Sớm làm rõ việc bắt nhốt học sinh lớp 9

Sớm làm rõ việc bắt nhốt học sinh lớp 9

Báo SGGP vừa nhận được đơn kêu cứu của chị Trương Ngọc Yến (ở 104/12 Đinh Tiên Hoàng P1 Q.Bình Thạnh) về việc con trai của chị học lớp 9 (15 tuổi) bị Công an (CA) P1 Q.Bình Thạnh đến nhà bắt nhốt ở trụ sở CA phường. Điều này gây bức xúc cho gia đình và gây hoang mang, lo sợ cho con trai của chị.

Vì sao bắt nhốt trẻ vị thành niên?

Sớm làm rõ việc bắt nhốt học sinh lớp 9 ảnh 1

Chị Trương Ngọc Yến chỉ vết thương trên cổ của con trai.

Theo nội dung lá đơn, chị Yến trình bày: cháu Trần Thanh Tuấn (SN 1994), là học sinh lớp 9 Trường THCS Hà Huy Tập và sống với ông ngoại ở nhà số nhà nêu trên. Vào sáng 3-12, Tuấn xin ông ngoại một ít tiền, biết cháu dùng tiền chơi game nên ông ngoại của cháu không đồng ý, lớn tiếng nạt nộ, đánh cháu một cái rồi đi làm.

Khi ông ngoại của Tuấn vừa đi khỏi nhà thì có 2 người mặc đồng phục CA tên Kiệt và Khánh xuất hiện. Lúc này, cháu Tuấn đang đứng giữa sân uống nước, không hiểu vì sao nhà mình lại có mấy chú CA ghé thăm.

Không hề hỏi han và nêu lý do có mặt, 2 người cảnh sát này đã nạt nộ, yêu cầu cháu Tuấn lên trụ sở CA phường. Cháu Tuấn tỏ ý phản đối, không chịu đi. Ngay tức thì, cảnh sát tên là Khánh đã tát vào mặt cháu, sau đó 2 CA này đã dùng tay kéo mạnh cổ cháu, đẩy lên xe gắn máy, áp giải về CA phường. Do bị giằng co, xô xát mạnh nên cháu Tuấn bị thương nhẹ. Tại đây, Tuấn bị 2 chiến sĩ CA trên quát tháo, nạt nộ, bắt làm bản tường. “Sau khi sự việc xảy ra, vào buổi trưa tôi nhận được tin báo con trai mình bị CA phường 1 bắt nhốt, liền vội chạy đến nơi nhưng họ không cho phép gặp mặt con. Hơn 1 giờ sau, CA phường mới cho phép tôi đưa con về với điều kiện phải ký vào mặt sau một tờ giấy (nội dung ghi những gì tôi hoàn toàn không được đọc).

Lúc gặp con, tôi thấy ở mặt cháu có vết sưng đỏ, cổ bị trầy xước. Ngày hôm sau (4-12), tôi đưa con đến Bệnh viện Bình Thạnh để kiểm tra vết thương” – chị Yến bức xúc. Kết quả giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện cho thấy cháu Tuấn đã bị “đau cổ hai bên, chấn thương phần mềm cổ, trầy xước phần vai”. Cháu Tuấn cho biết mình bị đau là do 2 chú CA dùng uy lực, kéo, ấn mạnh tay, uy hiếp tinh thần của mình. Mấy ngày qua, Tuấn vẫn đi học bình thường nhưng hay bị đau ở ngực, tinh thần hoang mang, khiếp sợ.

Đâu là sự thật?

