Đồng bằng sông Cửu Long - Dân “chê” nhà máy

Lâu nay các tỉnh ĐBSCL là nơi cung ứng nguồn lao động chủ lực cho TPHCM và Đông Nam bộ, thế nhưng hiện tại hàng loạt doanh nghiệp ở ĐBSCL lại “la làng” vì thiếu lao động. Nhất là những tháng cuối năm, thời điểm cần công nhân để tăng tốc sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Đồng bằng sông Cửu Long - Dân “chê” nhà máy

Lâu nay các tỉnh ĐBSCL là nơi cung ứng nguồn lao động chủ lực cho TPHCM và Đông Nam bộ, thế nhưng hiện tại hàng loạt doanh nghiệp ở ĐBSCL lại “la làng” vì thiếu lao động. Nhất là những tháng cuối năm, thời điểm cần công nhân để tăng tốc sản xuất phục vụ xuất khẩu.

        Khó tuyển công nhân

Chưa bao giờ các tỉnh ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu lao động trầm trọng như hiện nay. Từ Long An xuống Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… đâu đâu cũng nghe doanh nghiệp than thiếu lao động. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt, cho biết: “Quý 4 là thời điểm ngành thủy sản đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu do nhu cầu tiêu thụ ở các nước tăng cao. Ấy vậy mà tình trạng thiếu lao động lại rơi vào lúc này khiến doanh nghiệp như ngồi trên lửa”.

Mấy ngày qua, Nam Việt thông báo tuyển gấp khoảng 200 công nhân nhưng số người đến đăng ký chưa được bao nhiêu. Đồng cảnh ngộ trên, Công ty Giày Ching Luh (Long An) cũng đang xuôi ngược tuyển khoảng 3.000 lao động, kèm theo chế độ đãi ngộ và thu nhập tương đối khá nhưng vẫn chưa có người.

Tại Tiền Giang cũng lên cơn sốt vì tình trạng “việc chờ người” kéo dài nhiều ngày qua. Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang, hiện các doanh nghiệp cần từ 3.000 - 3.500 lao động phổ thông làm việc ở các công ty thủy sản, may mặc, da giày…

Những ngày qua, Ban quản lý đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trực tiếp xuống tận xã, ấp… để tìm người. Có doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ thêm các khoản chi phí ngoài lương và tổ chức luôn xe 4 bánh đưa rước công nhân từ nhà đến xí nghiệp. Thế nhưng số người đăng ký vào làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại Cà Mau, tình hình thiếu công nhân cũng rối bời như canh hẹ. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau, than thở: “Năm nay thị trường xuất khẩu chuộng tôm sú cỡ nhỏ và tôm thẻ chân trắng. Hiện các doanh nghiệp cần trên 5.000 người nhưng tuyển hoài không đủ”.

Nhiều doanh nghiệp may mặc ở ĐBSCL không tuyển được lao động.

Nhiều doanh nghiệp may mặc ở ĐBSCL không tuyển được lao động.

        Doanh nghiệp và người lao động chưa gặp nhau?

Ông Lý Văn Thuận thừa nhận tình trạng thiếu lao động ngay tại “vùng cung ứng lao động ĐBSCL” ngày càng trầm trọng và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân là do khu công nghiệp ở các tỉnh mọc lên ngày càng nhiều dẫn đến sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là nhiều người không tha thiết vào làm công nhân trong các nhà máy. Đặc biệt là các ngành may mặc, da giày, thủy sản chiếm quá nhiều thời gian, môi trường làm việc căng thẳng, trong khi mức lương bình quân chỉ 1,1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Một ví dụ cụ thể là chị Huỳnh Ngọc Mai, ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp hơn 2 năm làm công nhân ở một công ty da giày tại Bến Lức cuối cùng phải bỏ việc. Theo chị Mai, mỗi ngày làm việc trên 8 giờ trong môi trường inh ỏi tiếng máy chạy, bụi bặm, không gian chật hẹp căng thẳng. Ăn trưa của công ty thường xuyên là cá biển, canh bo bo (canh không) nên sức khỏe không đảm bảo và ít người nào bám trụ lâu dài được.

Còn anh Lê Văn Ne, ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cho biết để lãnh 1,5 triệu đồng/tháng của các công ty thủy sản không dễ chút nào. Từ sáng sớm đến chiều tối làm việc trong môi trường lạnh lẽo, tanh hôi mùi cá. Thậm chí có lúc làm ca đêm, rất mệt. Ai giỏi lắm đeo được vài năm, bằng không vài tháng đã bỏ chạy?

Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, ông Phan Thành Phi, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Long An, phân tích: “Doanh nghiệp và người lao động chưa gặp nhau, chưa có sự đồng cảm hay chia sẻ quyền lợi một cách hợp lý. Ngoài chế độ lương còn thấp, môi trường làm việc căng thẳng thì đa phần công nhân ở ĐBSCL xuất thân từ nông dân nên chưa quen tác phong công nghiệp. Nhiều người không chịu được sự quản lý chặt chẽ về giờ giấc, sinh hoạt, thời gian lao động… nên tình trạng “thích thì làm không thích thì nghỉ” vẫn diễn ra thường xuyên”.

Ban quản lý các khu công nghiệp ở ĐBSCL cho rằng, xu hướng người lao động thích làm việc bên ngoài như thợ hồ, thợ mộc, làm thuê, bán hàng, tiếp thị… với mức lương từ 80.000-140.000 đồng/ngày, tính ra cao hơn làm công nhân mà không bó buộc giờ giấc. Đây chính là mối lo cho các doanh nghiệp bởi tình trạng phát triển khu công nghiệp đang ào ạt, trong khi nguồn lao động ngày càng teo tóp.

Ông Phan Thành Phi lo lắng, hiện Long An mới cần 40.000 công nhân đã thiếu trầm trọng. Tới đây khi 20 khu công nghiệp hoàn thành sẽ cần đến 200.000 công nhân. Với tình hình này, thật sự không biết tìm đâu ra số lượng công nhân đáp ứng cho phát triển công nghiệp, đó là chưa nói đến chất lượng công nhân đang yếu kém.

Tháo gỡ vấn đề này, ngoài sự nỗ lực đào tạo nguồn lao động của các ngành chức năng thì doanh nghiệp phải thật sự vào cuộc. Nên xem lại chế độ lương bổng hợp lý, kèm những chính sách đãi ngộ cho người lao động như thưởng, hỗ trợ đi lại, ăn uống, nhà ở… để công nhân gắn bó lâu dài với nhà máy. Một khi doanh nghiệp và công nhân thật sự ngồi chung một chiếc thuyền, quyền lợi phân chia hài hòa thì công nhân sẽ không còn bỏ nhà máy, mà sẽ ở lại để “lâu dài” với doanh nghiệp. 

TRUNG AN-N. DUY

Tin cùng chuyên mục