Du lịch sinh thái vườn Long Khánh

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 90km, từ lâu Long Khánh (Đồng Nai) đã được biết đến là nơi có nhiều loại trái cây ngon nức tiếng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, mít, nhãn… Những năm gần đây, việc đưa vào sử dụng đường cao tốc TPxxHCM - Long Thành - Dầu Giây đã mở thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái vườn cho mảnh đất này.

Thưởng thức chôm chôm tại vườn là thú vui của người dân địa phương và du khách. Ảnh: VĂN HỢP
Thưởng thức chôm chôm tại vườn là thú vui của người dân địa phương và du khách. Ảnh: VĂN HỢP

Liên kết làm du lịch sinh thái vườn

Nơi khởi phát làm du lịch sinh thái vườn của TP Long Khánh là xã Bình Lộc. Nơi đây có diện tích đất trồng cây ăn trái lớn nhất của thành phố với nhiều nhà vườn có truyền thống trồng cây ăn trái. Và cơ sở đi đầu trong làm du lịch sinh thái vườn chính là vườn Út Tiêu. Đến nay, vườn Út Tiêu ngày càng hoàn thiện về dịch vụ như bãi đậu xe, xe đưa khách tham quan, hướng dẫn viên, ăn uống, lưu trú và hiện là mô hình điểm về du lịch sinh thái vườn của TP Long Khánh.

Để phục vụ cùng lúc nhiều đoàn khách, vườn Út Tiêu đã liên kết với nhiều vườn trái cây khác, thành lập Tổ hợp tác du lịch sinh thái vườn với 14 cơ sở chuyên làm du lịch và liên kết thêm với 40 vườn khác cùng làm du lịch sinh thái vườn. Theo đánh giá của lãnh đạo xã Bình Lộc, mô hình này đã giúp nâng giá trị vườn cây, phát huy hiệu quả kinh tế vườn; nhất là với những hộ có diện tích nhỏ khi tham gia mô hình du lịch sinh thái vườn, tham gia cung cấp các dịch vụ tham quan du lịch đã giúp tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, TP Long Khánh đã chủ động tổ chức tuần lễ trái cây đang vào vụ thu hoạch. Qua các lần tổ chức, lượng khách đến mỗi năm mỗi tăng. Trong đó, Tuần lễ tôn vinh trái cây và sản phẩm OCOP năm 2023 diễn ra trong hơn 4 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi đã thu hút hơn 70.000 lượt khách tham quan mua sắm và trải nghiệm du lịch vườn. Sản lượng trái cây, nông sản được trưng bày và tiêu thụ ước đạt hơn 80 tấn, phục vụ hơn 3.500 lượt người/ngày.

Xây dựng điểm đến của miền Đông

Cái khó của Long Khánh hiện là các sản phẩm nông nghiệp mang tính mùa vụ rất cao nên hoạt động du lịch sinh thái vườn cũng chỉ tập trung trong mùa hè, còn các tháng khác rất vắng khách. Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc, nhìn nhận: “Vướng mắc lớn nhất của mô hình du lịch sinh thái vườn là chỉ mới đáp ứng được 3-4 tháng du lịch thời vụ, thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8. Ngoài các tháng cao điểm mùa vụ ra, hiện vẫn chưa thu hút được khách, nghĩa là vẫn chưa mang tính bền vững cao và xã đang tìm hướng phát triển thêm”.

Có 2 giải pháp có thể giúp ích cho TP Long Khánh trong việc định hình điểm đến chính là phát triển dịch vụ và cải tạo các giống cây trái có thời điểm thu hoạch trái mùa để kéo dài thời gian du lịch trong năm. Long Khánh có nhiều biệt thự cổ châu Âu của giới chủ đồn điền cao su người Pháp còn giữ lại được đến ngày nay nên được xem là “Đà Lạt của miền Đông”. Các biệt thự lộng lẫy, cổ kính này tập trung phần lớn ở phường Suối Tre và đang do Công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Nếu biết khai thác thì sẽ hình thành thêm các tour tham quan kiến trúc biệt thự cổ kết hợp với thưởng thức trái cây tại vườn. Có thể chọn nâng cấp một số biệt thự để đón khách nghỉ lại, hoặc làm nơi tổ chức các sự kiện để thu hút khách đến.

Với chủng loại trái cây, có thể chọn giống chôm chôm tróc, một loại trái cây đặc sản của Long Khánh. Chôm chôm Long Khánh có vỏ màu đỏ, hoặc đỏ đậm, vị ngọt. So với các giống chôm chôm nhập từ Thái Lan thì chôm chôm Long Khánh có lượng đường ít nên rất được thị trường ưa chuộng. Loại chôm chôm này đã được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, do giá bán chôm chôm tróc không bằng chôm chôm Thái hay sầu riêng nên diện tích ngày càng bị thu hẹp, trong đó riêng xã Bình Lộc từng có đến 1.000ha chôm chôm các loại thì nay chỉ còn lại chưa đến 30%. Và dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhưng với đà này, chôm chôm tróc trở thành “thiểu số” ngay chính trên sân nhà của mình.

Đồng chí Phạm Văn Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Long Khánh, cho biết, nguyện vọng và tâm tư của bà con nông dân là nhà nước cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để khuyến khích, khôi phục, gìn giữ và phát triển sản phẩm chôm chôm tróc trên diện rộng; trong đó có việc xây dựng mô hình GlobalGap cho cây chôm chôm tróc, xây dựng thương hiệu quốc gia “chôm chôm tróc Long Khánh”…

Tin cùng chuyên mục