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi ghi nhận sự bức xúc, bất bình của gia đình chị Yến lẫn người dân ở xung quanh. Bởi lẽ em Tuấn là trẻ chưa đến tuổi thành niên, không có tội tình gì, tại sao CA phường lại dùng vũ lực, bắt cháu ra phường nhốt lại? Là người trong cuộc, ông Trương Tấn Thành - ông ngoại của Tuấn nói: “Là ông của cháu nên tôi thường lớn tiếng la rầy để giáo dục cháu chứ có làm phiền đến hàng xóm đâu. Thế mà, tôi vừa ra khỏi nhà đi làm thì CA phường 1 đến bắt nhốt cháu. Thật không thể hiểu nổi!”. Chứng kiến sự việc này, chị Nguyễn Kim Ngân ở gần đó cho biết thêm: “Cháu Tuấn van xin chờ mẹ cháu về để cùng đi lên CA phường nhưng 2 chú CA cứ kéo, đẩy cháu đi bằng được. Cháu xin được vào nhà để mặc áo, mang dép cũng không cho. Họ xốc nách đứa nhỏ như một tội phạm, buộc phải lên xe như sợ cháu chạy trốn vậy (?!).

Để hiểu rõ hơn về cháu Tuấn, chúng tôi tìm đến nơi cháu học - Trường THCS Hà Huy Tập. Cô Xuân Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 mà Tuấn đang học ngạc nhiên khi biết thông tin này. Cô Xuân Lan khẳng định Tuấn chưa làm điều gì xấu, tuy học lực trung bình khá nhưng ở lớp em Tuấn rất ngoan, biết vâng lời thầy cô. Vì vậy, khi ở nhà em có hành vi hỗn láo với người lớn chắc khó xảy ra.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Trung tá Nguyễn Văn Tám, Phó Trưởng Công an phường 1 (Q.Bình Thạnh), nói: “Việc ông ngoại đánh cháu Tuấn là có thật. Còn lực lượng CA phường có bắt nhốt, đánh cháu hay không đang được Thanh tra công an quận làm rõ. Khi nào có kết quả thanh tra, chúng tôi sẽ có công văn trả lời cho đương sự và Báo SGGP. Bây giờ CA P1 không có ý kiến gì thêm”. Tại CA quận Bình Thạnh, Trung úy Trần Gia Lâm, cán bộ trực ban cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin Báo SGGP nêu, lãnh đạo CA quận đã chỉ đạo lực lượng thanh tra làm rõ và sẽ có kết luận sớm để trả lời công luận.

Rõ ràng, sự việc nêu trên đang gây bức xúc đối với dư luận và gia đình của cháu Tuấn. Đề nghị Công an Q.Bình Thạnh sớm điều tra làm rõ sai phạm nêu trên. 

TRẦN YÊN

Quan tâm đến các biện pháp tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên

Sự kiện Báo SGGP phản ánh cho thấy một số cán bộ CA phường chưa quan tâm đến những nguyên tắc và thủ tục tố tụng đã được quy định rất rõ ràng trong chương XXXII Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003. Do trẻ em là người chưa thành niên, có thể các em có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng những người tiến hành tố tụng nói chung, cán bộ CA nói riêng trước hết phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục, cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của người chưa thành niên. Trong trường hợp cụ thể này, việc áp giải em học sinh lớp 9 (15 tuổi) đến CA phường trong trường hợp không phải là phạm tội quả tang hoặc trong tình trạng khẩn cấp, thì trước hết phải xác định mức độ vi phạm của em ở trường hợp nào, vì lứa tuổi 15 chỉ có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Việc lấy lời khai, tiến hành các thủ tục tố tụng khác trong trường hợp này phải có mặt đại diện của gia đình, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng như quy định tại khoản 2 Điều 306 Bộ luật TTHS. Ngoài ra, còn có thể có sự tham gia của thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia tố tụng theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hành vi truy bức, đánh đập gây thương tích cho trẻ em tại trụ sở CA mà không có mặt của đại diện gia đình, nếu đúng là do cán bộ CA gây ra là không thể chấp nhận được. Đó không chỉ là hành vi vi phạm nhân quyền (quyền của trẻ em được pháp luật bảo vệ), mà còn có dấu hiệu của hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên (Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật ở tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn (điểm b khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự)… Nếu trường hợp thương tích chưa đến mức quy định nêu trên hoặc hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của người chưa thành niên.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

Tin cùng chuyên mục