hưu là người đã được Nhà nước “đóng mộc” cho nghỉ và được hưởng các chế độ và chính sách của Nhà nước. Điều đó có nghĩa là người về hưu được thừa nhận đã hoàn thành nghĩa vụ với xã hội, nay được cho nghỉ an hưởng tuổi già (không phải bị về hưu), không phải lao động mà vẫn được (hưởng chế độ) đài thọ đến mãn chiều xế bóng.

Như vậy xét dưới góc độ nào, người về hưu cũng đáng được kính trọng, đáng được chăm sóc đàng hoàng. Thế nhưng hiện trạng trong số những người về hưu còn có cả những tướng tá, những bậc lão thành cách mạng, những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho ngày hôm nay, vậy mà chỉ vì cái đồng lương hưu thực tế không đủ tự trang trải cho mình!

Những con số khiến... giật mình suy ngẫm!

Vẫn theo nguồn từ Bộ LĐTB-XH, trong hơn 7 triệu người cao tuổi có những con số cần in đậm và tô đỏ lên: 10.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 30.000 cán bộ cách mạng từng bị tù đày, 1.700.000 cựu chiến binh, 100.000 cựu thanh niên xung phong… Và cũng không ít trong số này là nạn nhân chất độc da cam, có khi cả gia đình vợ chồng, con cái họ đang sống những ngày đau đớn cùng cực cả thể xác lẫn tinh thần.

Những người về hưu đã và đang sống như thế nào, báo chí cũng đã nói rất nhiều. Có lẽ cũng không cần hài thêm nữa, chỉ cần nói ngắn gọn một câu rằng dù mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng chẳng ai sống được chỉ bằng lương hưu. Và dù giải thích cách nào đi chăng nữa, rằng nguồn tài chính không đủ, rằng cuối thì cũng phải căn cứ trên năng suất lao động… Không thể khác được (chuyện này chắc hẳn đúng không, xin bàn ở một dịp khác) thì cũng phải thừa nhận rằng đến lúc này chúng ta vẫn chưa lo được tốt cho người về hưu.

Một lực lượng đặc biệt hùng hậu bị lãng quên

Lại xin cung cấp cho bạn đọc một loạt những con số đáng lưu tâm khác mà khi biết, chắc chắn bạn đọc sẽ phải giật mình và phải thừa nhận, người về hưu hiện rất hùng hậu, nhưng… bị lãng quên một cách rất lãng phí. Trong số 1,4 triệu người về hưu hiện có tới 79.153 cử nhân, kỹ sư, 89.140 trung học chuyên nghiệp, 66.618 công nhân kỹ thuật cao.

Đặc biệt loại lao động có hàm lượng chất xám cao, không phải có tiền, có thời gian mà đào tạo được, đó là các giáo sư, phó giáo sư ở các lĩnh vực, thì người về hưu chiếm tới 40% của cả nước với 2.554 người, và còn có 3.267 tiến sĩ, 1.427 thạc sĩ.

Chính điều này đã gây bức xúc cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân ngay khi ông vừa nhận chức đã đề xuất với Chính phủ để được mời những người về hưu mà ông cho rằng còn đủ sức, đủ tài làm việc lại. Những giáo sư, tiến sĩ này bây giờ có làm gì ở đâu không? Hình như các cơ quan hữu trách không mấy quan tâm.

Và trong 100 Anh hùng thời kỳ đổi mới, có 29 người là cán bộ viên chức hưu trí.

Chắc chắn có ý kiến: Người về hưu là phải nghỉ dưỡng, tại sao lại có chuyện làm lụng? Vâng đúng vậy. Nhưng hãy nghe chính một người về hưu tâm sự: Sẽ thật giả dối nếu nói rằng cuộc sống chúng tôi không khó khăn. Nhưng nếu chỉ vì miếng cơm manh áo thì ngày xưa chúng tôi đâu cầm tầm vông giáo mác dựng cờ cách mạng? Chúng tôi còn sức và chúng tôi muốn làm việc trong phạm vi sức lực của mình. Một phần là để góp sức với Nhà nước trong việc tháo gỡ những khó khăn cho chính người về hưu, một phần để cho những năm tháng cuối đời thêm hữu ích (Báo SGGP 4-10-1987 – cách đây đúng 20 năm mà hình như vẫn còn nguyên giá trị).

Liệu có nên và có ai giúp mong muốn chính đáng của người về hưu thành hiện thực, khi mà chúng ta chỉ quản họ bằng những tiêu chuẩn, chế độ… không còn phù hợp?

Kỳ tiếp: Chế độ chính sách có đủ, nhưng...

Nghiêm Minh

Tin cùng chuyên mục