40/54 dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống

40/54 dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống

Khi kỹ thuật dệt may, nhuộm màu hiện đại tràn về các vùng núi xa xôi cũng là lúc nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) dần đánh mất những nét nguyên gốc trên trang phục của dân tộc mình... Kết quả sau 2 năm điều tra tìm hiểu của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho thấy có tới 40/54 dân tộc không mặc trang phục truyền thống.

        Vải công nghiệp thế chỗ khung dệt truyền thống

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa đã ảnh hưởng và làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào DTTS. Trang phục của họ đang có sự biến đổi nhanh chóng. Nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân ít, sinh sống tại địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao… Theo TS Đoàn Thị Tình, điều chị ghi nhận từ nhiều chuyến điền dã ở Tây Bắc, Việt Bắc và Đông Bắc chính là sự xuất hiện ngày càng mờ nhạt của các trang phục truyền thống. Ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi vẫn giữ được những nét cổ truyền trên trang phục nhưng hầu hết trang phục đã hư rách, phai màu do được truyền lại từ nhiều đời, còn phần lớn trang phục các dân tộc ngày nay được may bằng loại vải rẻ tiền của Trung Quốc. Những kiểu kết hợp áo truyền thống với quần âu hoặc váy của tộc người mình nhưng trên lại mặc áo sơ mi, áo phông, kết hợp với giày da, giày thể thao… ngày càng xuất hiện nhiều và dần trở nên phổ biến trong cộng đồng khiến người ta không thể phân biệt được người dân tộc nào với dân tộc nào.

Trang phục dân tộc của đồng bào Lô Lô.

Trang phục dân tộc của đồng bào Lô Lô.

Ông Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT-DL) cũng bày tỏ sự xót xa khi thấy trang phục của các dân tộc bị thất truyền trong đời sống hiện đại. Theo ông Nhân, một nguyên nhân chính là do nhiều đồng bào DTTS đã quên mất lòng tự hào về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, ít có cơ hội được “khoe” bộ trang phục với thiên hạ. Giới trẻ thì bị ảnh hưởng quá sâu bởi văn hóa của các dân tộc đa số nên không còn thấy vui thích, mặn mà với bộ trang phục của cha ông để lại. Lý do trang phục truyền thống không còn được đồng bào mặc nhiều như trước một phần do họ đã cân nhắc giữa việc mất hàng tháng để dệt lanh, thổ cẩm trong khi vải công nghiệp lại rẻ và rất sẵn. Một nguyên nhân khác cũng khiến các bộ trang phục dân tộc đang mất dần vị trí trong chính cộng đồng là do chúng không còn thực sự tiện dụng trong đời sống sinh hoạt hiện tại khi mà thay vì đi bộ như trước họ đã di chuyển bằng xe đạp, xe máy…

        Cách tân để tồn tại?

Vậy làm thế nào để trang phục của đồng bào các dân tộc vẫn tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền? Một trong những giải pháp nhận được nhiều tiếng nói đồng tình nhất là cần phải cách tân, đổi mới để các trang phục truyền thống của đồng bào vừa không mất đi bản sắc lại hiện đại và tiện dụng hơn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Chia sẻ về quan điểm này, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cũng khẳng định, việc cần thiết phải phát triển phù hợp với nhu cầu và bối cảnh mới đối với trang phục truyền thống của các dân tộc. Tuy nhiên, sự đổi mới, cách tân như thế nào để mỗi dân tộc không đánh mất bản sắc văn hóa của mình vẫn là dấu hỏi lớn. Bởi lẽ việc bảo tồn và phát triển phải luôn gắn bó mật thiết, hỗ trợ cho nhau, nhằm đưa trang phục các dân tộc trở về với đời sống đương đại chứ không phải biến nó thành sự phô diễn hình thức, trong khi người mặc thiếu hụt tinh thần, ý thức đối với bản sắc văn hóa dân tộc không phải là vấn đề đơn giản có thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Thêm nữa, việc cải biên phải vừa tạo tính gọn nhẹ, dễ dàng, thuận tiện cho người mặc nhưng vẫn phải giữ được nét đặc trưng của dân tộc đó cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, tạo mẫu, các đơn vị dệt may...

Cũng trăn trở về vấn đề này, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng đưa ra đề xuất về giải pháp cần phải có sự ra tay của các cơ quan nhà nước. Theo ông Hưng, cần phải quy hoạch và tổ chức sản xuất cùng nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống dệt, nhuộm, thêu thủ công ở cùng dân tộc, có các doanh nghiệp cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu và công cụ hỗ trợ cho làng nghề. Đồng thời cũng cần có sự tôn vinh thỏa đáng những nghệ nhân, thợ giỏi, có như vậy việc bảo tồn văn hóa trong trang phục truyền thống mới có cơ sở vững chắc để thực hiện. Cùng đó, TS Đoàn Thị Tình cũng cho rằng bên cạnh việc xây dựng quy ước về trang phục truyền thống trong các ngày lễ tết… khuyến khích khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức thì cần nâng cao nhận thức về cái đẹp, tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Và chỉ khi người mặc có sự hiểu biết, tự hào và lòng yêu mến vốn quý cha ông đã trao truyền thì khi đó trang phục truyền thống của mỗi dân tộc sẽ tiếp tục tồn tại và được gìn giữ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục