Tờ báo thân thiết của bạn đọc

LTS: Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Báo SGGP xuất bản số đầu tiên, nhiều bạn đọc gắn bó lâu năm với báo đã ân cần gửi lời chúc mừng, bày tỏ ý kiến và kỳ vọng, mong muốn Báo SGGP ngày càng phát triển để xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc.

Chiến sĩ hải quân trên đảo Núi Le B thích thú đọc đặc san Báo SGGP số 30-4. Ảnh: TIỂU TÂN
Chiến sĩ hải quân trên đảo Núi Le B thích thú đọc đặc san Báo SGGP số 30-4. Ảnh: TIỂU TÂN

Ông PHAN ANH TUẤN, nguyên công nhân Nhà in Báo Giải Phóng: Nhớ mãi ngày in số báo đầu tiên

Hàng năm, cứ dịp tháng 5 lịch sử, chúng tôi lại bồi hồi nhớ về những giây phút đầu tiên chuẩn bị ra số báo đầu tiên ở Sài Gòn. Ngày 26-4-1975, chúng tôi được lệnh hành quân về Sài Gòn. Lúc ấy, tôi đang là Tổ phó Tổ sắp chữ của Nhà in Báo Giải Phóng. Ngày 30-4, chúng tôi vào tiếp quản trụ sở Trung ương Đảng Dân chủ (số 174 Võ Thị Sáu). Anh Hai Khuynh (nhà báo Nguyễn Huy Khánh) chỉ đạo chúng tôi tìm một nhà in nào đó để chuẩn bị in báo. Tôi cùng các anh Trần Đội, Trần Bá đến Tân Minh ấn quán để liên hệ in báo. Ban giám đốc đồng ý ngay và cho biết sẽ tìm kiếm, sắp xếp các anh thợ chuẩn bị. Chúng tôi trở về báo cho anh Hai Khuynh biết ngay tin vui đó. Đúng ngày 5-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng in số đầu tiên. Gần 500.000 số báo được in và bán hết veo. Không ngờ, nơi ấy sau này lại là “tổng hành dinh” của Báo SGGP! Sau khi hoàn thành 15 số báo, chúng tôi được lệnh bàn giao việc xuất bản cho Thành ủy Sài Gòn. Chúng tôi không làm Báo SGGP nữa, nhưng như một định mệnh, tờ báo này đã ở bên tôi mỗi ngày…

Ông TRỊNH PHI LONG, cựu tù chính trị Côn Đảo: Báo SGGP đã chắp cánh cho tôi

Thật vậy, tôi vẫn không thể nào quên cái cảm giác vui sướng khi Báo SGGP đăng bài viết đầu tiên của tôi. Đó là bài phê phán rất gay gắt một cuốn tự điển về danh nhân thế giới. Thật tình tôi rất bất bình và không hiểu vì sao những người biên tập đó lại để những chi tiết cực kỳ phản động trong cuốn tự điển như vậy. Sau bài viết nêu trên, tôi được Ban Bạn đọc tin tưởng và chính thức trở thành cộng tác viên. Rất vui là hầu như bài viết nào tôi gửi thì Báo SGGP đều sử dụng. Mới đầu là các tin, bài phản ánh vụ việc đang xảy ra quanh chúng ta. Sau đó là các bài điều tra công phu phản ánh những sai trái của cá nhân, tổ chức.

Khoảng thời gian tôi làm bảo vệ của một doanh nghiệp ở Cát Lái, tôi thường qua lại trên tuyến đường liên cảng A5. Do vậy, tôi biết khá rõ quá trình xây dựng gian dối, có tiêu cực. Tôi đã gửi nhiều tin, bài phản ánh vụ việc này. Tương tự, khi về làm phóng viên Báo Cựu chiến binh TPHCM, tôi vẫn đều đặn tham gia bài viết cho Báo SGGP. Bây giờ, “tuổi cao, sức yếu”, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn gửi bài viết tham gia các cuộc thi hay các chuyên mục trên Báo SGGP, như: Luật gia trả lời về các điều luật, hay góp ý kiến trên các diễn đàn. Báo SGGP đã chấp cánh cho tôi trên sự nghiệp viết báo của mình!

TS HOÀNG VĂN PHÚC, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn: Khơi dậy tinh thần vượt khó

Báo SGGP là người bạn thân thiết của thầy trò Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn. Điều tâm đắc của chúng tôi, Báo SGGP không chỉ thu hút người đọc với các đề tài chống tiêu cực, bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội mà còn lay động, lôi cuốn độc giả bằng những bài viết về gương sáng trong học tập, lao động, những con người đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Mỗi bài viết về gương người tốt việc tốt là những bài học khơi dậy tinh thần vượt khó, sự nỗ lực vươn lên trong mỗi con người.

Tôi là bạn đọc trung thành, là “tín đồ” của cuộc thi phóng sự Người tốt việc tốt trước đây cũng như Tỏa sáng giá trị Việt đang diễn ra. Trong nhiều phóng sự, nhân vật chính trong bài viết đã vượt lên chính mình, nỗ lực trong học tập, lao động, là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Chúng tôi vẫn thường đem những nhân vật trong các bài phóng sự của Báo SGGP để truyền cảm hứng cho sinh viên. Thể loại phóng sự về đề tài người tốt việc tốt, gương sáng điển hình là “đặc sản” của báo được nhiều người yêu mến, đón đọc.

Bà KIM CHI, quận Phú Nhuận, TPHCM: Cần đi trước để định hướng thông tin

Tôi là bạn đọc của Báo SGGP từ ngày ra trường về làm công chức tại cơ quan nhà nước (báo do cơ quan mua). Nay, khi nghỉ hưu, tôi được Thành ủy tặng Báo SGGP nên vẫn được đọc Báo SGGP hàng ngày. Theo tôi, phóng viên của báo cần đi trước một bước trong việc định hướng dư luận, đưa những vấn đề bạn đọc quan tâm và những thông tin “nóng” đến thật nhanh và chính xác tới người đọc.

Báo nên có nhiều bài viết khen - chê, những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; và chú trọng viết về những khó khăn, bức xúc của người dân trong cuộc sống. Cũng nên có những thông tin cần thiết, hữu ích cho người đọc về cách phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, kỹ năng thoát hiểm để người dân tự cứu mình.

Căn cứ thực tế những vấn đề nóng của TPHCM hay của cả nước, báo nên lần lượt mở các diễn đàn, thí dụ như về chống ùn tắc giao thông, chống bệnh thành tích, chống thực phẩm bẩn, chống lấn chiếm vỉa hè, chống nạn bạo hành, lành mạnh môi trường học đường…, để bạn đọc (thường là người trong cuộc) được tham gia góp ý, kiến nghị giải pháp, và để các ngành chức năng liên quan, những người có trách nhiệm quản lý có góc nhìn khách quan hơn.

CN3 a.jpg
Bạn đọc tìm đến Báo SGGP như một địa chỉ tin cậy để gửi gắm câu chuyện, khó khăn của mình

Một địa chỉ tin cậy

Mặc dù gặp bạn đọc tại cơ quan hay bên ngoài, chúng tôi luôn quan niệm sâu sắc rằng, bạn đọc đang rất cần và hy vọng ở việc xác minh, phản ánh vụ việc của Báo SGGP. Chúng tôi luôn ý thức mình là chỗ dựa để tiếp nhận, lắng nghe, chia sẻ thông tin của bạn đọc một cách trân trọng. Vì vậy, Phòng Tiếp bạn đọc của Báo SGGP luôn là địa chỉ tin cậy khi bạn đọc có nhu cầu tìm đến…

1.Một buổi sáng cuối năm, một bạn đọc đã tìm đến Phòng Tiếp bạn đọc Báo SGGP với nhiều hy vọng. Một tay chị ôm bụng, một tay vịn cái bàn đi từng bước khá khó nhọc. Vừa ngồi xuống, chị thở hắt ra và đẩy hồ sơ bệnh án về phía chúng tôi, bên trên là tờ Đơn khiếu nại. Nét chữ nguệch ngoạc, nhưng nội dung khá rõ ràng, theo đơn, chị bị đau bụng và được chẩn đoán ban đầu là viêm dạ dày. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị hậu phẫu, y bác sĩ lại phát hiện vết thương bị nhiễm trùng và thêm một số bệnh khác liên quan. Trong năm qua, chị đã phải trải qua 8 lần phẫu thuật.

Chị run giọng cho biết: “Vợ chồng tôi thuê nhà ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Sau các lần phẫu thuật, tôi bị giảm sút sức khỏe và trí nhớ rất nhiều. Tôi đã làm đơn khiếu nại, nhưng chưa nộp cho bệnh viện. Cách đây mấy ngày, tôi đã gặp lãnh đạo bệnh viện trình bày vụ việc và bệnh viện cũng đồng ý hỗ trợ cho tôi một số kinh phí điều trị. Hôm nay, tôi đến nhờ Báo SGGP để xin hướng dẫn thêm thủ tục!”. Chị Thùy Dương (nhân viên tiếp bạn đọc) liền nói: “Chúng tôi xin chia sẻ về tình hình sức khỏe của chị. Nếu chị nộp đơn thì Báo SGGP sẽ tiếp nhận. Tuy nhiên, trong vụ việc này, theo tôi, nếu bệnh viện đã đồng ý hỗ trợ thì chị cần xem xét chi phí đó có thỏa đáng hay không. Nếu không phù hợp thì chị nộp Đơn khiếu nại. Bây giờ chị nộp Đơn khiếu nại thì rất khó lòng nhận chi phí hỗ trợ. Chị nên cân nhắc kỹ việc này!”. Chuyện đơn giản là vậy, nhưng Thùy Dương phải nhắc đi, nhắc lại, hướng dẫn nhiều lần chị mới nghe và chịu ra về.

2.Đến với chúng tôi, phần đông bạn đọc đều có nỗi niềm. Có người đã chuẩn bị chu đáo đơn thư, giấy tờ liên quan; thời buổi công nghệ thông tin, cũng không ít bạn đọc chỉ đến với… cái điện thoại thông minh.

Sáng hôm đó, chưa đến 8 giờ, một người trung niên đẩy cửa bước vào Phòng Tiếp bạn đọc. Chưa kịp ngồi xuống, anh đã dò hỏi: “Báo SGGP có tiếp nhận mấy cái vụ gian lận trong thể thao không anh?”. Trong thời điểm đang diễn ra giải bóng đá quốc gia, một số trận đấu có kết quả kỳ lạ đang được dư luận quan tâm. Tôi hỏi ngay: “Có chuyện gì vậy anh?”. Mặt anh đỏ gay bực bội, sau gần một phút ngồi thở, anh nói: “Chúng tôi phát hiện một vụ gian lận cầu thủ trong bộ môn bóng đá của Hội khỏe Phù Đổng, đó là một cầu thủ của đội quận 5. Trước đó, cầu thủ này trong đội hình của quận Phú Nhuận tham dự giải U11 toàn quốc năm 2022 và đoạt huy chương đồng. Mặc dù, tôi đã phản ánh gay gắt với ban tổ chức, nhưng họ không tiếp nhận mà còn “mắng” chúng tôi!”. Anh mở điện thoại di động tìm kiếm một trận đấu và đưa chúng tôi xem: “Tôi không có mặt lúc đó, nhưng qua xem lại trận đấu được tường thuật trên YouTube thì tôi phát hiện. Tôi đã gặp lãnh đạo bóng đá TPHCM phản ánh, nhưng họ không tiếp thu!”. Sau khi chúng tôi tiếp nhận hồ sơ, bạn đọc có vẻ hài lòng.

Sau khi Báo SGGP phản ánh, Liên đoàn Bóng đá TPHCM đã liên lạc với phòng tổ chức thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để truy xuất hồ sơ của cầu thủ này. Vụ việc đã được các ngành chức năng xử lý. Vụ việc giúp bạn đọc thêm tin tưởng vào Báo SGGP, và Phòng Tiếp bạn đọc Báo SGGP tiếp tục là địa chỉ tin cậy mỗi khi bạn đọc tìm đến!

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục