An toàn cho lễ hội

Thảm họa về lễ hội xảy ra ở Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 22-11 đang làm cả thế giới bàng hoàng, đau xót. Đài Truyền hình Bayon của Campuchia cho biết, có tới 375 người chết và 755 người bị thương trong ngày cuối cùng của lễ hội té nước.

Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu, đây là thảm họa lớn nhất kể từ thời Khmer đỏ và tuyên bố quốc tang vào ngày 25-11. Gần đây, nhiều lễ hội trên thế giới để xảy ra những tai nạn gây thiệt hại lớn về người và của, đặc biệt là những lễ hội tôn giáo, âm nhạc vì thường tập trung hàng hàng lớp lớp công chúng. Trong đó có không ít vụ mất an toàn nghiêm trọng, như tại Ả Rập Xê Út trong các lễ hội Hồi giáo tháng 7-1990 có tới 1.426 người chết do giẫm đạp lên nhau, số người chết trong hoàn cảnh tương tự là 270 người vào tháng 5-1994, 119 người vào tháng 4-1998, 251 người vào tháng 2-2004, 362 người vào tháng 1-2006…

Tại Ấn Độ, lễ hội đền Maharashtre tháng 1-2005 có 265 người chết; lễ hội đền Chamunda Devi tháng 9-2008 có 220 người chết.

Tại Ghana có 126 người thiệt mạng do xô đẩy tại sân vận động ở Accra, tại sân vận động Manila Philippine có 71 người chết cũng do đám đông chen đạp lên nhau…

Mới đây, ngày 26-7, lễ hội âm nhạc thường niên Love Parade tại TP Duisburg miền Tây nước Đức thu hút 1,4 triệu người đến dự cũng đã xảy ra thảm họa đám đông ồ ạt giẫm đạp lên nhau khiến 19 người thiệt mạng và nhiều người bị thương… Những thảm cảnh đó đã biến không khí hội hè vui vẻ thành cơn ác mộng đau buồn vô hạn.

Từ những bài học trả bằng tính mạng nhiều người vào dịp diễn ra lễ hội ở một số nước những năm gần đây, có lẽ Việt Nam cũng cần rung lên tiếng chuông cảnh báo về sự an toàn của các lễ hội.

Mỗi năm, đất nước ta có trên 500 lễ hội lớn nhỏ thu hút hàng chục triệu lượt người tham dự và không phải không có những cảnh đáng tiếc. Tại một số lễ hội mà ngay cả đại biểu cấp cao, những người cầm vé VIP, cũng bị chen lấn, bị bủa vây tứ phía đến mức giậm chân tại chỗ nhiều giờ đồng hồ mà không đến được khu vực chính hành lễ. Như trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào chiều và tối 10-10 vừa qua xung quanh sân Mỹ Đình chẳng hạn, nhiều người bị chen lấn đến ngạt thở, ngất xỉu. Một lần nữa, tính an toàn lại được cảnh báo dù có trễ tràng. Rất may, chúng ta chưa bị tổn hại về sinh mạng con người khi tổ chức lễ hội, nhưng kinh nghiệm hàng ngàn năm của cha ông chúng ta là không để “mất bò mới lo rào chuồng”. Hơn nữa, lễ hội tại nước ta trong thời hội nhập và phát triển càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, phức tạp hơn do lượng du khách trong nước và nước ngoài tham dự ngày một đông, tầm kiểm soát sẽ khó khăn hơn đồng nghĩa với việc tính an toàn sẽ hạn chế hơn. Vì vậy, các phương án củng cố trật tự trong lễ hội nhằm mang lại hiệu quả an toàn tuyệt đối cho mọi người đến dự phải được ưu tiên hàng đầu. Đảm bảo trật tự và xây dựng hình ảnh văn minh, lịch sự là phương châm cốt lõi khi tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như vào các dịp diễn ra lễ hội lớn. Theo ước tính, mỗi mùa lễ hội cả nước có 35 triệu ngày công lao động bị thu hút vào đây. Có tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang gần như vài ngày lại có lễ hội từ cấp làng trở lên.

Hàng năm, các lễ hội: Đền Hùng, đền Trần, chùa Hương, Yên Tử, Đống Đa, Hoa Lư, Thánh Gióng, Lim, Phủ Giầy, bà Chúa Kho… (miền Bắc); Cầu ngư, Katê, đua voi Tây nguyên, điện Hòn Chén, Quan Thế Âm, pháo hoa Đà Nẵng… (miền Trung); Bà Chúa Xứ, chùa Bà Bình Dương, Dinh Cô, Dolta, Ok Om Bok, Nghinh Ông, Lăng Ông, Nguyễn Trung Trực, Tầm Vu (miền Nam)… diễn ra rất nhộn nhịp, nhưng nhìn chung ở một số nơi tình hình trật tự, vệ sinh, nếp sống văn minh vẫn chưa được đảm bảo. Điều đó cũng có nghĩa là chuyện mất an toàn trong lễ hội cũng có dấu hiệu đáng quan tâm. Những sự chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau rất nguy hiểm và không ai bảo đảm không thể xảy ra nếu có sự cố cháy nổ, la hét, hoảng loạn, giành giựt chỗ đứng và những điều bất ngờ khác.

Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cần được tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc. Thực hiện nếp sống văn minh lễ hội cũng là giữ gìn tốt trật tự, an ninh, sắp xếp ngăn nắp diễn tiến hội hè, ứng xử và giao tiếp lịch sự nơi công cộng, chấp hành các quy định về vệ sinh, bảo vệ môi trường… Điều đó chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn cho lễ hội vốn có xu hướng ngày càng phát triển phong phú và phức tạp trên đất nước chúng ta.

Xuân Thái

Thông tin liên quan

- Thảm họa tại Lễ hội té nước ở Campuchia: Số người chết lên đến 350 người

- Giẫm đạp tại Campuchia: Hàng trăm người thương vong

Tin cùng chuyên mục