Gap year để làm gì?

Sắp vào đợt nghỉ hè, bên cạnh từ khóa “chữa lành”, một bộ phận bạn trẻ lại mạnh dạn chọn “gap year” (khoảng nghỉ một năm) như một liệu pháp cân bằng tinh thần. Thế nhưng, liệu người ta có thể thoải mái nghỉ ngơi khi bản thân chưa thể tự do tài chính và người trẻ sẽ chuẩn bị gì để đối mặt với những khủng hoảng khi trở lại với công việc, học tập sau quãng nghỉ dài?

Bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật để cân bằng tinh thần sau những giờ làm việc. Ảnh: TOONG
Bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật để cân bằng tinh thần sau những giờ làm việc. Ảnh: TOONG

Chưa lành đã hết tiền

Gap year được hiểu là kỳ nghỉ trong công việc, thường kéo dài khoảng 12 tháng. Gap year xuất hiện phổ biến ở Mỹ và các nước châu Âu, đối tượng chủ yếu là các bạn học sinh vừa hoàn thành chương trình phổ thông, cần khoảng nghỉ để bước vào đại học; hoặc các bạn sinh viên tốt nghiệp nhưng cần thời gian nghỉ ngơi trước khi đi làm. Dù xuất hiện từ khá lâu, nhưng vài ngày qua, ăn theo một bộ phim điện ảnh đang chiếu rạp, từ khóa gap year trở thành trào lưu thịnh hành thu hút đông đảo bạn trẻ hưởng ứng bằng việc chia sẻ hình ảnh đơn nghỉ phép để tận hưởng một kỳ gap year cho việc cân bằng và “chữa lành” tinh thần.

Chọn lịch trình đầu tiên cho đợt gap year là chuyến du lịch đến thành phố Pattaya (Thái Lan), Nguyễn Trần Hạnh My (26 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Từ khi ra trường và đi làm đến nay, tôi chưa dám đi du lịch tự túc lần nào, chỉ đi chơi do công ty tổ chức để tiết kiệm chút đỉnh cho mình. Tôi cũng nhảy việc qua 2 công ty, có lẽ lúc này cần khoảng nghỉ để “chữa lành” tâm hồn sau chuỗi ngày đi làm. Trước mắt, khoản để dành đủ để tôi du lịch đến vài nơi. Sau đó, tôi sẽ tính đến công việc hoặc học thêm một nghề tay trái nào đó nếu bản thân thấy hứng thú”.

Câu chuyện gap year để “chữa lành” được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy rủi ro. Áp lực sau 2 năm đi làm, Hoàng Trung (24 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) mạnh dạn xin nghỉ việc để tìm khoảng lặng cho tinh thần. Nhưng “đời không như mơ”, nghỉ chưa đầy 4 tháng, Trung vội vã tìm việc trở lại. Trung kể: “Đi du lịch vài chuyến rồi cũng nản, bạn bè ai cũng phải đi làm, đâu có ai rảnh mà đi chơi với mình hoài được. Nhưng quan trọng nhất, khoản dư trong tài khoản chẳng được mấy đồng để mình có thể thoải mái nghỉ ngơi. Đúng lúc tôi chọn gap year thì trong nhà có việc gấp, tôi phải mượn bạn bè một khoản để xoay xở. Tuổi trẻ mà, không công việc nó làm mình trì trệ lắm, tôi mới nghỉ chưa đầy 4 tháng mà quay lại với công việc thì có hàng tá thứ phải học như học từ đầu”.

Không công việc mà vẫn nhọc nhằn

Chọn gap year để bắt đầu cuộc sống trồng rau, làm vườn, nhưng được vài ngày Trần Thanh Minh Tòng (24 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) phải tốn thêm tiền thuốc trị đau vai, cao dán, dầu xoa bóp. Minh Tòng chia sẻ: “Nhà tôi cũng có một mảnh vườn nhỏ ở quê, tôi gap year về quê nghỉ ngơi, cũng như nhiều bạn hay nói là “bỏ phố về vườn”. Nhưng thật ra, cuốc đất vài ngày đã đau hết người, vì trước nay mình chỉ quen làm việc văn phòng, máy tính, lao động chân tay chưa đâu vào đâu thì tốn thêm mớ tiền thuốc uống, thuốc dán. Gần nửa năm tôi vẫn chưa quen được, ngày nào cũng vào mạng đọc tin tức và tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực mình làm việc. Nghỉ hơn nửa năm, rồi quay lại làm việc mà tôi như người mới ra trường đi làm, thấy cái nào cũng mới vì công việc trong lĩnh vực lập trình đòi hỏi mình phải cập nhật kiến thức mỗi ngày”.

Gap year với một số bạn trẻ không chỉ là khoảng nghỉ ngơi, đó còn là thời gian để học thêm chuyên môn mới, linh hoạt hơn cho công việc sau này. Dành một năm gap year, nhưng sau vài chuyến du lịch nghỉ ngơi, Đinh Thị Thu Trang (29 tuổi, kiến trúc sư nội thất, ngụ quận 8, TPHCM) tiếp tục lịch trình bận rộn với các khóa học về kỹ thuật dựng phim và viết content (nội dung). Thu Trang chia sẻ: “Nói gap year nhưng tôi chỉ đi chơi có 2 chuyến, còn lại dành thời gian đi học thêm, vì mình khá nản với công việc hiện tại, nên phải học thêm một nghề tay trái. Để khi đi làm lại, mình có nhiều cơ hội ứng tuyển công việc hơn, một ngày tôi đều học song song 2 lớp từ trưa đến tối, chỉ nghỉ vào cuối tuần thôi, tính ra gap year cũng không thảnh thơi gì như mình tưởng tượng”.

Trong vòng xoay của nhịp sống hiện đại với áp lực vô hình từ nhiều phía, khoảng nghỉ để cân bằng công việc, học tập và cuộc sống là điều cần thiết, gap year bao lâu cũng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi người. Tuy nhiên, bạn trẻ khi đưa ra quyết định cần cân nhắc hơn là sự liều lĩnh hay cá tính nhất thời, bởi khoảng thời gian gap year luôn có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, nhưng tài khoản dự phòng hay kinh nghiệm xử lý rủi ro khi trở lại với công việc cần phải có thời gian tích lũy và xây dựng.

Tin cùng chuyên mục