Công nhân trong mùa “bão giá”

Nhọc nhằn, kham khổ!

Làm không đủ ăn
Nhọc nhằn, kham khổ!

Tan ca, chị Đỗ Thị Như, công nhân Công ty Nghiệp Phát - Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ghé vào sạp trái cây. Lâu lắm rồi, cả phòng không biết đến mùi trái cây. Hôm nay, chị vừa được tạm ứng tiền lương. Chọn một trái xoài cát đặt lên bàn cân, chị Như choáng váng khi nghe người bán hàng báo giá: Nửa ký, ba chục ngàn! 30.000 đồng một trái xoài trong khi tiền lương mỗi ngày của Như chỉ có 24.000 đồng mà không phải ngày nào cũng có việc. Như cúi mặt, líu ríu dắt xe đi…

Làm không đủ ăn

Nhọc nhằn, kham khổ! ảnh 1

Mỗi sạp đậu hũ thế này bán được gần 5.000 miếng/buổi chiều cho công nhân. Ảnh: M.Hg

Rời hàng trái cây, lần lựa mãi, cuối cùng thì chị Như cũng chọn mua một con cá điêu hồng lở mình với mức giá 27.000 đồng/kg. Bữa ăn chiều của 3 chị em như vầy là sang lắm. Như cười như mếu: “Cá loại này trước có 18.000-20.000 đồng/kg. Giờ cái gì cũng lên. Thịt đùi bữa trước giá chỉ 32.000 đồng/kg, nay lên 60.000 đồng/kg. Công nhân không ai dám ăn thịt. Lâu rồi nhà mình mới dám mua cá”.

2 năm làm ở Công ty Nghiệp Phát, Như vẫn không được ký hợp đồng, không được hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm nào. Tháng nào tăng ca liên tục, có bữa tăng ca tới sáng thì nhận được gần 1,2 triệu đồng. Tháng 10 vừa rồi, công ty không có hàng làm, chị chỉ nhận được 800.000 đồng. 2 em của Như: Thúy làm công nhân ở Công ty Bánh kẹo Asset, lương mỗi ngày được 25.000 đồng, Điệp làm ở Công ty Bao bì giấy VisingPack, lương mỗi tháng 1,3 triệu đồng.

Với tổng cộng chưa đầy 2,7 triệu đồng mỗi tháng, 3 chị em phải trả hết 450.000 đồng tiền nhà, hơn 100.000 đồng tiền điện, nước. Hơn 2 triệu đồng còn lại là chi phí ăn, uống, đau ốm cho 3 con người trong suốt 30 ngày dài. Giá cả ngoài chợ vẫn tăng đến chóng mặt. Bài toán chi tiêu của Như gần như không tìm được lời giải. Thúy, em Như kể: “Lúc trước, gạo loại rẻ nhất giá chỉ 5.000 đồng/kg giờ đã lên 6.500 đồng/kg. Làm được đồng nào cứ đổ ra ăn. Giá mà lên hoài chắc có lúc phải ăn cháo. Mấy tháng liền, 3 chị em không gửi được đồng nào về quê”.

Có mặt trước cổng các KCX-KCN sau giờ tan ca, chúng tôi nhận thấy các xe hủ tiếu gõ, mì gõ rất đắt khách. Đang ăn tô cháo lòng có giá 4.000 đồng, Thu Trang, công nhân Công ty Freetrend, Khu chế xuất Linh Trung thú thật: “Bữa nay em không nấu cơm, ăn vậy rồi về. Tháng này chưa lãnh lương mà đi chợ thì đắt đỏ. Mấy chị trong phòng, tối nào tăng ca tới 10 giờ về cũng chỉ mua 2.000 đồng cá khô ăn với cơm nguội hoặc mì gói dằn bụng rồi ngủ”.

Muối cũng lên giá

TPHCM: Khảo sát thực trạng đời sống công nhân

Ngày 30-11, Sở LĐTB-XH TPHCM đã tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành, đoàn thể, phòng LĐTB-XH quận huyện để lấy ý kiến về kế hoạch khảo sát, đánh giá tình hình chính sách pháp luật và thực trạng đời sống công nhân trong các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Dự kiến cuộc khảo sát sẽ bắt đầu từ ngày 5 đến 25-12, sau đó sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP về thực trạng đời sống công nhân, quan hệ lao động trong các DN, qua đó, đề xuất các giải pháp xây dựng quan hệ lao động lành mạnh để hạn chế tranh chấp lao động. Tổ khảo sát gồm đại diện các sở ban ngành sẽ tiến hành khảo sát khoảng 12 DN trong nước nằm ngoài các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), 11 DN có vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN-KCX và các khu nhà trọ tập trung đông công nhân thuộc các quận 7, 8, 9, 12, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Việc khảo sát, đánh giá thực chất đời sống của công nhân trong tình hình hiện nay như thu nhập và các khoản chi tiêu cho cuộc sống, các nhu cầu bức xúc, phát sinh hiện nay về nơi ở của công nhân lao động, tìm hiểu sâu hơn các hoạt động đời sống của công nhân ở các khu nhà trọ – theo ý kiến của đại diện các sở, ban ngành tại TP – là hết sức cần thiết để có thể có các chính sách, quy định phù hợp cho công nhân thời gian sắp tới.

H.N.L.

Chú Hai Sang, chủ tiệm tạp hóa ở gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc chép miệng: “Chưa từng thấy! Cái gì cũng lên! Tụi công nhân ra mua đồ than quá mà bớt đâu có được. Ngay cả bịch muối trước có 1.000 đồng giờ lên 1.500 đồng. Gạo ngang lúc trước giá 6.000 đồng/kg giờ lên 8.500 đồng/kg. Giá đường cát trắng tăng thêm một ký 2.000 đồng. Dầu ăn 18.000 đồng/lít lên 22.000 đồng/lít. Ngay cả những thứ nhu yếu phẩm như đường, gạo, mắm, muối cũng lên chóng mặt như vậy thì đến tui cũng khổ… Mấy cháu công nhân ít tiền. Cuối tháng, tụi nó ra mua thiếu. Không bán thì tội mà bán hoài thì... kẹt!

Ở khu chợ tự phát gần Công ty PouYuen và Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, quầy đắt nhất là các hàng đậu hũ. Anh Sơn - chủ một sạp bán đậu hũ cho biết: Mỗi chiều tan ca, sạp đậu hủ của tui bán ít nhất cũng được 4.000-5.000 miếng. Miếng nhỏ thì cứ 1.000 đồng/3 miếng. Thứ gì cũng lên nên đậu hũ bán được lắm. Để giữ giá, tụi tui phải cắt miếng đậu nhỏ lại một chút. Sau đậu hũ, trứng vịt không nhãn mác là loại thực phẩm đắt hàng thứ hai. Tháng trước, giá các loại trứng không rõ nguồn gốc này chỉ 1.000 đồng, nay cũng lên 1.300 đồng/trứng.

Chiều 29-11, tại khu chợ tự phát gần Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, khi đội quản lý thị trường quận tiến hành kiểm tra các hàng bán gà, vịt, trứng không có dấu kiểm dịch, các chủ hàng lập tức tẩu tán hàng vào các nhà lân cận. Nhưng khi đội vừa rút, thịt gà, trứng không rõ nguồn gốc lại được bày ra. Thím Hai bán rau muống ở chợ nói: Dẹp không được đâu. Những hàng đó giá rẻ, công nhân rất hay mua nên lúc nào cũng có người bán.

Trần Thị Nhung, công nhân Công ty Freetrend, cho biết: “Mình tính ráng gượng cho tới tết, lãnh tiền tết của công ty rồi về quê luôn. Tiền lãnh tết có lẽ cũng chỉ đủ tiền tàu về quê. Ở TP cái gì cũng tiền, chịu hết xiết”.

Giống như Nhung, hai chị em Như, Điệp cũng sẽ về quê. Công ty Như ngày càng hiếm hàng, khâu giao, nhận giờ lại không được trả công. Số tiền 800.000 đồng/tháng có lẽ tháng sau cũng khó mà nhận đủ. Nhiều công nhân bất mãn cũng đang muốn nghỉ, trở vê quê. Những cơn bão giá “quét” đi “quét” lại nhiều lần đã khiến nhiều công nhân không còn đủ sức cầm cự, bám trụ lại TP. Với họ, viễn cảnh trở về quê với hai bàn trắng, với sức lao động đã hao tổn, với tuổi xuân đã qua, đang đến rất gần…

Đoàn Mai Hương

Tin cùng chuyên mục