Thuê giám đốc nước ngoài: Luật cho nhưng... hiếm nguồn

Mò kim đáy biển
Thuê giám đốc nước ngoài: Luật cho nhưng... hiếm nguồn

Trong giai đoạn đất nước hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, xu hướng thuê giám đốc điều hành, đại diện pháp luật là người nước ngoài cho các công ty trong nước đang trở thành một giải pháp mà nhiều doanh nghiệp nghĩ đến. Chính phủ cũng đã có chủ trương về việc này. Tuy nhiên, cho đến nay, theo số liệu của chúng tôi, số giám đốc nước ngoài được thuê một cách chính thức, theo đúng các quy định của pháp luật, dường như vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

Mò kim đáy biển

Thuê giám đốc nước ngoài: Luật cho nhưng... hiếm nguồn ảnh 1

Các doanh nghiệp Việt Nam được sự điều hành của chuyên gia nước ngoài sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn. Ảnh: H.N.

Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định về việc bổ nhiệm và thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty (tạm gọi chung là giám đốc - GĐ) làm đại diện pháp luật. Thông tư 03-2006 của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng hướng dẫn rõ các điều kiện để người nước ngoài trở thành người đại diện theo pháp luật cho DN VN là phải có bản sao hộ chiếu hợp lệ và thẻ thường trú do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp.

Một chuyên viên Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, tại TPHCM hiện chưa một công ty trong nước nào thuê được GĐ nước ngoài vì vướng quy định phải có thẻ thường trú. Bởi theo Pháp lệnh số 24/1999 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người nước ngoài muốn được cấp thẻ thường trú phải là người đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc; có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc VN; là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân VN thường trú ở VN. Nhiều chuyên gia tư vấn luật khẳng định, với những điều kiện như trên, số lượng người nước ngoài được cấp thẻ đã khó, tìm một chuyên gia đủ năng lực làm GĐ chẳng khác nào “mò kim đáy biển”!

Để tháo “nút thắt” trên, Chính phủ vừa có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, người nước ngoài được giao làm đại diện theo pháp luật của DN phải ở VN trong suốt thời hạn nhiệm kỳ và đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê GĐ, nếu dự thảo trên được thông qua, chắc chắn việc thuê GĐ là người nước ngoài sẽ được các DN quan tâm nhiều. Ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thiết kế DAS và Storm Eye cho rằng, việc phải trả lương hàng ngàn USD/tháng cho một GĐ nước ngoài là một gánh nặng, nhưng đây thực sự là một lợi thế trên thương trường khi mà cạnh tranh giữa các công ty trong và ngoài nước đang ngày gay gắt hơn.

Hiện nay, đã có hàng loạt công ty cho ra đời hoạt động cho thuê GĐ chuyên về các lĩnh vực như: Công ty Lantabrand cho thuê GĐ Thương hiệu; Công ty Tư vấn Tài chính Đầu tư PSV có dịch vụ cho thuê GĐ Tài chính… Nhiều công ty như Navigos Group, HRVietnam, NetViet… cung cấp nhân lực quản trị cấp cao tất cả các lĩnh vực khi nhà tuyển dụng có nhu cầu.

Cơ chế thù lao, mức độ ủy quyền: chưa rõ

Thuê giám đốc nước ngoài: Luật cho nhưng... hiếm nguồn ảnh 2

Đến bao giờ các công ty Việt Nam thuê được giám đốc nước ngoài có quyền trực tiếp tuyển chọn nhân sự cấp dưới như ông Chirs Harvey, Tổng Giám đốc Vietnam-works.com? Ảnh: N.L.

Đã có nhiều chủ DN có nhu cầu tuyển dụng GĐ người nước ngoài, ngay cả một số tổng công ty nhà nước cũng được Chính phủ cho phép thuê GĐ nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa thuê được.

Ngoài bất cập về quy định luật pháp, nguyên nhân quan trọng chính là vấn đề cơ chế hoạt động giữa chủ doanh nghiệp (người đi thuê) và GĐ (người làm thuê). Luật gia Vũ Xuân Tiền, GĐ Công ty tư vấn VFAM có ý kiến, rất cần một hành lang pháp lý cho việc thuê GĐ bởi việc thuê GĐ chỉ thông qua hợp đồng lao động là rất nguy hiểm cho chủ DN.

Với vị trí GĐ được thuê, họ có thể bội tín, chiếm đoạt tài sản và làm đơn xin thôi việc, chủ DN phát đơn kiện thì “được vạ, má đã sưng”! Theo bà Nguyễn Tịnh Tâm, Công ty luật PBCPartners: Lo ngại trên có cơ sở, nhưng không hoàn toàn đáng bận tâm, bởi trong Luật Doanh nghiệp đã có các điều khoản “trói buộc” GĐ được thuê nên họ không dễ chiếm đoạt tài sản DN.

Vướng mắc lớn nhất thuộc về cơ chế thù lao và mức độ ủy quyền giữa người đi thuê và người làm thuê. Mức lương hiện nay để trả cho một GĐ người nước ngoài hoàn toàn chưa có một chuẩn chung mà phụ thuộc vào khả năng tài chính và nhận thức chủ DN. Hầu hết chủ DN khẳng định, muốn thuê một chuyên gia có năng lực và kinh nghiệp điều hành thực sự, mức lương phải vài ngàn, thậm chí lên đến hàng chục ngàn USD.

Tổng GĐ Công ty Việt Hưng, Phan Công Minh còn cho rằng, vì có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của DN nên việc trả thù lao cho GĐ không đơn giản như với các chức danh bình thường khác. Ngoài lương, còn có cổ phần, quyền mua cổ phần, mức thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận công ty… Một khi các DN VN chưa tính toán được các khoản thù lao mà GĐ được nhận, hoặc gánh chịu cùng rủi ro (nếu như DN thua lỗ), thì việc thuê GĐ khó được xác lập mà nếu có thì không khác gì thuê một nhân viên giúp việc, một nhà tư vấn.

Mức độ ủy quyền của chủ DN cho GĐ làm thuê càng không rõ ràng trong nhận thức và cơ chế hiện nay. Trong một hội thảo về nhân lực do Công ty BCC tổ chức gần đây, các chủ DN VN đều có chung suy nghĩ: Có tiền thuê được người nhưng chưa chắc họ đã làm được việc. Thuê và bổ nhiệm làm GĐ, nhưng có cho họ quyền tuyển dụng, bố trí nhân lực cấp dưới hay không? Sự khác biệt văn hóa cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc điều hành của GĐ nước ngoài…

Ngọc Lữ

Thống kê của Sở LĐ-TBXH TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2007 đã cấp mới 448 và gia hạn 199 giấy phép lao động cho người nước ngoài. Trong đó, chưa có trường hợp nào đăng ký làm giám đốc đại diện cho công ty trong nước mà phần lớn chỉ là giám đốc bộ phận, quản lý, tư vấn…

Tin cùng chuyên mục