Khốn đốn với tàu xe vào Nam

Ra đường đón xe
Khốn đốn với tàu xe vào Nam

Đến hẹn lại lên, tàu xe từ các tỉnh miền Trung vào Nam (đặc biệt là vào TPHCM) sau tết bao giờ cũng nóng bỏng. Hàng chục ngàn người đã đồng loạt trở vào sinh sống và làm việc ở các tỉnh phía Nam đã gây nên tình trạng khan hiếm tàu xe. Không tìm được vé, hàng ngàn người chờ chực vất vưởng dọc QL1A để đón xe.

Các nhà xe chèo kéo khách vào Nam ngay khu vực có biển cấm (ảnh chụp tại trạm thu phí Bến Thủy - Nghệ An chiều 28-1). Ảnh: Duy Cường

Các nhà xe chèo kéo khách vào Nam ngay khu vực có biển cấm (ảnh chụp tại trạm thu phí Bến Thủy - Nghệ An chiều 28-1). Ảnh: Duy Cường

Ra đường đón xe

Trong ngày 28-1, dọc QL1A đoạn từ ngã ba Huế (Đà Nẵng) đến ngã ba Hương An (Quảng Nam) hàng ngàn người đứng chờ chực đón xe dọc hai bên đường để vào TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ... tỏ ra thất vọng vì không đón được xe. Tại ngã ba Hòa Cầm (Đà Nẵng), chị Hoàng Thị Quế (quê Đại Lộc, Quảng Nam) than thở: “Hôm nay mùng 6 là ngày tốt nên 2 chị em đến đây đón xe vào Đồng Nai nhưng đợi hơn 5 tiếng rồi vẫn chưa đón được xe nào. Hai chị em quyết định giá nào cũng phải đi nhưng không còn xe trống. Không biết kiểu này có vào kịp để mùng 8 làm việc không nữa”.

Đứng đón xe tại thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), anh Nguyễn Đình Phong tỏ ra mệt mỏi, tìm được mấy tấm vé từ Sài Gòn về quê đã khó, nay lại phải khốn khổ đón xe dọc đường vào trở lại nhưng vẫn không có xe nào để đi. Cả gia đình 4 người ra đứng đón xe ở đây cả buổi sáng nhưng xe nào cũng chật cứng, chắc tết sau không dám về quê nữa.

Do áp lực công việc phải có mặt đúng ngày, nhiều người phải chấp nhận lên xe đi Nha Trang, thậm chí đi cả một số tỉnh Tây Nguyên rồi sau đó tiếp tục đón xe vào TPHCM với giá cả trên trời. Lợi dụng tình hình khan hiếm tàu xe, nhiều nhà xe đã “hét” giá lên từ 30%-40% so với giá vé. Giá xe giường nằm chạy tuyến Đà Nẵng - TPHCM bán từ 670.000 - 750.000 đồng/người, nhưng khi hành khách đón xe dọc QL1A, nhà xe “hét” lên 1 triệu đồng/vé.

>> Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn cho biết: Lượng hành khách đang trở về ga khá đông. Mỗi ngày nhà ga đón khoảng 14 đoàn tàu Thống Nhất và tàu địa phương từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung với khoảng hàng chục ngàn lượt người. Còn ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông thông tin: Trong ngày qua có khoảng 1.500 xe từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đưa khoảng 45.000 lượt hành khách trở về bến. Theo dự báo của các bến xe, nhà ga trong những ngày tới lượng hành khách tiếp tục trở về các bến sẽ đông.

Ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty Quản lý bến và Dịch vụ vận tải Đà Nẵng, cho hay: Do năm nay được nghỉ tết dài ngày nên lượng người từ các tỉnh phía Nam về miền Trung ăn tết tăng cao hơn nhiều so với những năm trước.

Chính vì vậy, lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách trong những ngày sau tết. Nhiều hãng xe đã bán hết vé đi các tỉnh phía Nam đến ngày 2-2 (tức 12 tháng giêng).

Trong khi đó, tại ga Đà Nẵng trong ngày 28-1, hàng trăm hành khách đổ dồn về các cửa bán vé với mong muốn tìm được một vé để đi vào TPHCM nhưng đành thất vọng ra về. Mỗi ngày ga Đà Nẵng có khoảng 1.500 - 1.700 chỗ đi vào Nam, nhưng có đến 2.500 người có nhu cầu, vé đã bán hết đến ngày 5-2 (tức 14 tháng giêng).

Suốt ngày 28-1, dọc QL1A qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hàng ngàn người tràn ra đường đón xe vào Nam trong mưa và giá rét. Tại các ngã ba lớn như Ngã ba Voi (Thanh Hóa), Yên Lý, Diễn Châu (Nghệ An), Xuân An, Bãi Vọt (Hà Tĩnh)… người người đứng ngồi, dắt díu trẻ nhỏ đón xe trong cái lạnh tê buốt, nhưng không ít người đến chiều phải thất vọng trở về vì không đón được xe.

Nhiều ngày qua các hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Đà Lạt - TPHCM đều hết vé. Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi cho biết dù đã tăng 20 xe mỗi ngày nhưng vẫn không đủ phục vụ khách. Các công ty Phương Trang và Mai Linh Đà Lạt cũng hết vé cho đến ngày mùng 9 Tết.

Tương tự hầu hết hành khách không mua được vé xe chất lượng cao tuyến Buôn Ma Thuột - TPHCM vì nhà xe đã bán hết từ trước đó mấy ngày. Năm nay, các nhà xe chất lượng cao tuyến Buôn Ma Thuột - TPHCM đều tăng giá vé trong dịp tết từ 50.000 - 100.000 đồng/vé so với ngày thường.

Ùn ứ giao thông tại ĐBSCL

Từ rạng sáng 28-1, đã có hàng ngàn lượt hành khách ùn ùn đổ về các bến xe tại ĐBSCL để trở lại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… chuẩn bị cho tuần làm việc đầu năm mới sau kỳ nghỉ tết.

Tại Cà Mau, ông Võ Văn Tiến, Phó Trưởng bến xe khách Cà Mau, cho biết trong ngày mùng 6 Tết, lượng khách đổ về từ rất sớm gây ra cảnh ùn ứ. Từ 1 giờ sáng đến khoảng 16 giờ chiều ngày mùng 6 Tết đã có 175 lượt xe từ 29 - 45 chỗ xuất bến tại bến xe khách Cà Mau vận chuyển hơn 3.000 hành khách đến TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhưng đến 17 giờ chiều cùng ngày tại bến xe khách Cà Mau vẫn còn khoảng hơn 2.000 lượt hành khách đã mua vé xong nhưng chưa có xe đi. Con số này dự kiến còn tiếp tục tăng lên.

Hiện tại tất cả các phòng vé ở bến xe khách Cà Mau đã ngưng nhận khách đặt vé qua điện thoại. Dù giá vé được nâng lên từ 40% - 60% so với ngày thường cho tất cả các hãng xe khách tại bến xe Cà Mau (đối với xe chạy một tuyến) nhưng vẫn “cháy” vé.

Tại Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ… lượng hành khách đổ dồn về các bến xe đông hơn hẳn so với dịp cuối năm. Trưa 28-1, tại cầu Mỹ Thuận, phía Vĩnh Long đi TPHCM đã tắc nghẽn giao thông từ 11 giờ. Đoàn xe xếp hàng dài hơn 1km, hầu hết là những người về quê ăn tết, công nhân trở lại làm việc. Sau hơn 2 giờ vãn hồi trật tự, giao thông đã thông thoáng hơn nhưng vẫn còn ùn ứ cục bộ.

Trong khi đó, những ngày qua, lực lượng CSGT Tiền Giang phải làm việc vất vả cả ngày vì QL1 đoạn qua các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè vì số lượng xe đi qua lại hầu như quá tải. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng 3 – 4km đã xảy ra tại khu vực cầu Kinh Xáng (xã Long Định, huyện Châu Thành), ngã tư Cai Lậy, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận (huyện Cai Lậy). Trong khi tình trạng ùn tắc tương tự cũng xảy ra khá nghiêm trọng tại cầu An Hữu (huyện Cái Bè) do mặt cầu rất hẹp và ngay tại dốc cầu là đầu chợ An Hữu.

Ùn tắc các cửa ngõ Hà Nội

Chiều 28-1, số lượng người và phương tiện từ các địa phương đổ về Hà Nội đã tăng mạnh. Từ khoảng 15 giờ, nhiều tuyến quốc lộ hướng về Hà Nội đã bắt đầu xảy ra ùn tắc cục bộ như QL21A đoạn qua trạm thu phí Vĩnh Lộc, QL3 đoạn qua Sóc Sơn, QL2 đoạn giao cắt với đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL5 đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm, QL1B đoạn qua Pháp Vân, Cầu Giẽ…

Trong đó, nóng bỏng nhất là QL21A đoạn qua trạm thu phí Vĩnh Lộc, tình trạng ùn tắc đã kéo dài nhiều giờ liền khiến hàng ngàn phương tiện phải nhích từng chút một. Đặc biệt, khu vực cửa ngõ Hà Nội như cầu Chương Dương, bến xe phía Nam… tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.

Cũng trong chiều qua, các bến xe Hà Nội đã hoạt động hết công suất với số lượng hành khách đổ về bến tăng đột biến. Tại Bến xe phía Nam, từ khoảng 10 giờ sáng đến 17 giờ chiều, xe khách ngoại tỉnh nối đuôi nhau vào bến trả khách khiến lượng khách trong bến có lúc bị ùn ứ.

Theo phản ánh của nhiều hành khách, hầu hết các nhà xe đều chở quá tải khoảng 20%, dừng bắt khách dọc đường nhiều lần. Hành khách lên xe dọc đường phải chịu giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá quy định.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục