Bác Võ Chí Công trong lòng người dân đất Quảng

Bác Võ Chí Công trong lòng người dân đất Quảng

Ngày 9-9, sau khi bác Võ Chí Công rời cõi đời, chúng tôi tìm về quê hương bác Công tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), nơi có ngôi nhà lưu niệm tọa lạc trong khuôn viên 2ha trưng bày hình ảnh, hiện vật giới thiệu quãng đời hoạt động của bác Võ Chí Công tại đất Quảng.

Căn nhà bốn mái đơn sơ nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh mướt. Chúng tôi đến nhà khi cô Trần Thị Thu, cháu dâu bác Võ Chí Công và là người chăm nom vườn tược, khu nhà lưu niệm đang dọn dẹp căn nhà, lau chùi từng bức ảnh… Ngừng tay dọn dẹp, đưa tay quệt dòng nước mắt, cô Thu rưng rưng: “Là người chăm sóc vườn tược, trông coi nhà lưu niệm cho cậu Công, tui biết cậu là một vị lãnh đạo tài ba, được trên tôn dưới kính, đồng chí đồng đội yêu mến. Cậu giản dị lắm và quan tâm mọi người lắm. Mỗi lần về thăm nhà, cậu hỏi thăm từng người, hỏi thăm tình hình gia đình, con cái học hành ra sao, sức khỏe như thế nào”.

Cô Trần Thị Thu bên hình ảnh, hiện vật của bác Võ Chí Công tại nhà lưu niệm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cô Trần Thị Thu bên hình ảnh, hiện vật của bác Võ Chí Công tại nhà lưu niệm. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Mỗi lần về thăm quê, bất kể là còn đương chức hay đã nghỉ hưu, bác Võ Chí Công đều đi quanh chòm xóm hỏi thăm sức khỏe mọi người, đi thăm lại những gia đình là cơ sở cách mạng đã che chở, nuôi giấu bác trong kháng chiến tại Tam Kỳ, Tiên Phước, Núi Thành… để gặp cho bằng được những người đã vào sinh ra tử cùng bác. Với bác, bác chịu ơn mảnh đất và con người xứ Quảng đã chở che bác trong mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Nói về bác Võ Chí Công, ông Huỳnh Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành), nhớ như in câu dặn dò của bác Công với cán bộ địa phương là “phải chăm lo đời sống nhân dân địa phương, không để dân đói, dân đau, dân khổ”. Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, bác không thể về quê thường xuyên nhưng cứ vào dịp lễ tết, bác Võ Chí Công lại gửi thư thăm hỏi đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương – nơi chôn nhau cắt rốn của bác.

“Chúng tôi là lớp cán bộ hậu sanh nên luôn ghi nhớ những lời dặn dò của bác Võ Chí Công mỗi khi về thăm quê. Bác là tấm gương sáng để chúng tôi suốt đời phấn đấu, học tập để hoàn thành trọng trách với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân. Những năm gần đây, khi có dịp về thăm quê, bác Võ Chí Công gọi lãnh đạo xã chúng tôi ra dặn dò phải làm sao nâng cao đời sống cho bà con Tam Xuân. Bác Võ Chí Công ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Tam Xuân chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc khu lưu niệm bác như “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho thế hệ sau tiếp bước truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước, góp phần xây dựng quê hương trong thời kỳ mới”, ông Dũng chia sẻ.

Đối với anh Nguyễn Đình Hà (Trưởng công an xã Tam Xuân 1, cháu nội của ông Nguyễn Đình Chiến - người đã từng giả danh là Võ Toàn, đánh lừa mật thám Pháp để bác Võ Chí Công trốn thoát) những câu chuyện thuở thiếu thời anh Hà được ông nội kể, nay anh vẫn nhớ như in.

Vào những năm 1934 - 1937, gia đình ông nội anh Hà là cơ sở che giấu cách mạng, trong đó có bác Võ Toàn. Năm 1937, trong một lần mật thám Pháp bố ráp vây bắt bác Võ Toàn thì mọi người dùng nhiều biện pháp để bác Toàn chạy thoát. Sau khi bác Toàn chạy thoát, một số người bị bắt, trong đó có ông nội của anh Hà là ông Nguyễn Đình Chiến. Toàn bộ bị đưa về giam tại nhà lao Hội An. Tại đây, để giữ an toàn cho bác Võ Toàn tiếp tục hoạt động gầy dựng phong trào, ông Nguyễn Đình Chiến tự nhận mình là Võ Toàn để đánh lừa. Sau hơn 1 năm, thông tin bị tiết lộ, ông Nguyễn Đình Chiến bị địch tra tấn một cách dã man rồi thả ra.

Mở sổ vàng lưu niệm tại nhà lưu niệm bác Võ Chí Công, vẫn còn nguyên dòng chữ đầy tôn kính đối với bác Võ Chí Công của ông Nguyễn Tấn Trịnh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam): “Mảnh đất yêu thương Tam Xuân đã sản sinh ra người con ưu tú của dân tộc. Cả cuộc đời đã và đang hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Đảng; sự nghiệp và cuộc đời của đồng chí gắn bó với máu xương và mật thiết với đồng bào cả nước, với quê hương đã sinh ra đồng chí. Đây là phòng truyền thống cách mạng, là trường học cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Là tấm gương tiêu biểu cho Hội Người cao tuổi”.

Nguyên Khôi – Tĩnh Sơn


  • Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công tại Quảng Nam

Để tiện cho cán bộ và nhân dân Quảng Nam trong việc viếng thăm người con đất Quảng kiên trung, Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức lễ viếng và truy điệu đồng chí Võ Chí Công tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam. Lễ viếng và truy điệu chính thức bắt đầu vào ngày 10-9.

N.Khôi

Tin cùng chuyên mục