Chia sẻ chính quyền điện tử

Thành phố tự tin
Chia sẻ chính quyền điện tử

Ngày 16-10, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM tổ chức hội thảo mô hình chính quyền điện tử tại TPHCM, đại diện của 15 tỉnh, thành lân cận đã tham dự. Với những gì đã làm được, Sở TT-TT TPHCM đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính quyền điện tử với các tỉnh bạn và mong muốn mô hình này sẽ được các tỉnh thành khác… đón nhận.

Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thành phố tự tin

Từ năm 1996, TPHCM đã bắt tay vào xây dựng các hệ thống cho chính quyền điện tử, đơn vị thực hiện đầu tiên là UBND quận 1. Nhưng thời điểm “nóng” nhất là năm 2005, khi TPHCM tiến hành xây dựng hệ thống thông tin tập trung ở các lĩnh vực: kinh tế (số liệu từ Cục Thuế, PC13 Công an TP, Cục Thống kê, phòng kinh tế quận huyện…); văn hóa xã hội (số liệu về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, thông tin của Sở Y tế, Sở GD-ĐT…); quản lý đô thị (số liệu từ Sở Xây dựng, các doanh nghiệp viễn thông…); khoa học công nghệ. Cũng trong thời gian trên, hệ thống này được ứng dụng và triển khai thí điểm tại quận 1 và quận Bình Thạnh, sau đó tiếp tục được triển khai và hoàn thiện tới tất cả các quận huyện, sở ngành trên địa bàn…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM cho biết: Giai đoạn 2010, Sở TT-TT tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng; xây dựng kiến trúc CNTT – phần mềm lõi; hoàn thiện các hệ thống thông tin để có thể đưa vào khai thác thuận lợi. Khi đó, các cơ quan, đơn vị có thể khai thác, sử dụng mọi lúc mọi nơi, tiến tới sự trao đổi thông tin qua lại giữa TPHCM và các tỉnh thành khác. Sở TT-TT TPHCM tiếp tục thực hiện việc này vì thời gian qua, việc triển khai chính quyền điện tử đã dần hình thành một hệ thống dữ liệu, trở thành một “Trung tâm dữ liệu”.

Để tiếp tục nâng tầm chính quyền điện tử, vào tháng 3-2010, Sở TT-TT sẽ dần chuyển các dịch vụ công thành nội dung số sử dụng trên nền 3G. Khi đó, người dân TPHCM có thể thực hiện các dịch vụ công điện thoại di động (có kết nối 3G), đây được gọi là “chính quyền điện tử di động”. Cũng trong giai đoạn này, TPHCM sẽ tiến hành hợp tác, chia sẻ công nghệ, các giải pháp ứng dụng chính quyền điện tử tới các tỉnh thành khác, nhất là các tỉnh, thành lân cận.

Tỉnh, thành lo lắng

Trước “cơ hội” này, đại diện Sở TT-TT TP Cần Thơ cho rằng, Cần Thơ sẵn sàng tham gia thí điểm triển khai mô hình chính quyền điện tử. Tuy nhiên, Cần Thơ vẫn chưa nắm được những yêu cầu cụ thể trước khi triển khai. Thêm nữa, Sở TT-TT tỉnh Bình Phước cũng muốn được ký kết hợp tác toàn diện với TPHCM trong việc xây dựng chính quyền điện tử, nhưng tự xét thấy chưa đủ điểm “sẵn sàng” nên phải chờ tới giai đoạn mở rộng, bắt đầu từ 2010.

Không chỉ hai tỉnh thành trên lo lắng, ông Lê Văn Bích, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Long An giải bày, khó nhất trong việc thực hiện chính quyền điện tử ở các tỉnh là cơ chế. Ông Bích giải thích: Khi UBND TPHCM ra Quyết định 64, giao Sở TT-TT toàn quyền thực hiện đề xuất dự án, lập kế hoạch đầu tư... và việc triển dự án đầu tư, nguồn vốn từ ngân sách được chính UBND TPHCM phê duyệt mà không phải thông qua bất cứ sở, ngành nào… nên Sở TT-TT hoàn toàn chủ động trong công việc. Trong khi đó với các tỉnh thành khác, kế hoạch đầu tư phải thông qua cả Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu không thì coi như không thể thực hiện được. Thêm nữa, thời gian thẩm định dự án, rồi “ghi vốn” cũng dài lê thê…

Như để các tỉnh, thành khác yên tâm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM lý giải thêm: Yêu cầu đầu tiên là hạ tầng mạng, trang thiết bị viễn thông; tiếp đến là nguồn nhân lực có chuyên môn cao về CNTT ngay tại địa phương. Do đó TPHCM sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện, như bản quyền phần mềm sẽ được TPHCM hỗ trợ nên các tỉnh, thành khác chỉ cần… quyết tâm.

Về phần mềm liên quan khi triển khai mô hình chính quyền điện tử, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Công ty phát triển phần mềm FPT lưu ý: Khi chọn giải pháp phần mềm nên chọn giải pháp tổng thể, toàn diện và khi tiến hành triển khai thì nên làm từng bước, từng nhóm. Kế đó là lựa chọn đối tác triển khai có năng lực, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhân sự, am hiểu về quản lý hành chính nhà nước và cam kết hợp tác lâu dài bởi việc triển khai, ứng dụng và nâng cấp mô hình chính quyền điện tử là một quá trình…

Phát động giải thưởng CNTT - Truyền thông TPHCM 2009

Trước khi hội thảo mô hình chính quyền điện tử tại TPHCM diễn ra, Sở TT-TT TPHCM đã phát động giải thưởng CNTT, Truyền thông lần 2 năm 2009. Đây là giải thưởng chính thức do UBND TPHCM ban hành và được tổ chức thường niên kể từ năm 2008. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT và tổ chức có triển khai ứng dụng CNTT. Đặc biệt, các đơn vị đạt giải thưởng sẽ được thành phố hỗ trợ kinh phí để xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường (trong và ngoài nước) tại các sự kiện xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức hoặc có sự tham gia.

Ban tổ chức giải thưởng sẽ tiếp nhận hồ sơ tới hết ngày 30-1-2010, tổng giá trị giải thưởng lên tới 250 triệu đồng cho 5 nhóm giải thưởng: Phần mềm tiêu biểu; phần cứng tiêu biểu; dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; doanh nghiệp ứng dụng CNTT tiêu biểu; đơn vị, cá nhân có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển CNTT-TT TP. Thông tin cụ thể được đăng tải tại www.ict-hcm.gov.vn

Bá Tân – Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục