Đường kẹt, phà quá tải, xe “cháy” vé

Hôm qua 30-4, hàng chục ngàn người dân, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc ở TPHCM tiếp tục đổ dồn về các quầy bán vé của Bến xe miền Đông, miền Tây… để mua vé xe về quê và đi chơi lễ, khiến tình hình xe cộ trở nên căng thẳng.
Đường kẹt, phà quá tải, xe “cháy” vé
  • TPHCM: Không đủ vé xe đi các tỉnh

Hôm qua 30-4, hàng chục ngàn người dân, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc ở TPHCM tiếp tục đổ dồn về các quầy bán vé của Bến xe miền Đông, miền Tây… để mua vé xe về quê và đi chơi lễ, khiến tình hình xe cộ trở nên căng thẳng.

Tại Bến xe miền Đông, từ tờ mờ sáng, trước cửa các quầy vé hàng chục ngàn người đứng chen chúc nhau đến chật cứng khiến khu vực nhà chờ bị quá tải. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, các tuyến có lượng hành khách đi lại đông chủ yếu là: Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang. Ngay từ sáng sớm, nhiều tuyến xe đò chạy các tuyến Bảo Lộc, Đà Lạt, Kon Tum, Phan Rang… bị “cháy” vé. Tương tự, tại Bến xe miền Tây, từ sáng sớm, các quầy bán vé của bến đã chật cứng người nhưng rất nhiều hành khách phải thất vọng vì vé đã hết. Các tuyến xe đò bị “cháy” vé tại Bến xe miền Tây chủ yếu đi về Cà Mau, Rạch Giá, Châu Đốc, Chợ Mới… Nhiều hành khách đành phải chờ đợi đến đầu giờ chiều mới mua được vé.

Rất đông du khách nước ngoài chờ xe đi du lịch sáng 30-4 tại quận 1, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Rất đông du khách nước ngoài chờ xe đi du lịch sáng 30-4 tại quận 1, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Bên cạnh tình trạng “cháy” vé xe đò ở các bến xe, trong ngày hôm qua, các khu vui chơi giải trí ở TPHCM và các tỉnh lân cận cũng chật cứng người nên khiến các tuyến xe buýt, bến phà bị quá tải. Các tuyến xe buýt có lượng khách đi lại đông như: Bến xe An Sương - Đền Hùng, Suối Tiên - Bến Thành, Suối Tiên - Bến xe An Sương, Tân Vạn - Chợ Lớn, Bến xe miền Đông - Đầm Sen, Nhà Bè - Bến xe miền Tây…

Một số tuyến xe buýt liên tỉnh ở TPHCM đi Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai... cũng không còn chỗ trống. Tại Bến phà Cát Lái (phía quận 2, TPHCM) từ 8 giờ sáng hôm qua, hàng ngàn phương tiện đã xếp hàng “rồng rắn” kéo dài ngoài đường cả cây số để chờ qua phà. Ban Quản lý bến phà đã cử nhân viên trực tiếp ra đường bán vé cho khách.

Hành khách đứng chật cứng trước các quầy bán vé ở Bến xe miền Đông chờ mua vé sáng 30-4. Ảnh: G. ĐÌNH

Hành khách đứng chật cứng trước các quầy bán vé ở Bến xe miền Đông chờ mua vé sáng 30-4. Ảnh: G. ĐÌNH

Ngoài ra, do sáng qua lượng xe đông đã khiến các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố bị kẹt xe nghiêm trọng. Tại tuyến Xa lộ Hà Nội, từ sáng sớm ở đoạn cầu Rạch Chiếc và khu vực trước cổng Khu Du lịch - Văn hóa Suối Tiên, xe cộ lưu thông từ chiều trung tâm thành phố về ngã ba Vũng Tàu đã phải xếp hàng dài trên đường nhích từng tý một. Trong khi đó, tại khu vực cổng ra và vào Bến xe miền Đông, cũng như tuyến đường nội bộ nối từ quốc lộ 13 với Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), đường Kinh Dương Vương khu vực trước cổng của Bến xe miền Tây (Bình Tân) đã xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ.

  • Hà Nội: Tắc đường cao tốc

Tại Hà Nội, sáng qua, hầu hết các tuyến đường cửa ngõ đều kẹt cứng, đầy khói bụi vì dòng người và phương tiện đồng loạt đổ ra hướng ngoại thành. Trầm trọng nhất phải kể đến QL1A đoạn từ bến xe Phía Nam đến Pháp Vân, Cầu Giẽ. Bắt đầu từ 7 giờ, tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã dày đặc phương tiện giao thông và đến 7 giờ 30 tình trạng ùn tắc bắt đầu diễn ra, kéo dài hơn 30km, từ điểm xung đột giao thông của đường dẫn cầu Thanh Trì bắt vào đường cao tốc cho đến qua Trạm thu phí Cầu Giẽ. Tương tự, hơn 10km đường Vành đai 3 của Hà Nội, từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu cạn Pháp Vân cũng kẹt cứng phương tiện. Vào lúc 9 giờ sáng, lượng xe cộ đã bị dồn ứ và “giậm chân tại chỗ” ngay trên cầu cạn Pháp Vân.

Do các ngả đường đều tắc nên nhiều xe khách của các tuyến ngắn không về bến được, nên nhiều hành khách ùn ứ tại bến đã tăng gấp 4 - 5 lần so ngày thường. Theo phản ánh của nhiều hành khách, do không thể mua vé tại bến, họ đã phải chấp nhận lên xe ngoài bến với mức giá cao gấp 3 lần so với giá quy định.

ĐBSCL: Phương tiện giao thông tăng đột biến

Từ sáng sớm 30-4, lượng phương tiện từ TPHCM đổ về các tỉnh ĐBSCL tăng đột biến nên đoạn quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều điểm ùn tắc giao thông cục bộ. Đặc biệt đoạn từ ngã tư Đồng Tâm (nơi tiếp giáp giữa đường cao tốc TPHCM - Trung Lương với quốc lộ 1A) đến cầu Kinh Xáng, xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) xảy ra ùn tắc trong nhiều giờ liền. Các phương tiện nối đuôi nhau hơn 1km. Tại cầu An Hữu, cầu Cổ Cò (huyện Cái Bè), cũng xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ.

Tại phà Đình Khao nối Vĩnh Long với Bến Tre, tình trạng kẹt phà xảy ra nghiêm trọng, phải mất hơn 1 giờ chờ đợi, các phương tiện mới qua sông được. Theo Ban quản lý phà Đình Khao, do từ phà Đình Khao theo quốc lộ 57 nối với nhiều khu du lịch sinh thái của tỉnh Bến Tre nên tình trạng kẹt phà sẽ tiếp diễn trong những ngày nghỉ lễ.

Đ.TUYỂN

Khu du lịch bội thu

Các khu du lịch quá tải, tái diễn tình trạng chặt chém... đó là những gì diễn ra trong ngày hôm qua tại các điểm du lịch.

  • Đà Lạt: Nhà dân sẵn sàng đón khách

Ngày 30-4, lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phía Nam đổ về Đà Lạt tăng đột biến. Trên quốc lộ 20 (nối TPHCM với Đà Lạt), các loại xe du lịch cỡ lớn, xe khách, ô tô gia đình nối đuôi nhau, gây tình trạng ách tắc cục bộ trên đèo Bảo Lộc và đèo Prenn. Lượng khách tăng đột biến đã khiến Đà Lạt bị “cháy” phòng khách sạn ngay từ ngày đầu của kỳ lễ. Theo khảo sát chiều 30-4, nhiều khách sạn ở trên các tuyến đường trung tâm như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng… đều kín chỗ. Giá phòng cũng tăng từ 100% đến 150%, thậm chí còn cao hơn, các khách sạn đạt chuẩn lấy giá khoảng 400.000 đồng đến 600.000 đồng/phòng một giường đôi, 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng hai giường đôi.

Hiện TP Đà Lạt có trên 700 cơ sở lưu trú, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khoảng 38.000 khách/đêm. Tuy nhiên, dự báo lượng khách sẽ vượt quá con số này nên ngành chức năng TP Đà Lạt đã có chủ trương cho phép nhà dân đón khách ở trọ nếu có phòng ốc đảm bảo. Nhiều người dân Đà Lạt cho biết, trong ngày 30-4 cũng đã có khách đến hỏi thuê phòng.

  • Phan Thiết: Thêm nhiều dịch vụ giải trí

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận, trong số hơn 42.000 lượt khách đến các điểm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận dịp nghỉ lễ năm nay có khoảng 10.000 khách quốc tế nghỉ dưỡng tại khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, trong đó đông nhất là khách Nga, Đức, Thụy Điển, Áo, Úc và Mỹ. Tính riêng thời điểm từ 30-4 đến 3-5, “thủ đô resort” Hàm Tiến đã kín phòng, công suất gần 100%. Tình hình không còn phòng lễ năm nay cũng xảy ra tại khu du lịch Hàm Thuận Nam và Tiến Thành - Phan Thiết. Mặc dù nhu cầu đặt phòng nghỉ tại Phan Thiết dịp 30-4 và 1-5 rất lớn, nhưng nhìn chung giá phòng và dịch vụ tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né chỉ tăng khoảng 5%. Do ngành du lịch phối hợp rất tốt với Hiệp hội và các doanh nghiệp chủ động giữ giá cả dịch vụ nên không có biến động trong những ngày lễ.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Thuận, năm nay, ngoài khu du lịch dã ngoại Hòn Rơm, đối tượng khách du lịch công sở, các đoàn khách do các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức thích chọn khu vực Tiến Thành - Hàm Thuận Nam nghỉ lễ. Do vậy, ngay từ đầu tháng 4 một số resort khu vực này như Sao Mai, Xóm Chài, Bờ Biển Vàng, Non Nước, Sài Gòn - Suối Nhum, Đồi Sứ, Ánh Dương đều chuẩn bị nhiều dịch vụ giải trí như lửa trại, trò chơi lớn, tiệc đêm, biểu diễn văn nghệ để sẵn sàng đón khách đoàn.

  • Nha Trang: Đỏ mắt tìm phòng

Năm nào cũng vậy, đến các dịp lễ, tết là UBND tỉnh Khánh Hòa đều có quy định về mức giá phòng, nhằm tránh tình trạng chặt chém du khách. Theo đó, giá phòng nghỉ không được tăng quá 50% mức ngày thường, và phải niêm yết giá tại phòng lễ tân. Tuy nhiên, thực tế, nếu không đặt trước, thì giá phòng ngày này vẫn cứ gấp đôi, gấp ba. Theo quy định, những trường hợp tăng giá quá mức sẽ bị xử phạt. Song, việc quản lý giá phòng khách sạn của gần 500 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng quả rất khó khăn.

Khảo sát một số khách sạn trên địa bàn thành phố Nha Trang, hầu như 100% khách sạn đều thông báo kín chỗ. Theo ước tính, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, Khánh Hòa đón khoảng 120.000 lượt khách, tăng 20% so với năm ngoái. Một chủ khách sạn trên đường Trần Phú cho biết, giờ tìm phòng khó lắm, nhất là đối với khách lẻ, muốn có phòng dịp lễ này phải nhờ “cò” tìm mới có. Thường phòng đôi có giá 700.000 đồng/ngày đêm

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục