Ngày thứ 2 thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Lượng xe giảm

Ngày càng vắng xe?

Ngày 26-2, ngày thứ hai thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, lượng xe giảm hẳn so với ngày đầu. Nhiều tài xế cho rằng, chạy qua quốc lộ 1A dù chậm và xa hơn nhưng đỡ khoản phí đáng kể trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Ngày càng vắng xe?

Ngày 26-2, tại chốt thu phí Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang), các phương tiện đi vào đường cao tốc chủ yếu là ô tô 4 chỗ và xe khách của các hãng lớn, còn xe tải lớn và container hầu như vắng bóng. Nhiều nhân viên thu phí và CSGT khu vực này làm việc tương đối nhẹ nhàng, hầu như các phương tiện qua trạm tự động nhấn nút lấy thẻ từ, rất ít khi phải nhờ nhân viên hỗ trợ. Trong khi đó, trên Quốc lộ 1A, các phương tiện tăng nhiều so với trước ngày chưa thu phí.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải cho rằng, mức thu phí trên là quá cao trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết: So với các trạm thu phí hiện nay trên cả nước thì các mức thu phí trên tuyến cao tốc quá cao (mức phí thấp nhất 40.000 đồng và mức phí cao nhất 320.000 đồng/lượt) sẽ làm tăng thêm khoảng 20% giá cước vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Chưa kể mức phí tính cho từng loại phương tiện chưa công bằng.

Cụ thể, mức phí đối với loại xe có tải trọng từ 10 đến 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet là 4.000 đồng/km (suốt tuyến 160.000 đồng/lượt), còn xe trên 18 tấn và xe chở hàng container 40 feet có giá 8.000 đồng/km (suốt tuyến 320.000 đồng/lượt). Bất cập ở chỗ giữa xe 18 tấn và trên 18 tấn (cụ thể loại xe tải 20 tấn) chênh nhau về tải trọng không nhiều nhưng giá thu phí của xe 20 tấn lại gấp đôi xe 18 tấn. Ngoài ra, mức phí xe container 20 feet (giá 4.000 đồng/km) và xe container 40 feet (8.000 đồng/km) thế nhưng các xe đầu kéo container 20 feet hay 40 feet thiết kế tải trọng trên 20 tấn và theo quy định đối với xe trên 18 tấn thì phải nộp phí cao nhất là 8.000 đồng/km.

Ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM) cho biết trong 22 giờ (từ 8 giờ ngày 25-2 đến 6 giờ ngày 26-2) có khoảng 18.000 xe qua trạm, chủ yếu là ô tô con, xe chở khách và xe tải nhẹ. Trong khi những ngày chưa thu phí lượng xe đạt khoảng 32.000 – 35.000 xe/ngày đêm. Theo dự đoán của đơn vị thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, số lượng xe đi trên tuyến đường này sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.

Sẽ “tận thu” quốc lộ 1A

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, thời gian tới các doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước vận chuyển. Tuy nhiên về phía khách hàng không chịu 100% mức phí qua đường cao tốc mà chỉ chịu 50%. Mức thu phí như hiện nay sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng theo, vì hiện nay, mỗi ngày có hàng chục ngàn xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại lưu thông qua đường cao tốc. Như vậy, chi phí vận chuyển tăng thì đương nhiên giá thành sản phẩm tăng và cuối cùng người dân lãnh đủ.

Lượng xe trên đường cao tốc giảm, sắp tới CIPM sẽ xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A để tránh tình trạng xe né đường cao tốc. Như vậy xe không đi đường cao tốc vẫn bị thu phí. Nhiều tài xế cho rằng, việc xây dựng trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhằm hạn chế tình trạng xe né đường cao tốc là chưa hợp lý. Bởi vì nếu trạm thu phí đã xây từ trước khi quốc lộ 1A nâng cấp mở rộng thì chấp nhận được. Trong khi sau khi triển khai thu phí đường cao tốc rồi mới xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A là để ép xe vào đường cao tốc.

Để khuyến kích xe lưu thông trên đường cao tốc cần xem xét lại mức thu phí giữa các loại phương tiện sao cho phù hợp, đặc biệt là mức phí quy định ở khung giữa xe tải 18 tấn và xe tải trên 18 tấn hiện nay có mức giá chênh lệch quá lớn, hay chưa rạch ròi giữa xe container 20 feet và 40 feet. Nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị cũng nên tính toán mức phí theo lộ trình thu trong 5 năm đầu với mức thu trung bình, sau đó tăng dần lên sau 5 năm hoặc 10 năm thì mới khuyến khích người dân đi trên đường cao tốc, chứ áp dụng mức thu như hiện nay là quá sốc.

Trên thực tế, phần lớn xe vẫn lựa chọn quốc lộ 1A để lưu thông, nhất là xe container. Xe khách và xe đông lạnh sẽ không dùng quốc lộ 1A vì chạy lâu có thể mất khách và trễ hàng. Mặt khác, đi đường cao tốc rút ngắn cự ly, thời gian, tiết kiệm nhiên liệu.

Theo ông Phòng, trong thời gian đầu người dân cho rằng phí cao và chuyển qua đi Quốc lộ 1A, có thể một thời gian sau người dân sẽ quay lại đường cao tốc khi phải đối mặt với cảnh kẹt xe, tiêu hao nhiên liệu và cả tiền phí trên quốc lộ 1A. Hiện nay vẫn chưa biết chính xác mức phí tại trạm thu phí quốc lộ 1A là bao nhiêu và bao giờ xây trạm.

Quốc Hùng - Thái Bình

Tin cùng chuyên mục