Nhọc nhằn nghề... chui cống

Hàng ngày đi lại trên đường phố tấp nập, ít ai để ý đến những người đang phải ngâm mình trong lòng cống ngầm dưới mặt đường đầy sình lầy, phế thải, hóa chất để khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước... Làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm nhưng những công nhân chui cống này không có đồ bảo hộ chuyên dùng…        “Thập cẩm” trong lòng cống
Nhọc nhằn nghề... chui cống

Hàng ngày đi lại trên đường phố tấp nập, ít ai để ý đến những người đang phải ngâm mình trong lòng cống ngầm dưới mặt đường đầy sình lầy, phế thải, hóa chất để khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước... Làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm nhưng những công nhân chui cống này không có đồ bảo hộ chuyên dùng…

        “Thập cẩm” trong lòng cống

Cơn mưa rào vừa dứt, khi mùi hơi đất cùng tạp chất dưới lòng cống còn nồng nặc nhưng các công nhân thuộc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM đã đi mở từng nắp hố ga trên đường Thi Sách (quận 1). Họ cởi hết áo và chui hẳn vào lòng cống để nạo vét những tạp chất. Những người khác đứng ngay bên hầm ga, chuyển lên trên từng xô bùn thải đổ vào xe chuyên dụng. Công việc cứ liên tục như thế…

Can đảm lắm tôi mới dám cúi đầu xuống miệng hố ga để quan sát các công nhân làm việc trong lòng cống. Một công nhân cho biết, một đồng nghiệp khác vừa “bơi” từ hố ga bên cạnh lại hố ga này để kiểm tra đường cống đánh giá lượng rác, bùn cần phải nạo vét.

Anh Nguyễn Văn Rượu, một công nhân gắn bó trên 20 năm với nghề chui tâm sự: Để làm được nghề này thì trước hết phải có sức chịu đựng. Có những lúc đang làm việc trong lòng cống, bị nước xả hầm cầu, hay nước thải của các nhà máy hóa chất trút ngay trên đầu cũng phải cắn răng chịu đựng. Đó là chưa kể hàng ngày họ còn phải gặp phải những đoạn cống có hóa chất, dầu mỡ, mảnh vỡ thủy tinh, kim tiêm đâm vào chân tay chảy máu...

Một công nhân tên Tính cho biết thêm, nhiều lúc ngâm mình trong trong nước thải có hóa chất từ các cơ sở sản xuất dội xuống bỏng rát cả người. Thế nhưng vẫn chưa ghê bằng phải ngâm trong nước cống khu vực gần các quán ăn, nhà vệ sinh hay các bệnh viện. Công việc nặng nhọc, làm trong trong môi trường độc hại nguy hiểm là thế nhưng hầu hết công nhân làm việc đều không có đầy đủ quần áo, khẩu trang, găng tay, giày bảo hộ...

Một công nhân đang ở trần ngâm mình trong nước cống. Ảnh: HỒ VIỆT

Một công nhân đang ở trần ngâm mình trong nước cống. Ảnh: HỒ VIỆT

        Mong một bộ đồ chuyên dụng

Ông Đồng Quan Học, Trưởng phòng Hành chính - Công ty thoát nước đô thị TPHCM - cho biết, hàng năm mỗi công nhân chui cống mỗi năm được cấp 4 bộ áo quần lao động bình thường, 4 cái khẩu trang, 2 đôi giày nhựa, 3 đôi giày cao cổ, 3 đôi găng tay vải bạt, 3 đôi găng tay len sợi, 1 bộ áo mưa, bột giặt 2 tháng/kg. Ngoài ra, cứ hai năm, mỗi người sẽ được 1 nón nhựa...

Về bồi dưỡng độc hại, mỗi công nhân được 8.000 đồng/công/ngày (chui cống) và 6.000 đồng/công/ngày (vét cống). Tuy nhiên, ông Học cũng thừa nhận, hiện vẫn còn một số công nhân không sử dụng các trang bị bảo hộ lao động được cấp phát khi làm việc. Mặc dù những trường hợp không chấp hành sẽ bị phê bình nghiêm khắc, bị trừ điểm năng suất và không xét các danh hiệu thi đua “thế nhưng làm việc dưới cống nếu mặc đồ bảo hộ thì cũng vướng víu và khó làm việc” – ông Học giãi bày.

Theo ông Học, từ nhiều năm trước, Công ty thoát nước đô thị TPHCM đã quan tâm đến việc thiết kế bộ đồ đặc dụng cho công nhân nhưng đến nay vẫn chưa ra được sản phẩm. “Để có được bộ đồ chuyên dụng phù hợp với công nhân chui cống trong điều kiện làm việc dưới nước, chật hẹp, khó di chuyển, quả thật không phải dễ dàng. Trong khi chưa có đồ đặc dụng thì công nhân phải tuân thủ quy định bảo hộ lao động của công ty để tự bảo vệ mình. Nếu gặp hầm ga có nhớt hay hóa chất là phải kêu xe chuyên dùng hút, máy thổi, quạt gió phụ trợ” – ông Học nói.

Trên thực tế công nhân chui cống chỉ ở trần, vận quần đùi ngâm mình trong dòng nước ô nhiễm. Chuyện công nhân thường mắc những bệnh ngoài da, hô hấp và bị những tai nạn nghề nghiệp khác là không tránh khỏi.

Một công nhân tâm tư: “Vì miếng cơm manh áo nên phải chấp nhận chui cống với đầu trần chân đất chúng tôi mong có được bộ đồ chuyên dụng để bảo vệ mình khi ngâm mình dưới cống. Nhìn công nhân nước ngoài khi chui vào cống được trang bị bảo hộ lao động bằng áo quần chống thấm nước bao kín toàn thân mà còn phải đeo cả mặt nạ dưỡng khí mà không khỏi chạnh lòng!”. 

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục