ĐBSCL: Ảm đạm xuất khẩu lao động

Sụt giảm

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) ảm đạm nhất trong nhiều năm qua. Dù các chương trình thông tin, tuyên truyền, tư vấn được đưa đến tận cơ sở nhưng số lượng lao động đi nước ngoài làm việc vẫn nhỏ giọt…

Sụt giảm

Bà Nguyễn Ngọc Sương-Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Cần Thơ cho biết: “Năm nay tình hình XKLĐ rất yếu dù ngành đã có nhiều cố gắng. Tính đến nay, thành phố chỉ mới có 26 lao động sang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong số này có 24 người đi Hàn Quốc và 2 người đi Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, còn 78 lao động hoàn tất thủ tục đang chờ bay. Tình hình này, năm 2009, Cần Thơ phấn đấu được 100 người XKLĐ, trong khi các năm trước luôn có từ 400-600 người”.

Ảm đạm không kém là tỉnh Đồng Tháp chưa được 40 người đi, tập trung chủ yếu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các năm trước tỉnh Bến Tre rất thành công trong việc XKLĐ với số lượng lớn (800-1.100 người) nhưng nay khá èo uột. Ông Hà Thanh Hùng, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bến Tre, cho biết: “Cuối năm 2008 đến nay, tình hình XKLĐ bị chựng lại, 8 tháng đầu năm 2009 mới đưa khoảng 300 lao động ra nước ngoài làm việc. Thị trường Malaysia các năm trước là chủ lực với số lượng lớn nhưng năm nay không có người đi. Với đà này, khó có thể đạt kế hoạch đưa 700 người đi XKLĐ…”.

Nếu như các năm trước, thị trường Malaysia chiếm tỷ lệ 70%-90% thì nay số lao động sang thị trường này thuộc diện hiếm. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây chỉ 1% - 2%, giờ chiếm đại đa số nhưng số lượng người đủ điều kiện đi không nhiều…

Lực bất tòng tâm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ì ạch trong XKLĐ như:  khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường Malaysia mấy năm trước rất phù hợp với lao động phổ thông nay không còn hấp dẫn vì thu nhập thấp, không ổn định… Nhiều trường hợp làm việc tại Malaysia về nước trước thời hạn, lâm cảnh nợ nần… đã tác động đến tâm lý người lao động dự định đến thị trường này… Ông Hà Thanh Hùng-Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bến Tre cho rằng: “Hiện rất nhiều lao động muốn đi làm việc tại thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản… nhưng hạn chế về khả năng tài chính. Hiện tại muốn đi Nhật Bản, mỗi lao động phải có tiền thế chân từ 6.000-10.000 USD, vượt khả năng lo liệu đối với nhiều gia đình ở nông thôn...”.

Trong khi đó, nhiều địa phương ở ĐBSCL phản ánh: Ngoài việc vượt qua kỳ thi ngoại ngữ có chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp chấm điểm, nhiều lao động hoàn tất thủ tục vẫn chậm được đi. Thị trường này có thu nhập tương đối cao, tiền thế chân thấp nhưng phải lệ thuộc vào sự phân bổ của Trung ương. Đối với thị trường Đài Loan, số tiền thế chấp cũng khá cao, từ 70 đến 90 triệu đồng…  Nguyên nhân quan trọng nữa là trình độ, tay nghề và khả năng ngoại ngữ thấp kém dẫn đến nhiều học viên không trúng tuyển. Các thị trường khác như Úc, Singapore… đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tay nghề cao nên khó có người đáp ứng.

Các chuyên gia cho rằng: Dù lực lượng lao động ở ĐBSCL đang dồi dào nhưng kỹ năng, trình độ nghề nghiệp còn kém. ĐBSCL hiện có khoảng 400 cơ sở đào tạo nghề, chương trình dạy nghề chủ yếu có hàm lượng công nghệ thấp, lạc hậu… Nhiều người không có nghề nên rất khó chuyển đổi sang công việc ở các lĩnh vực phi nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều lao động nông thôn vẫn còn tâm lý không muốn làm việc xa nhà…

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục